dd/mm/yyyy

Angimex: Lãi chưa bù đắp được lợi nhuận bị âm

Do tới quý III/2023, Angimex mới kinh doanh có lãi chút ít nên lợi nhuận có được chưa bù đắp được lợi nhuận bị âm.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, Mã: AGM) vừa có văn bản báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. 

Theo đó, Angimex cho biết đã hoàn thành thực hiện tái cấu trúc và điều chỉnh quy mô hoạt động, tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí. Do tới quý III/2023, Angimex mới kinh doanh có lãi chút ít nên lợi nhuận có được chưa bù đắp được lợi nhuận bị âm.

Công ty tích cực đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ khách hàng để hoàn nhập trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Công ty cũng đang tiếp tục đàm phán với các đối tác để chào bán thanh lý tài sản và chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên doanh liên kết.

Angimex: Lãi chưa bù đắp được lợi nhuận bị âm - Ảnh 1.

Do tới quý III/2023, Angimex kinh doanh có lãi nên lợi nhuận có được chưa bù đắp được lợi nhuận bị âm.

Angimex: Lãi chưa bù đắp được lợi nhuận bị âm - Ảnh 2.

Angimex cho biết chi phí nguyên liệu đầu vào và lãi suất vẫn còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nên công ty vẫn còn đang trong quá trình khắc phục.

Angimex cũng cho biết đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 6/11/2023 và đã được thông qua việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu hoặc sử dụng quỹ đầu tư phát triển và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu để bù đắp lỗ lũy kế. Angimex đang hoàn tất hồ sơ phát hành cổ phiếu và sẽ trình cho cấp có thẩm quyền phê duyệt vào những ngày đầu tháng 12/2023.

Do hoạt động kinh doanh vẫn chưa cân bằng được thu chi, chi phí nguyên liệu đầu vào và lãi suất vẫn còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nên đến thời điểm hiện nay Angimex vẫn còn đang trong quá trình khắc phục. 

Công ty đang tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện hiệu quả kinh doanh, khắc phục tình trạng lỗ lũy kế hợp nhất.

Từng là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, các quý gần đây, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang liên tục chìm trong thua lỗ với nhiều chỉ số đáng báo động. Tuy nhiên, quý III/2023 Angimex đã lần đầu tiên báo lãi trở lại sau 5 quý.

Cụ thể, Angimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 223,6 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức 10,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 86% còn 8,8 tỷ đồng cùng nhiều chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 62% chỉ còn hơn 3 tỷ đồng.

Nhờ không ghi nhận thuế TNDN hiện hành và hoãn lại nên Angimex báo lãi ròng quý III/2023 ở mức 1,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lỗ 28,8 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên, Angimex có lãi trở lại kể từ quý I/2022.

Lũy kế 3 quý đầu năm nay, Angimex mang về 545 tỷ đồng doanh thu thuần, chưa bằng 1/5 doanh thu cùng kỳ năm 2022. Sau thuế của doanh nghiệp là âm 56 tỷ đồng, lỗ đậm hơn mức 35 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Angimex dự báo doanh thu đạt 824 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 520 tỷ đồng, tiếp theo là ngành lương thực 250 tỷ đồng. Công ty ước lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 231 tỷ đồng.

Sang năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.854 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 27 tỷ đồng.

Angimex: Lãi chưa bù đắp được lợi nhuận bị âm - Ảnh 2.

Nguồn: Angimex.

Angimex: Lãi chưa bù đắp được lợi nhuận bị âm - Ảnh 4.

Giá lúa gạo hôm nay (8/12) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng mạnh với nhiều chủng loại lúa.

Trong một diễn biến liên quan đến thị trường gạo, giá lúa gạo hôm nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng mạnh với nhiều chủng loại lúa.

Theo đó, tại khu vực tỉnh An Giang, cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho thấy, giá lúa Đài thơm 8 tăng 200 – 300 đồng/kg lên mức 9.400 – 9.700 đồng/kg; gạo OM 5451 tăng 100 – 200 đồng/kg lên mức 9.400 – 9.500 đồng/kg; gạo OM 18 tăng 200 đồng/kg lên mức 9.500 – 9.700 đồng/kg.

Với các chủng loại lúa còn lại, giá đi ngang. Cụ thể, giá lúa Nàng hoa 9 ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; lúa IR 504 duy trì ổn định ở mức 8.800 – 9.000 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg.

Trong khi đó, đối với các loại gạo hôm nay giá biến động trái chiều giữa các chủng loại. Theo đó, tại kho xuất khẩu ở Sa Đéc (Đồng Tháp), giá gạo nguyên liệu IR 504 Việt tăng 100 đồng/kg lên mức 12.800 – 12.900 đồng/kg; gạo nguyên liệu Đài thơm 8, OM 18 tăng 50 đồng/kg lên mức 13.800 – 13.850 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 tăng 100 đồng/kg lên mức 12.650 – 12.750 đồng/kg; gạo OM 5451 tăng lên mức 13.400 – 13.450 đồng/kg. Ngược lại, giá gạo Sóc nguyên liệu giảm 100 đồng/kg xuống còn 12.000 – 12.100 đồng/kg.

Đối với các loại phụ phẩm hôm nay không có biến động. Hiện giá tấm OM 5451 giữ ở mức 11.700-11.800 đồng/kg và cám khô ổn định quanh mốc 6.600-6.700 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh tăng. Theo đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 663 USD/tấn và giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 648 USD/tấn.

Có thể thấy tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục nhảy vọt. Kết phiên 4/12, giá gạo 5% tấm của ta tăng từ 650/tấn lên 663 USD/tấn, đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. 

Giá gạo Việt Nam tăng mạnh ở mức cao nhất thế giới do sức mua trên thị trường quốc tế tăng. Tuy nhiên, nguồn cung lúa gạo Việt Nam hiện đang khan hàng, không còn dồi dào như hồi đầu năm.

Giá gạo thời gian vừa qua duy trì ở mức cao khiến doanh thu ở hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ. Dù vậy nhưng lợi nhuận doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn dừng ở mức thấp, thậm chí có doanh nghiệp đã báo lỗ trong quý III/2023 với nhiều lý do khác nhau (bài toán chi phí và đặc biệt là lãi vay vẫn chưa được giải quyết khiến lợi nhuận thu về không được như kỳ vọng...)...


Nguyễn Phương