Thứ Năm, ngày 16/01/2025 04:37 AM (GMT+7)
Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn chiếm đến 40% nhu cầu xăng dầu nhưng liên tục kêu trục trặc, ngừng hoạt động
2023-05-18 19:35:00
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, do Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn chiếm tới 35-40% nhu cầu của thị trường nội địa, nên mỗi khi nhà máy trục trặc là Bộ Công Thương "mất ăn mất ngủ".
Mới đây, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cho biết đang gặp rủi ro dòng tiền, có nguy cơ dừng hoạt động. Vấn đề này cũng đã từng xảy ra trong năm 2022 khiến việc điều hành xăng dầu trong nước khó khăn. Cụ thể, đầu năm 2022, cùng biến động của thị trường thế giới do xung đột Nga - Ukraine, Nghi Sơn liên tục giảm công suất xuống 50%, thậm chí có lúc tạm ngưng hoạt động, với lý do đưa ra liên quan đến vấn đề tài chính.
Vào đầu năm 2023, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng đã ngưng sản xuất để khắc phục sự cố trong dây chuyền sản xuất, khiến sản lượng giảm 20 - 25% so kế hoạch.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều nay 18/5, cơ quan này cho biết đã nhận được kiến nghị mới đây của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cho hay đang đối mặt nguy cơ dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền, và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính.
Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời và gửi cả Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn là liên doanh giữa PVN, Kuwait và nhà đầu tư Nhật Bản. Phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ góp vốn 25,1%, do vậy tiếng nói cũng chỉ có mức độ. Hiện chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, các vấn đề vốn và vướng mắc của Nhà máy, Nhà máy phải cùng PVN và các nhà đầu tư nước ngoài chủ động, phối hợp giải quyết. Làm sao đảm bảo hoạt động, cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.
Chính phủ, bộ, ngành hoặc bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào cũng chỉ tham gia theo đúng các thoả thuận của các bên đã có cam kết.
Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động mỗi một năm, nhà máy lọc hóa dầu này có ít nhất 30-45 ngày bảo dưỡng, chưa kể các trục trặc về kỹ thuật.
"Xăng dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần xăng dầu Việt Nam nhưng thường xuyên không ổn định, trong khi chúng ta phải ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này. Quan điểm của Bộ Cộng Thương là Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn cần chủ động giải quyết khó khăn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Theo thông tin từ Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương, thời điểm này nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn vận hành vẫn ổn định, và hoạt động của Nhà máy có vai trò rất quan trọng trong cung ứng xăng dầu trong nước.
4 tháng đầu năm 2023, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, riêng tháng 4 sản xuất được hơn 67.000 tấn xăng dầu. Trong tháng 6 và 2 quý cuối năm, theo kế hoạch là Nhà máy sẽ triển khai công tác vận hành sản xuất đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Trong năm 2022, công suất trung bình của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đạt gần 88%, tương ứng 8,9 triệu tấn dầu thô, cung ứng ra thị trường đạt 7,4 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có 7,7 triệu m3 xăng dầu dùng cho thị trường nội địa.
Năm 2023, nhà máy đặt kế hoạch vận hành với công suất gần 80%, tương ứng với khoảng 7,96 triệu tấn dầu thô sẽ được chế biến.
Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn được thành lập vào tháng 4/2008, với tổng mức đầu tư hơn 9,2 tỷ USD, quy mô 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Nhà máy bán sản phẩm thương mại đầu tiên là xăng RON92 vào tháng 5/2018
Trong báo cáo khẩn của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn gửi Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) vào giữa tháng 4, doanh nghiệp này nhấn mạnh rủi ro dừng hoạt động, vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính.
Cụ thể, doanh nghiệp cho rằng sẽ không thể vừa thanh toán kỳ trả nợ vay đến hạn vào tháng 5 tới, lại phải có đủ dòng tiền để tiếp tục vận hành. Giả định khi không có tái cấu trúc tài chính, Nghi Sơn sẽ phải trả 375 triệu USD vào tháng 5 và 277 triệu USD vào tháng 11 năm nay.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các bên góp vốn, cũng như không thể cam kết cung cấp ổn định các sản phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước như cam kết.