dd/mm/yyyy

Suối Rằm - bản nguyên thủy ở Mai Châu (Hòa Bình)

Hàng chục hộ dân ở khu Suối Rằm, xã Cun Pheo (Mai Châu, Hòa Bình) ở tít trên đỉnh núi. Bà con nơi đây sống vất vưởng, không biết thuộc về đơn vị nào quản lý...


Clip: Cuộc sống nghèo khổ của người Mông ở bản Suối Rằm.

Suối Rằm - bản Mông nhiều không

Khu Suối Rằm, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu Hòa Bình ở tít trên đỉnh núi. Nơi đây có 21 hộ dân là đồng bào người Mông sinh sống. Suốt 7 năm qua, trẻ em ở nơi đây không hề đi học. Người dân sống vất vưởng. Cả trăm con người quây quần trên đỉnh núi với sự thiếu thốn trăm bề. Họ là những công dân đang bị "lãng quên".

Suối Rằm theo tiếng Mông nghĩa là suối ở trên trời. Cái tên mỹ miều đó được đặt tên cho nơi ở của 21 hộ dân di cư từ Sơn La, Thanh Hóa, Hòa Bình lên đây sinh sống. Họ không thuộc quản lý của đơn vị hành chính nào mà tự do sinh sống.

Suối Rằm - bản nguyên thủy ở Mai Châu (Hòa Bình) - Ảnh 2.

Chị Giàng Thị Cha và đứa con gái 2 tuổi được sinh ra tại khu Suối Rằm. Ảnh: Tuấn Linh.

Những năm trước, đường lên bản Suối Rằm chỉ có một lối mòn nhỏ. Từ khi công ty lâm nghiệp đóng ở huyện Mai Châu mở đường lên núi, bà con người Mông nơi đây có thể đi xe máy về bản. Nói là đường chứ mỗi khi lên bản Suối Rằm là một lần thử thách sự dũng cảm của người đi. Đường đèo, dốc cao, suối sâu và nhiều cua vô cùng nguy hiểm.

Người lên tới bản không muốn xuống, người rời bản "thề" không quay lại. Cuộc sống của hơn trăm con người "vô thừa nhận" này đã trải qua 7 mùa trăng. Điều đáng buồn hơn là mấy chục đứa trẻ đến tuổi đi học mà chưa một lần được đến trường. Ngay cả tiếng phổ thông các cháu nhỏ cũng không nói được.

Sau cả buổi đánh vật với con đường mòn dốc dựng đứng, chúng tôi mới đến được bản Suối Rằm. Những vạt đồi lau trắng lơ phơ đầu bạc vây quanh lấy bản. Mấy căn nhà tạm được ghép lại bằng thân tre nứa hiện lên giữa bốn bề mây núi.

Suối Rằm - bản nguyên thủy ở Mai Châu (Hòa Bình) - Ảnh 3.

Gia đình ông Vàng A Sáu (người đang ngồi) là hộ dân đầu tiên đến khu Suối Rằm sinh sống. Ảnh: Tuấn Linh.

Mái nhà lợp tranh, nom tạm bợ như cán lán canh nương. Đàn lợn đen bản địa gặp người lạ chạy trối chết. Tiếng gà gáy vang vọng giữa thinh không càng khiến không khí của bản thêm hoang lạnh. Bản vắng tanh. 

Loanh quanh mãi, chúng tôi mới tìm được ngôi nhà có người ở nhà vì nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Gọi cửa mãi mới thấy thiếu phụ người Mông ôm con nhỏ ra mở cửa.

Chị này tên là Giàng Thị Cha (19 tuổi), chúng tôi hỏi, chị chỉ nói mỗi câu: "Chư pâu" (không biết). Cha không nói được tiếng phổ thông. Rất may người đàn ông dẫn chúng tôi lên bản nói được tiếng của người Mông. Cha mời chúng tôi vào nhà. 

Phía trong ngôi nhà thấp và tối như hũ lút, đồ đạc vứt lổng chổng. Mấy bao thóc được xếp ở góc nhà cùng 2 cái phên giường chất đống chăn màn đã cũ mèm. Đứa con trên tay Cha khóc ngằn ngặt vì có người lạ vào nhà.

Suối Rằm - bản nguyên thủy ở Mai Châu (Hòa Bình) - Ảnh 4.

Đời sống khó khăn của đồng bào Mông khu Suối Rằm. Ảnh: Tuấn Linh.

Cha năm nay chưa đến 20 tuổi, tóc tai bù xù đang ở đây cùng chồng. Qua lời người phiên dịch chúng tôi mới biết, Cha quê ở huyện Phù Yên (Sơn La). Vợ chồng Cha dắt díu nhau lên đây sinh sống đã được 3 năm. Khi đó Cha đang mang bầu, vì ở quê Phù Yên không có đất sản xuất nên mới phải lên đây kiếm chỗ sinh nhai. Nhờ bà con xóm làng dựng tạm cho ngôi nhà gỗ này.

Cha kể: Trên này mỗi khi trời nổi giông gió như muốn hất văng ngôi nhà. Chuyển đến nơi ở mới đang lúc bụng mang dạ chửa, Cha phải khó nhọc lắm mới quen với cuộc sống thiếu thốn đủ đường ở đây. Ngày Cha sinh con cũng đẻ tại nhà. Nhờ mấy chị em phụ nữ trong xóm đến giúp. Cũng may mẹ tròn con vuông. Đứa con gái được Cha đặt tên là Danh.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi chồng của Cha đi nương về. Anh này tên là Phàng A Lữ mặt còn trẻ măng. Lữ bảo: "Ở đây thiếu thốn đủ thứ, nhưng lại có đất để làm lúa nương. Ở quê cũ do khổ quá, vợ chồng cháu mới phải lên đây".

