dd/mm/yyyy

"Vua thép" Trần Đình Long đi nuôi bò, gà, lợn có thành công?

Hòa Phát bắt đầu tham gia lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, đặt ra nhiều mục tiêu lớn. Thế nhưng, cũng giống những tỷ phú khác, chuyện làm nông nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long không quá dễ dàng.

Nỗ lực chuyển đổi mô hình phát triển chuỗi 3F

Theo báo cáo thường niên năm 2015, tháng 3/2015, Hòa Phát chính thức thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát với vốn điều lệ 300 tỷ đồng để khẳng định khát vọng tham gia thị phần chăn nuôi.

Khi đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, đã chia sẻ: "Lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi rất thiết yếu với đời sống, nhu cầu ngành này còn lớn hơn cả ngành thép và Hòa Phát sẽ làm thận trọng, vừa làm vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm nhưng không phải cứ lao đầu vào làm".

Để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng nhưng giá cả phải chăng nhất, Hòa Phát đã triển khai mô hình chăn nuôi 3F (Feed - Farm - Food). Công ty này quyết định xây dựng 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Hưng Yên và Đồng Nai.

"Vua thép" Trần Đình Long đi nuôi bò, gà, lợn có thành công? - Ảnh 1.

Tỷ phú USD Trần Đình Long (Ảnh: IT).

Đồng thời, doanh nghiệp còn lên dự án chăn nuôi gia súc quy mô lớn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Đồng Nai và Đắk Lắk.

Nhà máy Hưng Yên đi vào hoạt động trong đầu quý II/2016 với tổng công suất 300.000 tấn mỗi năm với tổng số tiền đầu tư là 340 tỷ đồng. Thương hiệu thức ăn chăn nuôi Big Boss và HP Feed chính thức đánh dấu sự hiện diện của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi Hòa Phát.

Báo cáo kết quả thường niên năm 2017 của Hòa Phát đánh dấu nhiều thay đổi trong ngành chăn nuôi của Hòa Phát, nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 2 tại Đồng Nai hoàn thành. Tổng công suất của 2 nhà máy lên đến 600.000 tấn mỗi năm. Công ty do tỷ phú Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT tiếp tục triển khai dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi Phú Thọ với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, công suất 300.000 tấn/năm nâng tổng công suất của 3 nhà máy thức ăn chăn nuôi lên 900.000 tấn/năm.

"Vua thép" Trần Đình Long đi nuôi bò, gà, lợn có thành công? - Ảnh 2.

Tỷ trọng các mảng của Hòa Phát (Biểu đồ: Minh Nguyệt - Nguồn: Báo cáo tài chính).

Trong năm 2017, mục tiêu của Hòa Phát là đánh dấu hoàn thiện chữ Farm tạo tiền đề hoàn thiện chữ Food vào năm 2018. Hòa Phát đã nhập 2.000 con heo giống từ Đan Mạch phục vụ cho việc nhân đàn. Doanh nghiệp này còn sở hữu các điểm chăn nuôi thịt vỗ béo tại Thái Bình, Quảng Bình, Đồng Nai với quy mô năm 2017 là 75.000 con bò thịt/năm. Tập đoàn đồng thời triển khai dự án chăn nuôi gà giống trứng và gà đẻ trứng thương phẩm đầu tiên. Trại bố mẹ đầu tiên được xây dựng.

Năm 2017, hai trại gà đẻ thương phẩm với quy mô 600.000 mái đẻ/năm/trại đang được triển khai ở các tỉnh Phú Thọ và Đồng Nai để bắt đầu cung cấp trung bình 300 triệu quả trứng gà ra thị trường năm 2018.

"Vua thép" Trần Đình Long đi nuôi bò, gà, lợn có thành công? - Ảnh 3.

(Biểu đồ: Minh Nguyệt - Nguồn: Báo cáo thường niên).

