dd/mm/yyyy

Bản Suối Rằm: Đường đến trường xa vời với con trẻ

Suốt nhiều năm liền, trẻ em người Mông ở bản Suối Rằm, xã Cun Pheo (Mai Châu – Hòa Bình) chưa một lần được đến trường...

Trẻ em ở Suối Rằm chưa một lần được đến trường

Sống ở nơi dãi nắng dầm mưa, lo đủ cái ăn đã là một sự nỗ lực lớn của các gia đình người Mông ở Suối Rằm. Khi số hộ dân tăng dần lên trong bản cũng xuất hiện nhiều vấn đề cần giải quyết. Đặc biệt là chuyện học hành của trẻ em nơi đây vẫn là vấn đề nan giải. Chúng lớn lên hồn nhiên giữa núi rừng, chưa từng biết đến trường lớp hay cô giáo là gì.

Hầu hết những gia đình nơi đây sống trong căn nhà tồi tàn và thiếu thốn đủ đường. Việc quan tâm, chăm lo đến con cái của các gia đình còn vô cùng hạn chế. Thăm gia đình anh Vàng A Tra có 2 đứa con đã lớn. Anh Tra là con trai của ông Vàng A Sáu (người được bà con khu Suối Rằm gọi Trưởng bản). 

Bản nguyên thủy Suối Rằm: Đường đến trường xa vời - Ảnh 1.

Những đứa trẻ người Mông hồn nhiên ở Suối Rằm ở độ tuổi đi học, nhưng do sống ở nơi không điện, đường, trường, trạm nên suốt nhiều năm liền, các em chưa một lần được đến trường. Ảnh: Xuân Linh.

Khi anh Tra lần đầu đặt chân lên vùng đất này, đứa con trai đã 6 tuổi. Vợ chồng anh còn sinh thêm được một đứa con nữa, năm nay 4 tuổi. Đáng nhẽ ở độ tuổi này, các cháu được tung tăng cắp sách tới trường cùng đám bạn. Tuy nhiên, ở bản nguyên thuỷ này, chúng ngày ngày theo bố mẹ lên nương. Tối về bản, trong suy nghĩ của chúng chưa bao giờ hình dung ra trường lớp là gì.

Nhiều lúc anh Tra cũng nghĩ đến việc cho chúng đi học cho đỡ tội, nhưng ở bản không có lớp học. Trường học của xã Cun Pheo cũng cách nơi này cả ngày đi đường. Mùa nối mùa trôi qua, 2 đứa con của anh Tra lớn lên mà không hề có khái niệm được đến trường. Ngay cả tiếng phổ thông, chúng cũng không nói được vì không có người dạy.

"Ở riết thế thành quen, nên chẳng ai nghĩ đến chuyện phải cho bọn trẻ đi học", ông Vàng A Sáu bảo vậy.

Không riêng gì nhà anh Tra, hầu hết các hộ dân nơi đây đều có con cái, nhà ít 1 cháu, nhà nhiều 5 cháu. Một điều dễ nhận thấy là 100% trẻ em ở bản này đều mù chữ. Bố mẹ coi chuyện bọn trẻ không đến trường như chính cuộc sống ở nơi này vậy. 

Bản nguyên thủy Suối Rằm: Đường đến trường xa vời - Ảnh 2.

Cuộc sống của bà con người Mông ở Suối Rằm gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Xuân Linh.

Đến thăm gia đình chị Thào Thị Dê có 4 đứa con, trong đó có 3 đứa nhỏ trong độ tuổi đi học. Hôm chúng tôi đến thăm gia đình, chị Dê vừa đi làm nương về. Người phụ nữ dân tộc Mông chưa đến tuổi băm mà có tới 4 đứa con cắp nách. 

Nhìn bọn trẻ nheo nhóc, quần áo lấm lem bùn đất quấn lấy chị nom thật tội. Do chúng không nói được tiếng phổ thông, nên chỉ chào người khách lạ bằng ánh mắt lạ lẫm. Hỏi đến chuyện cho con đi học, chị Dê cũng chưa từng nghĩ tới. Ở đây có trường lớp gì đâu. Ở đây các gia đình khác cũng không có điều kiện cho bọn trẻ đến trường.

Do bản Suối Rằm được hình thành cách đây 7 năm, lại không thuộc đơn vị hành chính nào nên không có cán bộ chuyên trách. Bà con cùng nhau "bầu" ông Sáu làm "Trưởng bản" thay bà con tiếp khách, giải quyết công việc của bản. Ông Sáu phải vất vả lắm mới thống kê hết số trẻ ở bản. Tính trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, bản Suối Giàng có tới 31 cháu. Các cháu đều ở trong độ tuổi đi học. Nhưng đến giờ khao khát đến trường của đám trẻ vẫn còn xa vời.

