Nhà đầu tư là doanh nghiệp 3 tuổi
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Dự án được đầu tư với tổng nguồn vốn 2.578,246 tỷ đồng với quy mô 306,69 ha tại xã Đông Cứu, xã Lãng Ngâm và xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Theo quyết định, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh sẽ là nhà đầu tư dự án.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh được thành lập ngày 3/5/2018, có địa chỉ tại số 32 đường Lê Văn thịnh, thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Ngành nghề kinh doanh của công ty này khá đa dạng như: Buôn bán thực phẩm, đồ uống, máy móc, nhiên liệu rắn, kim loại, vật liệu, lương thực, thực phẩm… bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, sửa chữa thiết bị diện… và kinh doanh bất động sản.
Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh có người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Thọ Khang (SN 1974).
Đáng chú ý, ông Bùi Thọ Khang hiện đang là đại diện các doanh nghiệp: Công ty TNHH đầu tư Capella Bắc Giang (thành lập ngày 24/1/2018), Công ty TNHH Đầu tư Đoan Bái (thành lập ngày 8/7/2020).
Đảm bảo mục đích chuyển đổi diện tích đất lúa
Theo quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình, UBND tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật;
Việc triển khai dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô, địa điểm và tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.
Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong chỉ tiêu diện tích đất trồng lúa còn lại của tỉnh Bắc Ninh được phép chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 7/5/2018;
Thực hiện phương án bổ sung diện tích hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần diện tích đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai năm 2013 yêu cầu Nhà đầu tư khi được thuê đất thực hiện Dự án phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh và các cơ quan liên quan giám sát, đánh giá việc triển khai dự án, trong đó có việc góp vốn và huy động các nguồn vốn của Nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; phối hợp với Nhà đầu tư triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định; thực hiện các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động.
Được biết, theo quy hoạch tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Bắc Ninh có 15 khu công nghiệp tập trung; trong đó có nhiều khu công nghiệp đã được lấp đầy và đi vào hoạt động thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như Samsung, Canon, Foxcon, Itel... đầu tư và sản xuất. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp thường là những nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm như Viglacera, VSIP, Kinh Bắc... Vì thế, một doanh nghiệp tư nhân mới được thành lập 3 năm chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp như Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh khiến dư luận không khỏi băn khoăn?