dd/mm/yyyy

78 năm độc lập - tự do - Ấm áp trong vòng tay của Đảng

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó chính là nền tảng vững nhất cho nhân dân xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nhìn lại 78 năm làm công dân của nước Việt Nam độc lập

Những năm gần đây, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, lực lượng phản động ra sức lôi kéo, tuyên truyền họ "thả mồi bắt bóng", bán bỏ tài sản ở Việt Nam, vượt biên trái phép, ảo vọng chạy theo cái gọi là "Vương quốc tự trị", kèm theo những lời hứa hẹn đổi đời. Nhưng sau khi vượt biên, họ mới phát hiện ra mình bị lừa dối, rơi vào cái bẫy của bọn phản động, trở thành công cụ kiếm tiền của chúng. "Vương quốc mộng mơ" đâu chẳng thấy, thực tế lại là một cuộc sống cùng cực, chui lủi trong rừng như con thú. Không nơi đâu bằng ở nhà mình, quê hương, đất nước mình, hãy ấm áp trong vòng tay của Đảng

Theo những cứ liệu lịch sử và nhiều nhân chứng sống cho biết: Cuộc sống các dân tộc tỉnh Sơn La trước cách mạng tháng 8 năm 1945, cũng giống như cả nước, đó là thân phận của người nô lệ. Dưới chế độ hà khắc cai trị của thực dân Pháp, trừ một số "Phìa tạo" làm tay sai cho Pháp, còn lại đại bộ phận nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La có cuộc sống vô cùng gian khó, lầm than; xã hội bị phân hoá, mâu thuẫn sâu sắc giữa một bên là quảng đại quần chúng và một bên là bọn thực dân, phong kiến tay sai thống trị, bóc lột nhân dân. Đồng bào Thái, đồng bào Mông và các dân tộc thiểu số khác đều chung số phận kiếp "con trâu, con ngựa" mù chữ, đầu tắt, mặt tối mà chẳng đủ ăn, đủ mặc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 dân tộc ta đã giành được độc lập. Sơn La chính thức được giải phóng vào ngày 22/11/1952, nhưng thực sự đến ngày 7/5/1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã đánh tan giặc Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Tây Bắc rộng lớn. Kể từ đây các dân tộc anh em trong tỉnh Sơn La thực sự được làm chủ bản làng, làm chủ ngôi nhà, mảnh nương, thửa ruộng và gia sản của mình.

Tiếp đó, nhờ công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, đến nay trong toàn tỉnh Sơn La mạch máu giao thông đã được Nhà nước và Nhân dân cứng hoá, chạy thẳng tới hầu hết các bản làng; điện sáng đã toả khắp muôn nơi (đến năm 2022 tỉ lệ bản có điện lưới quốc gia là 98,8%); mục tiêu "ăn no, mặc ấm" cơ bản đã vượt qua, "ăn ngon, mặc đẹp", thậm chí là "ăn kiêng, mặc mốt" đã chẳng còn gì là xa lạ; mạch nguồn cuộc sống là nước sạch đã đến hầu hết từng ngôi nhà, đã hết thời kỳ "nước đục cũng uống, quả xanh cũng ăn", thay vào đó là những vườn cây trái xum xuê trải dài, xanh mướt. Thân phận "trâu, ngựa" của người dân Sơn La đã được đổi thành những chủ nhân của những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, thậm chí nhiều nhà còn có những chiếc xe ô tô bóng loáng, những chiếc xe máy và đồ dùng tiện nghi; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng và Nhà nước cấp miễn phí bảo hiểm y tế, sẵn sàng cho lúc ốm, đau. Cuộc sống quả đúng như một giấc mơ và thay đổi quá nhanh chóng chỉ sau mấy chục năm nhân dân ta theo Đảng, Bác Hồ. Thực tế đó chính là niềm tin và sự hứa hẹn cho con cháu của các dân tộc Sơn La còn nhiều sự đổi thay phồn vinh hơn nữa.

