Xuất khẩu cá rô phi Việt Nam: Bài toán đầu tư để đa dạng hóa sản phẩm cá thịt trắng
28/03/2025 16:50 GMT +7
Cá rô phi là một trong những loài cá thịt trắng được ưa chuộng trên thế giới. Theo số liệu Hải quan Việt Nam, XK cá rô phi Việt Nam, bao gồm cả cá rô phi (tilapia) và cá điêu hồng (red tilapia) trong 2 tháng đầu năm nay đạt 7 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng XK cá rô phi tăng 93%, đạt hơn 5 triệu USD, XK cá điêu hồng giảm 70%, giá trị đạt hơn 1,4 triệu USD.
Mỹ là trường tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm cá rô phi Việt Nam. Riêng 2 tháng đầu năm nay, XK riêng cá rô phi sang Mỹ chiếm 47% tỷ trọng trong tổng Việt Nam XK các sản phẩm này ra thế giới. Tổng giá trị XK cá rô phi sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2025 đạt gần 3 triệu USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng trưởng đều ở mỗi tháng. Trong khi đó, XK cá điêu hồng sang thị trường này chỉ đạt 256 nghìn USD, giảm 78% so với cùng kỳ.
Sau Mỹ, Nga là điểm đến lớn thứ 2 của cá rô phi Việt Nam. Tổng kim ngạch XK cá rô phi sang thị trường này đạt hơn 1 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2025, chiếm 21% tỷ trọng. So với cùng kỳ năm ngoái Nga hầu như không NK các sản phẩm cá rô phi từ Việt Nam. Thị trường này hầu như không NK cá điêu hồng từ Việt Nam từ đầu năm ngoái, trừ tháng 10/2024 NK gần 7000 USD.

Sản phẩm cá rô phi XK chủ lực của Việt Nam là phile và các loại thịt cá rô phi (không bao gồm chả cá và surimi) thuộc mã 0304 và cá rô phi tươi/đông lạnh thuộc mã 0302 và 0303. Giá trị XK 2 sản phẩm này trong hai tháng đầu năm 2025 lần lượt đạt hơn 3 triệu USD và 2 triệu USD. Mỹ là điểm đến lớn nhất của cả 2 sản phẩm này.

Đáng chú ý, trong 5 năm trở lại đây, sau khi liên tục sụt giảm qua các năm, năm 2024 ghi nhận là năm XK cá rô phi Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhất với tất cả các phân khúc sản phẩm. Trong đó, XK riêng sản phẩm cá rô phi tươi/đông lạnh thuộc mã 0302 và 0303 đạt 16 triệu USD, tăng 222% (gấp hơn 3 lần) so với năm 2023; XK phile cá và các loại thịt cá rô phi (không bao gồm chả cá và surimi) thuộc mã 0304 tăng trưởng kỷ lục trong năm 2024, với kim ngạch XK đạt 14 triệu USD, tăng 876% (tương đương gấp gần 10 lần) so với năm trước đó.
Trong năm 2024, sản lượng nuôi cá rô phi của cả nước đạt 300 nghìn tấn, tương đương với năm 2023. Diện tích nuôi cá rô phi đạt 30 nghìn ha, không thay đổi so với năm 2023. Sản lượng sản xuất giống cá rô phi/điêu hồng đạt 1,09 tỷ con, giảm 17% so với năm 2023. Ngoài ra, các dự án phát triển giống cá rô phi, cá chim vây vàng, cá song chấm nâu, cá chép, cá nheo Mỹ cho Viện Nghiên cứu NTTS I thuộc Chương trình giống 703 và dự án phát triển sản xuất giống cá tra, cá rô phi đỏ cho Viện Nghiên cứu NTTS II thuộc Chương trình giống 703, cũng được triển khai rộng.
Mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, tuy nhiên so với “ông lớn” Trung Quốc - Nhà sản xuất và XK cá rô phi lớn nhất thế giới, kim ngạch XK cá rô phi của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Năm 2025, cá rô phi được xác định là một trong những đối tượng thủy sản có tiềm năng và giá trị kinh tế, và việc đẩy mạnh nuôi các đối tượng này sẽ được tập trung.
Hiện nay một số tỉnh, DN địa phương đang “trăn trở” về việc đầu tư, phát triển nuôi cá rô phi, bên cạnh sản phẩm cá thịt trắng XK chủ lực là cá tra. Nếu các DN Việt Nam quyết định đẩy mạnh nuôi cá rô phi, ngành thủy sản nói chung và ngành XK cá thịt trắng có thể tận dụng các cơ hội sau: Đa dạng hóa sản phẩm: Cá rô phi có thể bổ sung vào danh mục XK, đồng thời kịp thời nắm bắt các cơ hội mới; Khai thác thị trường nội địa: Cá rô phi có thể phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, giảm NK từ Trung Quốc; Tận dụng thị trường Mỹ và châu Âu: Khi Mỹ giảm NK cá rô phi từ Trung Quốc, đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị phần.
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi đôi với thách thức. Đẩy mạnh nuôi cá rô phi, Việt Nam phải chấp nhận sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, trong khi nước này có lợi thế về quy mô sản xuất và chi phí thấp hơn; Việc đầu tư đòi hỏi công nghệ nuôi tiên tiến, hiện đại để đảm bảo chất lượng và năng suất cá rô phi cũng sẽ là một thách thức không nhỏ với DN Việt Nam.
Xuất khẩu cá ngừ phục hồi nhưng phải đối mặt với thách thức mới
Tháng 2/2025, bên cạnh việc lập đỉnh về doanh số xuất khẩu, ngành cá ngừ Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Giá tiêu nội địa bình ổn ở ngưỡng cao, DN đẩy mạnh thu mua để đáp ứng đơn hàng từ châu Âu và Mỹ
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục được giao dịch ở mức 159.000 – 160.000 đồng/kg, không đổi so với ngày hôm trước.
Lo ngại nguồn cung được xoa dịu, giá cà phê tiếp tục giảm mạnh
Giá cà phê hôm nay (28/3) tiếp tục lao dốc trên các sàn giao dịch, với Robusta giảm 86 USD/tấn xuống mức thấp nhất 2,5 tháng và Arabica giảm 13,2 US cent/pound xuống mức thấp nhất 1 tháng. Lo ngại nguồn cung được xoa dịu do dự báo sẽ có mưa trong những ngày tới tại Brazil.