Con số này góp phần bù đắp lại lượng sụt giảm XK sang Nhật Bản trong nửa đầu năm, nâng tổng giá trị XK trong 10 tháng đầu năm 2024 lên gần 28 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ.
Trong số các nhóm sản phẩm cá ngừ XK sang Nhật Bản, các sản phẩm cá ngừ chế biến khác mã HS 16 như thịt cá ngừ hun khói, cá ngừ cắt miếng tẩm…(trừ cá ngừ đóng hộp), đang là nhóm sản phẩm XK chủ lực sang thị trường này. Và cũng là nhóm sản phẩm duy nhất tăng so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm nay.
Hiện Việt Nam có hơn 20 doanh nghiệp hiện đang XK cá ngừ sang Nhật Bản. Trong đó Mariso Việt Nam, AH Fishco và Evertrust Food Co., Ltd, là 3 Công ty đang dẫn đầu về XK sang thị trường này, chiếm tỷ trọng 66% tổng kim ngạch XK cá ngừ sang thị trường này.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), NK cá ngừ của Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2024 tiếp tục sụt giảm. Nước này giảm NK từ hầu hết các nguồn cung chính. Và Việt Nam đang là nguồn cung có mức sụt giảm thấp nhất.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), chi tiêu của các gia đình Nhật Bản trong tháng 5/2024 lần đầu tiên đã tăng, chấm dứt 14 tháng “thắt lưng buộc bụng”. Bên cạnh đó, kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng dương trở lại sau 2 quý âm. Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét chi 21.900 tỷ JPY (tương đương 141 tỷ USD) như một phần trong gói kích thích kinh tế mới được phê duyệt nhằm giảm thiểu tác động của lạm phát đối với các hộ gia đình. Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có cá ngừ, tại Nhật Bản và thúc đẩy NK.