Ấm áp trong vòng tay của Đảng - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La tặng quà nhân dân xã biên giới Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quàng Hùng

Nhưng, thời gian gần đây, những kẻ cơ hội, lười lao động, bị tiêm nhiễm bởi tư tưởng của bọn phản động tàn dư, lưu vong, muốn lợi dụng đồng bào để kiếm tiền tài trợ từ các tổ chức phản động; bọn có tư tưởng trái ngược với chế độ của Việt Nam, muốn hướng lái nước ta theo con đường do chúng đứng đầu. Đó chính là một trong những lý do cơ bản hình thành thủ đoạn lôi kích động, sáng tác ra ảo vọng, hứa hẹn đi đến đất Lào hoặc Myanma…, sẽ có "Vương quốc riêng", chúng hứa hẹn cho làm quan, làm "Phìa tạo", làm "Thống lý" nơi miền đất đó... Đối tượng mà chúng nhắm đến là đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi ít được tiếp cận với thông tin xã hội, những người không may mắn hoặc vì lý do nào đó mà cuộc sống còn có khó khăn. Phương tiện để chúng sử dụng là vấn đề dân tộc, tôn giáo, lịch sử…

Cách đây vừa tròn 20 năm, ngày 23/8/2003 xảy ra vụ nổi phỉ ở tỉnh Hủa Phăn, Lào do bọn phản động lôi kéo một số bà con dân tộc Mông tham gia (trong đó có một số đồng bào Mông ở Việt Nam) nổ súng sát hại một số cán bộ và nhân dân, mang tính chất "khủng bố" chống phá chính quyền, nhà nước Lào, hòng thành lập cái gọi là "Vương quốc tự trị" bất hợp pháp trên một đất nước đang có chủ quyền đã được cả thế giới công nhận. Sau đó bọn chúng đã bị tiêu diệt hoặc trừng trị thích đáng. Ở trong nước, có vụ lừa bịp, lôi kéo đồng bào Mông bằng sự kiện "Xưng vua, đón vua, thành lập Vương quốc Mông" ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vào tháng 5 năm 2011. Các đối tượng cầm đầu vụ việc này đã bị bắt, thú nhận hành vi lừa dối đồng bào nhằm lôi kéo tập trung, nhận tiền tài trợ từ nước ngoài và đã bị pháp luật nghiêm trị.

Gia đình chị Vàng Thị Sâu, bản Bua Hin, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Năm 2015 hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, nghe nói sang bên Lào sẽ có một cuộc sống sung sướng nên cả nhà tôi đã tìm cách cùng nhau bán hết nhà cửa, Lợn, Gà, vượt biên trái phép sang Lào. Tin rằng sang bên đó sẽ có nhiều đất đai để canh tác, cuộc sống sẽ đổi thay và giàu lên nhanh chóng, chỉ có người Mông sinh sống… Nhưng không ngờ rằng sang bên đó không hề có như những lời đồn. Bên đó chúng tôi phải sống khổ sở, lang thang không nhà, không cửa sống chui lủi lẩn trốn nơi xa lạ, lúc đó chúng tôi mới thấy hết giá trị của những ngày sống tự do trên chính mảnh đất quê hương của mình. Rồi chúng tôi quyết định quay trở về quê cũ. May mắn là chính quyền xã, bản, Bộ đội Biên phòng vẫn yêu thương không từ bỏ chúng tôi. Chúng tôi đã nhận ra đó là một sự sai lầm, giờ quay trở về với bản làng, chúng tôi chịu khó làm nương rẫy, chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Bây giờ cuộc sống gia đình đã no đủ rồi và ổn định cuộc sống, sẽ không bao giờ nghe những lời kẻ xấu và không đi đâu nữa".

Ấm áp trong vòng tay của Đảng - Ảnh 2.

Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La trao tặng quà, quần, áo mới nhân dân chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc trong Chương trình "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản" tại xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quàng Hùng

Cũng tại bản Sài Khao, xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có hộ gia đình anh Thào A Phịa, nhà có 8 nhân khẩu cũng đã từng mắc sai lầm khi nghe theo lời kẻ xấu rồi vượt biên sang bên kia biên giới Lào, anh nhớ lại: "Vào cuối 2016, gia đình tôi rất khó khăn, nhà thì đông con nheo nhóc, không biết sẽ làm gì để thay đổi được cuộc sống. Rồi một ngày tôi có nghe được những lời nói rằng nếu trốn sang bên nước bạn Lào sẽ có nhiều việc làm, thu nhập ổn định, sẽ giàu lên nhanh chóng. Sau đó tôi đã cùng vợ con vượt biên trái phép sang Lào. Hồi đó làm gì có xe máy như bây giờ, chúng tôi đi bộ nhiều ngày liền, đói, khát, đi theo các đường rừng núi để trách sự phát hiện của các cơ quan chức năng Lào.

Thế nhưng đến nơi thì không hề có như những lời đồn, chỉ thấy những tên người xấu. Lúc đó tôi mới nhận ra sai lầm của mình, thấy nhớ quê hương bản làng, gia đình tôi đã quyết định trốn quay trở về. Nhưng khi trở lại tôi sợ rằng anh em trong bản, trong làng sẽ dị nghị, miệt thị mình bỏ họ hàng mà đi, không còn nhận mình là người trong họ nữa. Nhưng không ngờ gia đình tôi vẫn được họ hàng nhận lại, bà con trong bản và cấp uỷ, chính quyền địa phương đến động viên an ủi gia đình tôi, được cán bộ Biên phòng giúp đỡ…

Từ đó gia đình tôi đã hiểu được việc làm sai trái của mình, đúng là chẳng có đâu bằng nơi quê hương mình". Kể từ đó, gia đình anh Thào A Phịa đã trở thành thành viên tuyền truyền tích cực của bản, luôn nhắc bà con đừng nghe theo những lời đồn đoán của kẻ xấu, tất cả chỉ là những điều đó đều là hứa suông, không có thật. Từ năm 2016 đến nay đã không có hộ nào trong bản Sài Khao có ý định vượt biên trái phép sang các nước khác.

Ấm áp trong vòng tay của Đảng - Ảnh 3.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các trò chơi dân gian trong những ngày lễ, tết truyền thống của dân tộc.

Ấm áp trong vòng tay của Đảng

Còn anh Thạo A Dênh trú tại bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, kể lại: "Một hôm tôi lên rẫy thì bị một cơn mưa to bất chợt làm tôi bị trượt ngã và ướt hết người, sau khi trở về nhà thấy cổ họng đau rát không nói ra tiếng. Nhiều người nói tôi đã bị ma rừng làm cho, tôi đã cúng bái nhiều nơi mà cái cổ họng tôi vẫn đau, không nói được thành lời. Trong lúc đang bối rối, có người xúi tôi dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên và đi theo một loại đạo lạ thì sẽ được đấng linh thiêng che trở và khỏi bệnh. Rồi tôi đã tin và làm theo, nhưng nhiều ngày sau đó sức khoẻ ngày một yếu, cái cổ họng vẫn không nói thành lời.

Đến khi không thể chịu nổi, tôi đã bảo vợ đưa tôi đi xuống bệnh viện. Bác sỹ nói tôi bị cảm, không điều trị kịp thời nên bệnh tình trầm trọng. Sau vài hôm điều trị tại viện tôi đã khỏi và trở về với gia đình, có sức khỏe để lao sản xuất. Nhận ra cái đạo lạ trên hóa ra chỉ là bịp bợm, ngay sau đó tôi đã trở lại lập lại bàn thờ tổ tiên - thờ những người đã có công đẻ và nuôi bố mẹ mình, gia đình mình. Từ nay trở đi nếu có bị ốm đau tôi chỉ xuống trạm y tế, bệnh viện hoặc đồn Chiềng Sơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) để thăm khám, chữa trị". Nay anh Thạo A Dênh luôn tích cực tăng gia sản xuất và đã nuôi được cả đàn trâu, đàn lợn, gà… nhờ thế, cả gia đình anh Dênh tư tưởng ổn định, cuộc sống cải thiện hơn nhiều.