Theo báo cáo thường niên năm 2018, Hòa Phát đã hoàn thành việc xây dựng cơ bản trang bị thương phẩm Phú Thọ với quy mô 600.000 gà đẻ trứng. Doanh nghiệp quyết định không chỉ tham gia cung cấp heo thịt, sẽ tham gia cung cấp giống heo thịt thương phẩm và tiếp tục gia tăng sản lượng bò Úc mang đến mục tiêu cuối cùng hoàn thiện chuỗi 3F của tập đoàn.

Hiện tại, tập đoàn đang đặt mục tiêu phát huy tối đa công suất của các trang trại chăn nuôi cũng như sản xuất. Công ty cũng đặt mục tiêu luôn duy trì vị trí đứng đầu trong việc phân phối sản phẩm bò Úc, đứng đầu thị phần trong mảng trứng gà sạch miền Bắc, vươn mình trở thành nhà cung cấp heo giống top đầu thị trường.

Kết quả có như kỳ vọng?

Theo báo cáo thường niên của Hòa Phát từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù ngành chăn nuôi của lĩnh vực này khá khiêm tốn so với tổng doanh thu của công ty, song đã làm tròn vai trò của mình.

Tỷ phú Trần Đình Long cũng dường như thực hiện đúng tham vọng với ngành chăn nuôi khi mà trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, ngành chăn nuôi được đầu tư và tăng trưởng mạnh mẽ trở thành ngành chiếm tỷ trọng doanh thu thứ 2 sau ngành cốt lõi là ngành thép của Hòa Phát.

Dù thế, trong năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng doanh thu chăn nuôi Hòa Phát có xu hướng giảm xuống lần lượt 5% và 4,1%. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm doanh thu của ngành chăn nuôi trước tác động của đại dịch Covid-19 và tăng trưởng đột biến doanh thu ngành cốt lõi của Hòa Phát khi giá thép tăng cao.

"Vua thép" Trần Đình Long đi nuôi bò, gà, lợn có thành công? - Ảnh 4.

(Biểu đồ: Minh Nguyệt - Nguồn: Báo cáo tài chính).

Tuy nhiên, trong suốt hành trình 7 năm tham gia nông nghiệp, ngành chăn nuôi đã mang đến hàng nghìn tỷ đồng cho "vua thép" Trần Đình Long.

Báo cáo thường niên thể hiện từ năm 2015 đến 2020, doanh thu của ngành này đã tăng từ 1.332 tỷ đồng lên 10.554 tỷ đồng. Trung bình hàng năm, doanh thu mảng này tăng trưởng 51,28% chủ yếu đến từ tăng trưởng của 4 ngành nghề khi Hòa Phát bắt đầu tham gia phân mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, cung cấp heo thịt và giống heo thịt, đặc biệt là cung cấp bò Úc và trứng gà.

Với thức ăn chăn nuôi thì doanh số năm 2017 và 2018 có phần rực rỡ nhất, với các số liệu lần lượt là 140% và 150%. Song đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng doanh số thức ăn chăn nuôi chậm dần. 2 nhà máy chăn nuôi là 600.000 tấn/năm đã hoạt động gần hết công suất tối đa nên khả năng tăng trưởng ngành thức ăn chăn nuôi trưởng giảm.

Với mảng chăn nuôi gia súc, sản phẩm heo xuất chuồng năm 2018 tăng gấp 4,5 lần so với 2017. Năm 2021 đạt 450.000 con. 6 tháng đầu năm 2022 đạt 200.000 con, ngang với cùng kỳ năm ngoái.

Với bò, doanh nghiệp này cung cấp đến 450.000 con/năm và với trứng gà là 800.000 quả/ngày.

Tại lễ kỷ niệm lễ kỷ niệm 5 năm thành lập và phát triển Công ty cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát tháng 11/2020, ông Trần Đình Long chia sẻ: "5 năm làm nông nghiệp, chúng ta đã làm được rất nhiều việc và định hình vị thế của Nông nghiệp Hòa Phát trên thị trường. Hiện tại có 2 con bò Úc ở Việt Nam thì có một con của Hòa Phát, đứng đầu cả nước. Đây là minh chứng rõ nhất của việc Hòa Phát luôn làm đến nơi đến chốn ở bất cứ ngành nghề nào".