Nghe qua câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ khiến ai cũng phải chạnh lòng. Họ sống ở giữa đỉnh núi với điều kiện thiếu thốn trăm bề. Ngoài thời gian làm nương, họ cũng có chăn thêm gà, thêm lợn để cải thiện cuộc sống. Cái ăn cũng không đến nỗi đói như ở quê cũ, nhưng đời sống tinh thần thiếu thốn trăm đường. Suốt 3 năm qua, họ không về quê mà kiên trì bám trụ nơi này.

Cách nhà Lữ vài bước chân có mấy ngôi nhà khác được dựng lên bên triền núi. Nom cái bản nhỏ tàn tạ dưới ánh nắng chiều. Ở nơi này không nước sạch, không điện, không trường và không thuộc sự quản lý của đơn vị hành chính nào cả. Hơn trăm người dân đều là người dân tộc Mông sống giữa vùng núi với muôn vàn gian khó.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Sồng Thị Lơ quê ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái) nằm chênh vênh bên sườn núi. Chị Lơ có 5 đứa con. Đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ mới được 1 tuổi. Nhìn bầu đàn thê tử luấn quấn bên ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp nom thật tội.

Trước nhà, chị có làm cái giàn phơi được ghép lại bằng phên tre đập rập. Mấy đứa nhỏ tỏ ra sợ sệt khi nhìn thấy người lạ đến nhà.

Chị Lơ chỉ nói bập bõm được vài từ tiếng phổ thông. Năm nay mới ngoài 20 tuổi, không ai nghĩ chị Lơ đã một lách 5 đứa con. "Ở đây bữa no, bữa đói, quần áo thiếu thốn, nên bọn trẻ cứ luân phiên mặc quần áo của nhau. Thi thoảng có đoàn thiện nguyện lên bản cũng cho quần áo, nên mùa đông chúng mới không bị rét", chị Lơ cho biết.

Dân tứ chiếng đến Suối Rằm tìm kế sinh nhai

Chiều dần buông, sương mù đã giăng khắp lối, cái lạnh đã ùa về bản cũng là thời điểm bà con đi làm về. Bản Mông rộn ràng lên một chặp rồi lại chìm nghỉm trong sương.

Theo lời chỉ dẫn của Lữ, chúng tôi tìm đến gia đình ông Vàng A Sáu – người đầu tiên chuyển đến khai sơn, phá thạch ở vùng đất này. Cũng có thể coi ông là "Trưởng bản" vì ông là người già và có tiếng nói nhất bản Suối Rằm.

Ngôi nhà của ông "Trưởng bản" cũng chẳng khá khẩm hơn. Mái nhà vá chằng, vá đụp bởi những miếng bạt và thanh tre chẻ đặt lên. Khách muốn bước vào nhà phải cúi thật thấp mới vào được. Ông Sáu có dáng người cao gầy, khuôn mặt đen sạm nhuộm màu nắng gió.

Lúc chúng tôi đến nhà, vợ ông là bà Sâu cùng 2 đứa con dâu vừa đi làm về. Cả ngày ở trên nương vất vả, nom người phụ nữ nơi đây đều già trước tuổi. Ông Sáu nói tiếng phổ thông còn lơ lớ: "Ở nhà này chỉ có tôi và mấy đứa con trai nói được tiếng phổ thông. Phụ nữ gần như không giao tiếp được với người miền xuôi…".

Trong ngôi nhà tối như hũ lút, vợ con ông Sáu chuẩn bị nấu bữa cơm tối. Bếp lửa được nhóm lên báo hiệu một ngày đã tắt ở bản Mông. Ông Sáu là người kiệm lời, chúng tôi phải nhờ người dẫn đường nói chuyện với ông bằng tiếng địa phương mới hiểu được hoàn cảnh gia đình.

Quê ông ở huyện Bắc Yên (Sơn La). Ông đến đây đã được 7 năm. Ngày đó, ông cùng vợ chồng của 3 người con trai ngày đêm vượt đường rừng đến đây tìm đất sản xuất.

Do ở quê nhà khổ quá, ông mới phải tìm đến nơi này kiếm kế sinh nhai. Bản Suối Rằm ở tít trên núi cao, cách khu dân cư địa phương cả ngày đường đi bộ. Những ngày đầu ở nơi ở mới khổ trăm bề. Mấy cặp vợ chồng ở tạm trong cái lán nhỏ.

Ngày ngày họ phát rừng, cuốc đất, tra ngô, trồng lúa. Mùa nối mùa trôi qua, dần dần các con ông dựng được lán ở riêng. Hiện ông đang ở với người con trai thứ hai. Bao mồ hôi, bao khó nhọc đã gieo xuống vùng đất mới này khiến ông Sáu không nhớ hết nổi.

Dường như ông Sáu là người mở hàng mát tay, khi cái nương lúa, nương ngô lên xanh. Con lợn kêu ủn ỉn, con gà gáy đều đều… báo hiệu một cuộc sống mới của gia đình ông đã bước qua thời gian khó.

Một số hộ dân ở Thanh Hóa, thậm chí ở Yên Bái xa xôi cũng tụ tập về đất này tìm nơi sinh sống. Họ là dân tứ chiếng tụ hợp lại đều rơi vào cảnh cùng đinh mới phải trụ ở đất này. 

"Bà con bảo nhau làm ăn. Người đến trước cưu mang người đến sau. Đến giờ bản Mông đã có tới 21 nóc nhà với trên trăm nhân khẩu", ông Sáu nói.

Nhóm PV Tây Bắc