Ấm áp trong vòng tay của Đảng - Ảnh 4.

Anh Thạo A Dênh, bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La bên đàn trâu của gia đình tăng gia được. Ảnh: Quàng Hùng

Còn nhiều trường hợp khác nữa, nhưng những gia đình trên là một vài ví dụ; thậm chí còn nhiều người đã bỏ nhà đi để đi tìm "cái bóng", có người còn bị mất mạng nơi rừng sâu hoặc đi phiêu bạt không thấy quay trở về. Gần đây nhất, sự kiện vừa diễn ra ngày 11/6/2023 ở CưKuin, Đắk Lắc, gần trăm kẻ u muội vì nghe theo những kẻ xấu kích động từ ngoài nước mà rơi vào tội ác "khủng bố, chống lại chính quyền nhân dân", giết người. Tội ác đó sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, những kẻ cầm đầu, giết người sẽ bị đền mạng. Nhưng người thiệt thòi lại là gia đình, là vợ, con, bố mẹ của chính họ chứ chẳng phải ai.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình là Nghị quyết 30a năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 88 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030… đã đem lại những cuộc sống đổi thay ấm no, hạnh phúc cho các đồng bào các dân tộc trên quê hương Sơn La.

Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" đã dấy lên sự chung tay của toàn xã hội đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Cùng chung với trách nhiệm đó, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã sáng tạo, tổ chức nhiều chương trình an sinh xã hội. Chương trình như: "Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn biên phòng" (nuôi và nhận đỡ đầu gần 100 cháu học sinh từ năm 2016 đến nay); Mô hình "Bữa sáng cho em" ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã giúp mỗi năm từ 20 - 60 cháu học sinh không bỏ học giữa chừng từ năm 2012 đến nay; Chương trình "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản" hằng năm tổ chức 17/17 xã biên giới của tỉnh đã hỗ trợ hàng ngàn suất quà tết/năm cho các gia đình khó khăn; Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Ngân hàng Dê".

Ấm áp trong vòng tay của Đảng - Ảnh 5.

Đồn Biên phòng Mường Cai tuyên truyền cho bà con nhân dân bản Sài Khao, xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La về pháp luật. Ảnh: Quàng Hùng

Hãy xem trên thế giới, người Palestine và Irael tranh chấp lãnh thổ, đổ máu vài chục năm nay làm gì có hoà bình? Liby vì bị kích động chạy theo cái tiêu chuẩn "dân chủ viển vông" mà từ một nước có Chính phủ hằng năm cấp tiền cho nhân dân tiêu, giờ đây đất nước lại tiêu điều, thiếu đói; chiến tranh và xung đột sắc tộc, tôn giáo ở Afghanistan khiến nước này ngập tràn trong nạn đói…

Soi dọi vào đó, có thể tự hào mà nói rằng: Cuộc sống của nhân dân Việt Nam ngày nay đang đổi thay, khởi sắc từng ngày, các dân tộc anh em đoàn kết một lòng dưới cờ và con đường của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Có hạnh phúc nào khi được hiên ngang làm chủ trên chính quê hương, bản quán của mình; được học hành, được chăm sóc sức khoẻ, được tự do, tự xác lập nghề nghiệp bản thân; được tự quyết định với tài sản mình làm ra. Những quyền đó được Đảng, Nhà nước đang thực thi và bảo vệ. Đó là minh chứng sự rõ nét nhất về trách nhiệm, sự chăm lo của Đảng đối với nhân dân. Đó chính là nền tảng vững nhất cho nhân dân xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Hãy chọn "Ấm áp trong vòng tay của Đảng", đừng ảo vọng xa vời chạy theo thứ gì đó không có thật.

Quàng Hùng - BĐBP tỉnh Sơn La