Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn đã báo cáo những kết quả nổi bật của tỉnh trong năm 2023 về các công trình dự án trọng điểm, việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2024, kim ngạch xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đó về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bến Tre, năm 2023, có 13/21 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 (NQ). Bên cạnh đó, với nhiều nỗ lực, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,16%; Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 7,38% so cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,73%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 3,99%; du lịch phục hồi tốt, lượng khách tăng 71,9%; Hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, dư nợ tín dụng tăng 12% so với đầu năm; Việc miễn, giảm nộp thuế, phí và lệ phí nhằm hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thực hiện tốt; giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ 89,56% so với kế hoạch; Kim ngạch xuất khẩu và các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu đều tăng so với năm trước, đạt 90% kế hoạch; thu ngân sách địa phương đạt và vượt dự toán Trung ương giao (103,63%)…
Trao đổi tại buổi làm việc về những định hướng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề nghị tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu cho chuỗi giá trị các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, chú trọng xúc tiến thương mại sản phẩm địa phương ở các thị trường trong và ngoài nước… Đồng chí đề nghị ngành ngân hàng tỉnh Bến Tre quan tâm, tư vấn doanh nghiệp trong hoạt động tài chính, ngân hàng, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank cho biết đã giao Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre tiếp tục triển khai tốt cơ chế quản lý vốn hiệu quả, phát triển cho vay theo chuỗi liên kết, nhất là liên kết chuỗi dừa và tôm chủ lực tại địa phương.
Với ưu tiên hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Agribank đã đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả như: triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm cho vay qua tổ vay vốn; cho vay hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; đầu tư tín dụng phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế thế mạnh của khu vực là sản xuất chế biến và xuất khẩu lúa gạo, nuôi trồng chế biến và xuất khẩu thủy sản, logistic hàng hóa nông sản, cây ăn quả, phát triển thủy hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu phù hợp với điều kiện về nguồn nước theo mùa; thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng...
Tại buổi làm việc cùng ngày của Tổng Giám đốc Phạm Toàn Vượng với Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre, theo báo cáo, mạng lưới tỉnh gồm 10 chi nhánh trực thuộc trên địa bàn thành phố Bến Tre và các huyện, 18 phòng giao dịch liên xã; chiếm trên 30% thị phần huy động vốn và đầu tư tín dụng và là đơn vị đóng vai trò chủ lực trong đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 Chính Phủ của Agribank Bến Tre là 19.876 tỷ đồng, chiếm 94% tổng dư nợ cho vay của chi nhánh, chiếm 10% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank trên địa bàn khu vực Tây Nam Bộ. Hoạt động của Agribank Chi nhánh tỉnh Bến Tre luôn bám sát vào định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến thời điểm hiện tại, Agribank Chi nhánh tỉnh Bến Tre là chi nhánh đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về quy mô nguồn vốn và thu dịch vụ, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về quy mô dư nợ.
Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng đề nghị, trong thời gian tới, Agribank Bến Tre cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, đóng góp phát triển kinh tế xã hội địa phương.