Mục tiêu của Hòa Phát trong năm 2025 sẽ phát triển doanh thu gấp đôi 2020 mỗi năm sản xuất 850.000 tấn thức ăn chăn nuôi, 200.000 bò Úc, 300 triệu quả trứng, 750.000 con heo thành phẩm.

Doanh thu, lợi nhuận bị ảnh hưởng và những khó khăn phải đối mặt

Tuy nhiên, đến năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài và các biện pháp giãn cách xã hội khiến nhà hàng, trường học, du lịch... đóng cửa, làm giảm sức tiêu thụ của thị trường đối với mặt hàng bò Úc và trứng gia cầm, giá bán heo cũng giảm mạnh. Đây là nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế của khối nông nghiệp của Hòa Phát giảm mạnh 24% so với năm trước từ 10.554 tỷ xuống 7.966 tỷ đồng.

"Vua thép" Trần Đình Long đi nuôi bò, gà, lợn có thành công? - Ảnh 5.

(Biểu đồ: Minh Nguyệt - Nguồn: Tradingview).

Hiện tại, doanh thu mảng nông nghiệp Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 29% so với cùng kỳ năm trước từ 4.617 tỷ xuống 3.325 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nhưng giá lợn hơi và giá thịt bò hơi giảm khiến các hộ gia đình không có xu hướng tăng đàn và thay thế thức ăn chăn nuôi bằng những sản phẩm khác để giảm bớt chi phí.

Năm 2021, mảng nông nghiệp của Hòa Phát phải đối mặt khó khăn về vĩ mô. Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của mảng nông nghiệp Hòa Phát giảm mạnh do 2 nguyên nhân chính. Một phần do doanh thu sụt giảm vì những biện pháp phong tỏa trong đại dịch khiến cho các nhà hàng, người dân khó có thể tiếp cận mua sản phẩm của Hòa Phát.

"Vua thép" Trần Đình Long đi nuôi bò, gà, lợn có thành công? - Ảnh 6.

(Biểu đồ: Minh Nguyệt - Nguồn: Cục Chăn nuôi).

Bên cạnh đó, theo dữ liệu trong biểu đồ từ báo cáo thường niên năm 2020 mà Fica.vn thu thập được, biên lợi nhuận của năm 2021 cũng giảm chỉ còn 9,86% thể hiện giá vốn hàng bán đang tăng cao khi sản lượng giảm dẫn đến chi phí cố định chiếm trong mỗi sản phẩm tăng lên. Đồng thời, sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát có nguyên liệu nhập từ nước ngoài chiếm 70%, trong nước 30% cùng với thịt bò Úc giống nhập từ quốc gia Úc.

Theo dữ liệu của Tradingview, trong năm 2021, thiếu container đã khiến giá cước vận chuyển tăng vọt làm tăng chi phí vận chuyển đỉnh điểm tháng 9 năm 2021 gấp hơn 4 lần so với đầu năm khiến đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát đã thông báo lỗ lũy kế 3 quý là 25 tỷ đồng. Doanh nghiệp nỗ lực cải thiện biên lợi nhuận với việc chuyển từ số lỗ 98,8 tỷ đồng của quý IV/2021 và gần 46 tỷ đồng của quý I/2022 sang lãi gần 21 tỷ đồng vào quý II vừa qua.

Dù thế, 2022 được cho là năm khó khăn với mảng chăn nuôi của các doanh nghiệp, trong đó có Hòa Phát, khi mà giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá bò, lợn hơi lại đi ngang. Trong khi đó, công suất của các nhà máy chăn nuôi đều đạt ở mức gần tối đa nhưng bị ảnh hưởng mạnh ở chi phí đầu vào cũng như đầu ra phải bán giá thấp.



Minh Nguyệt