Bà con Suối Rằm mong có một khu tái định cư

Cun Pheo là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mai Châu. Nơi này rừng còn ngút ngàn kéo dài tới đất Thanh Hóa và Sơn La. Bản Suối Rằm nằm ở nơi tiếp giáp của 3 tỉnh. Do vậy, từ năm 2015, có khoảng 10 hộ dân từ Sơn La di cư sang khu vực suối Rằm để phát nương, làm rẫy. 

Lâu dần, họ dựng nhà, dựng cửa ở hẳn ở đó. Sau đó vài năm, có thêm nhiều người dân từ các nơi khác đến chiếm dụng đất để canh tác, sản xuất, dựng nhà. Đến nay có tới 21 hộ dân ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa đến bản Suối Rằm sinh sống và định cư.

Bản nguyên thủy Suối Rằm: Đường đến trường xa vời - Ảnh 3.

Bà con người Mông ở Suối Rằm mong có một khu tái định cư để con cái họ được đến trường. Ảnh: Xuân Linh.

Theo ông Lò Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Cun Pheo, trước thực trạng trên, ngay khi phát hiện việc một số người dân ở nơi khác di cư đến địa bàn, UBND xã đã báo cáo với UBND huyện Mai Châu và các ngành chức năng để tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Cùng với đó, UBND xã thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, kiểm lâm và các ngành, đoàn thể tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động nhưng đa phần người dân không chấp hành. Họ vẫn tiếp tục chiếm dụng đất phát nương làm nhà và có ý định định cư lâu dài tại đây.

Do bà con sống ở nơi không trực thuộc sự quản lý của đơn vị hành chính nào, nên việc hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước chưa đến được nơi này. Đặc biệt là chuyện học hành của con trẻ, chưa được quan tâm. Trước thực trạng trên, UBND 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái đã thành lập đoàn công tác trực tiếp đến thực địa để gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. 

Về phía 2 tỉnh này cho biết, đã có chủ trương, chính sách đón đồng bào dân tộc Mông thường du canh, du cư đến địa phương khác sinh sống, xâm canh, xâm cư trở về tỉnh sẽ hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở để ổn định cuộc sống cho người dân. 

Tuy nhiên, hầu hết các hộ đang xâm canh, xâm cư tại huyện Mai Châu đều không nhất trí trở về địa phương, mà còn có ý định lôi kéo thêm nhiều người Mông trong dòng tộc ở các tỉnh khác đến cư trú lâu dài, chiếm dụng đất, lập làng mới. Lý do họ đưa ra là về quê cũ không có đất sản xuất.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo tuyên truyền, vận động đồng bào xâm canh, xâm cư tại khu vực suối Rằm trở về địa phương. Huyện uỷ, UBND huyện Mai Châu thành lập các tổ công tác phối hợp với công an, kiểm lâm và UBND xã Cun Pheo tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ dân xâm canh, xâm cư ký cam kết trở về địa phương. 

Từ năm 2015 đến nay, huyện Mai Châu đã tổ chức 4 đợt cho các hộ dân ký cam kết không xâm canh, xâm cư, trở về địa phương cũ sinh sống. Tuy nhiên, chỉ có 33/38 hộ ký cam kết. Trong đó, chỉ có 15 hộ trở về địa phương, 23 hộ dân còn lại vẫn tiếp tục bám trụ với ý định định cư lâu dài tài khu vực này.

Theo đánh giá của UBND huyện Mai Châu, việc di dân tự do, xâm canh, xâm cư thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn và thách thức cho địa phương. Điển hình như gây ra nạn chặt, phá rừng làm nương rẫy tăng cao, diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp; xảy ra tình trạng tranh chấp đất giữa các hộ di dân tự do và người dân địa phương, doanh nghiệp. 

Cá biệt có trường hợp sử dụng vũ khí nóng để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn gây mất ANTT tại địa phương; tình trạng đói nghèo, tệ nạn xã hội, trẻ em không được đi học và ô nhiễm môi trường tăng; đời sống cư dân địa phương bị xáo trộn, công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu của địa phương gặp khó khăn, phá vỡ quy hoạch về dân cư và quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Bên cạnh đó, do các hộ di dân không đủ điều kiện nên chưa được cấp hộ khẩu, đăng ký tạm trú, dẫn tới không được hưởng các chế độ, chính sách y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội...

Trong bối cảnh hiện nay, căn cứ thực trạng và sự cấp bách của việc giải quyết triệt để vấn đề di dân tự do trên địa bàn huyện Mai Châu, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng khu tái định cư cho đồng bào di dân tự do tại xóm Táu Nà với mục tiêu bố trí đất ở, đất sản xuất, hạ tầng thiết yếu phục vụ ổn định cuộc sống của các hộ di dân tự do, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Không khuyến khích di dân tự do. Nhưng họ đã đi rồi, đã lỡ đến đây rồi thì phải quan tâm giải quyết những chính sách cụ thể, đảm bảo an sinh xã hội. Không để đồng bào lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, mất ANTT, phá rừng".

Nhóm PV Tây Bắc