20 năm gom đất tạo cơ nghiệp
Người nông dân đặc biệt đó là ông Đinh Thành Nam (sinh năm 1970), ấp Bình Phú, xã Hòa An, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang).
Ông Nam chia sẻ, cũng giống nhưng nhiều gia đình khác ở vùng Chợ Mới, sau giải phóng cuộc sống bà con vùng này còn rất khó khăn và gia đình ông cũng cùng chung cảnh ngộ.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo khó nhưng ông may mắn được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Năm 1990 ông tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học, ra trường đi dạy học. Nhưng đồng lương giáo viên không đủ sống nên sau một năm ông xin nghỉ dạy để về nhà phụ giúp gia đình.
Năm 2019 ông tỷ phú nông dân Đinh Thành Nam vinh dự được UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2016-2019. Đặt biệt năm 2020 ông Vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Sau đó ông lập gia đình riêng. Hai bên cha mẹ đều nghèo, ra ở riêng vợ chồng ông Đinh Thành Nam được cho 2 công đất ruộng. Dù chỉ có 2 công đất ruộng nhưng hai vợ chồng ông rất chí thú canh tác. Sau 3 năm vất vả ông dành dụm được 3 chỉ vàng. Có được ít vốn ông tính làm cách nào để cải thiện cuộc sống.
Sau nhiều ngày tìm hiểu ông Nam mạnh dạn bàn với gia đình mượn thêm 2 chỉ vàng của cha mẹ để mua máy bơm nước trị giá 5 chỉ vàng về bơm nước thuê cho các hộ lân cận.
"Thời điểm đó (năm 1994) máy bơm nước ở đây còn hiếm lắm nên máy bơm của mình sắm được bơm liên tục ngày đêm. Chỉ trong vòng một mùa vụ tui đã thu lại được tiền mua máy. Và cứ thế chiếc máy bơm nước trở thành công cụ kiếm tiền chủ lực của gia đình tui lúc đó"- ông Đinh Thành Nam nhớ lại.
Dần dần máy bơm nước có nhiều người mua sử dụng, ông Nam lại nghĩ đến cách làm ăn mới. Huyện Chợ Mới là huyện cù lao, đất đai màu mỡ, 2 công đất cha mẹ cho nếu làm ruộng thì thu nhập cũng không cao.
Qua tìm hiểu từ người quen, bạn bè ông được biết vùng Tà Lãnh (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đất đai màu mỡ nhưng giá lại rất rẻ nên ông bàn với vợ bán 2 công đất ở Chợ Mới lấy tiền về vùng Tà Lãnh mua đất ruộng giá rẻ hơn để để canh tác.
"Những năm đó ở vùng Tà Lãnh đất rất rẻ, 1 công đất ở huyện Chợ Mới tui bán giá trên 30 triệu đồng, về Tà Lãnh, Tri Tôn tui mua lại 1 công đất giá chỉ 2,5 triệu đồng. Tiền 2 công đất bán được tui vay thêm tiền mua được 3ha đất ruộng để canh tác"- ông Nam kể.
Sau một thời gian làm ruộng tích cóp vốn, ông tiếp tục đầu tư mua máy kéo lúa, máy cày để vừa phục vụ sản xuất, vừa làm dịch vụ.
Mua đất ở vùng Tri Tôn không có, ông qua vùng Kiên Lương (Kiên Giang) mua thêm. Đến nay sau hơn 20 năm tích tụ, ông đã có được 90ha đất ruộng.
Trồng lúa kiểu lạ - cho đất nghỉ ngơi
Để có được gia tài như ngày hôm nay, ngoài việc biết tính toán làm ăn, ông Nam còn là một nông dân sản xuất lúa chuyên nghiệp, không những luôn trúng mùa mà lúa ông sản xuất luôn bán giá cao. Diện tích đất trồng lúa của gia đình nhiều, năm 2006 ông mở cửa hàng vật tư nông nghiệp để vừa phục vụ việc trồng lúa của gia đình vừa để cho vợ ở nhà mua bán tăng thêm thu nhập.
Ông Nam chia sẻ: "Đa phần bà con nông dân đều sản xuất lúa theo tập quán cũ, trong khi sâu bệnh mỗi năm đều đổi khác nên mình phải theo dõi khoa học kỹ thuật hàng ngày để biết cách xử lý. Theo kinh nghiệm cá nhân tui, nếu muốn thành công trong trồng lúa điều quan trọng đầu tiên là khâu chọn giống lúa. Ở đây tui chọn giống lúa Nhật, bởi gạo từ lúa Nhật có giá bán cao, thị trường ưa chuộng. Việc gieo sạ nên sạ thưa, hạn chế tối đa sử dụng giống...".
Nhiều năm nay, với giống lúa Nhật ông Nam chỉ sử dụng 8kg lúa giống/công (1.000m2). Sạ thưa nên việc bón phân, thuốc rất ít. Từ ngày gieo sạ đến khi lấy đồng không phải phun phân thuốc nên giảm chi phí tối đa...
Khác với những bà con khác trong vùng, dù điều kiện thổ nhưỡng vùng Tri Tôn, Kiên Lương rất tốt, thích hợp trồng 3 vụ lúa/năm nhưng ông Nam chỉ trồng 2 vụ/năm (đông xuân và hè thu) nhưng vụ lúa nào của ông cũng cho năng suất cao và tất nhiên và chi phí đầu tư sẽ thấp hơn.
"Qua tìm hiểu thì tui thấy đất cũng cần phải nghỉ ngơi để lấy lại dinh dưỡng, phục hồi nên tui quyết định thay vì sản xuất 3 vụ lúa/năm như bà con nơi đây thì tui chỉ sản xuất 2 vụ, vụ còn lại tôi xả nước tràn vào cho đất hấp thụ phù sa và dưỡng chất..." - ông Đinh Thành Nam chia sẻ.
Chính cách làm đó mà hàng năm vụ lúa đông xuân, ông Nam thu hoạch trên 1 tấn lúa/ ha, vụ hè thu từ 800 - 900kg lúa/ha. Hiện nay ông đang thu hoạch vụ hè thu, được 900kg/ha, giá bán 5.800 đồng/kg...
Hiện nay, với 90ha đất canh tác, 3 cửa hàng vật tư nông nghiệp (ở các huyện Chợ Mới, Tri Tôn và Kiên Lương), hệ thống máy bơm nước, máy kéo, máy cày, máy sạ lúa, máy gặt đập liên hợp và lò sấy lúa... gia đình ông giải quyết việc làm cho 5 nhân công thường xuyên và từ 40-50 lao động theo thời vụ tại địa phương.
Ông Trần Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa An, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) nhận xét: Ông Đinh Thành Nam là một tấm gương nông dân tiêu biểu cho sự cần cù, chịu khó lao động và ham học hỏi. Không những thế ông Nam còn là một tấm gương vì cộng đồng, ông luôn nhiệt tình ủng hộ bà con hội viên nông dân khác và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội của địa phương mà không cần ai ghi nhận hay biết đến.