Thứ Năm, ngày 16/01/2025 11:33 AM (GMT+7)

74 cửa hàng xăng dầu ở Bình Dương phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động

2023-06-22 23:25:00

Sở Công Thương cho biết tỉnh hiện có 74 cửa hàng xăng dầu đang phải tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân vì không được cấp chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu chủ yếu do chưa đáp ứng điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh vừa chủ trì phiên họp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc xử lý khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

74 cửa hàng xăng dầu ở Bình Dương phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động - Ảnh 1.

Sở Công Thương cho biết hiện có 74 cửa hàng đang tạm dừng hoạt động, vì không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Ảnh: PLO

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương, Bình Dương hiện có 74 cửa hàng đang tạm dừng hoạt động, vì không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Lý do, theo giải thích của Sở Công Thương, vì các cửa hàng chưa đáp ứng điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và không đáp ứng khoảng cách an toàn theo QCVN 01:2020/BCT. Ngoài ra, có một số cửa hàng xăng dầu chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ theo quy định.

Lãnh đạo Sở Công Thương nói rằng việc quá nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn dừng hoạt động gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp nhiên liệu phục vụ nhu cầu đi lại.

Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Bình Dương có giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp đảm bảo các quy định, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu phòng chữa cháy đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi doanh nghiệp nộp hồ sơ, nhằm giúp doanh nghiệp sớm hoàn thành thủ tục. 

Sở cũng đã tổng hợp danh sách các cửa hàng xăng dầu chưa chuyển mục đích sử dụng đất, kèm theo các tài liệu về đầu tư, xây dựng… gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với từng trường hợp cụ thể.

74 cửa hàng xăng dầu ở Bình Dương phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động - Ảnh 3.

Việc nhiều cửa hàng xăng dầu dừng hoạt động gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp Bình Dương trong việc tiếp nhiên liệu phục vụ nhu cầu đi lại. Ảnh: VnEconomy

Ông Võ Văn Minh yêu cầu các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rà soát, cấp giấy chứng nhận chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ đảm bảo đúng quy định cho các doanh nghiệp có vướng mắc. Sở Công Thương được giao phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ các hộ kinh doanh hoàn thiện những điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

 Trước đó, ngày 23/4, thống kê từ Sở Công Thương Bình Dương cho biết tỉnh có 447 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có 344 cửa hàng đang hoạt động, 103 cửa hàng đóng cửa.

Trong số 103 cửa hàng đóng cửa có 21 cửa hàng không đủ điều kiện được cấp phép, nên đã chuyển đổi công năng; 82 cửa hàng đang hoàn thiện hồ sơ về phòng cháy chữa cháy, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất ở sang đất thương mại để đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động trở lại.

Trong mọi tình huống, không để đứt gãy, thiếu nguồn cung xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng vừa họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, về tình hình cung ứng xăng, dầu nửa cuối năm 2023.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ thực tiễn căng thẳng xăng dầu những tháng cuối năm 2022 vừa qua, các doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm, cùng sự đổi mới trong quản lý và gỡ khó của các bộ, ngành, đã giữ cho thị trường xăng, dầu từ đầu năm đến nay ổn định.

Các doanh nghiệp đầu mối đều chấp hành nghiêm túc các quy định cung ứng, kinh doanh xăng dầu. Doanh nghiệp sản xuất cũng nỗ lực vận hành, khai thác, để cung ứng ra thị trường với sản lượng cam kết.

Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp tự đánh giá và báo cáo trung thực về kết quả hoạt động trong 6 tháng qua, gửi Bộ Công Thương trước ngày 15/7, để làm căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết.

Cùng với đó là chú trọng rà soát việc thực hiện kế hoạch phân giao sản lượng từ đầu năm cho doanh nghiệp, để bảo đảm đủ xăng dầu ra thị trường. Trong mọi tình huống, không để đứt gãy, không để thiếu nguồn cung xăng dầu.

 

Q. Huy
Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn chiếm đến 40% nhu cầu xăng dầu nhưng liên tục kêu trục trặc, ngừng hoạt động

Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn chiếm đến 40% nhu cầu xăng dầu nhưng liên tục kêu trục trặc, ngừng hoạt động

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, do Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn chiếm tới 35-40% nhu cầu của thị trường nội địa, nên mỗi khi nhà máy trục trặc là Bộ Công Thương "mất ăn mất ngủ".