Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:00 PM (GMT+7)
Ngân hàng nào dồn 1/3 vốn cho vay vào bất động sản?
2024-04-29 17:23:00
Tổng dư nợ cho vay bất động sản tại VPBank hiện nay khoảng 90.000 tỷ đồng, chiếm 34-35% tổng số dư nợ của nhà băng này, lãnh đạo VPBank cho biết tại Đại hội đồng cổ đông 2024 của ngân hàng vào hôm nay 29/4.
Trả lời cổ đông tại đại hội về hoạt động cho vay bất động sản, CEO Nguyễn Đức Vinh của VPBank cho biết cho vay bất động sản rất tiềm năng và quan trọng, nhưng nó phải được quản lý và thắt chặt. Những rủi ro trong thời gian qua là bài học để ngân hàng cân nhắc cho vay trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Vinh (đang đứng), CEO của VPBank, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VPBank ngày 29/4/2024. Nguồn: VPB
"Những yếu tố rủi ro thời gian qua là bài học cho các ngân hàng, trong đó việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các dự án là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn phân khúc có nhu cầu thật để tập trung vốn, tránh cho vay vào dự án có tính đầu cơ", ông Vinh nói.
Ông cũng cung cấp thông tin về tỷ lệ cho vay bất động sản. Nhóm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xây dựng chiếm 19% tổng dư nợ. Nhóm thứ 2 là cho vay người mua nhà chiếm 16%. Như vậy, tổng cộng nhóm cho vay đối với bất động sản của VPBank chiếm 34 - 35%.
Ông Vinh khẳng định VPBank là một trong 3 ngân hàng cho vay mua nhà lớn nhất thị trường Việt Nam và đa phần là nhu cầu thực. Vì vậy, lĩnh vực này vẫn là định hướng quan trọng của ngân hàng trong năm nay.
Trả lời cổ đông, chủ tịch VPBank ông Ngô Chí Dũng cũng nhận định dù thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng cho vay bất động sản có nhiều tiềm năng. Theo ông Dũng, VPBank chia theo các phân khúc và chú trọng rót vốn vào những lĩnh vực như nhà chung cư, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu thực. Còn những lĩnh vực đầu cơ cao, VPBank không tài trợ vốn.
"FE Credit đang tốt dần lên"
Tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh đã thẳng thắn thừa nhận với các cổ đông những vấn đề của ngân hàng đến từ câu chuyện nợ xấu tại công ty con FE Credit, là công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn tại Việt Nam
Theo ông Vinh, 2 năm Covid-19 khiến nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ, nên nợ xấu của FE Credit tăng cao. Kết quả kinh doanh của FE Credit (lỗ hơn 3.000 tỷ đồng) vẫn là điểm tối của ngân hàng trong năm 2023, dẫn đến bức tranh chung về lợi nhuận của VPBank không đạt kỳ vọng.
“Tín hiệu tích cực là danh mục cho vay của FE Credit hiện nay dẫn đầu thị trường. Tăng trưởng giải ngân quý 4/2023 và quý 1/2024 đều trên 20%, nợ xấu đã xuống dưới 20%. FE Credit đã tìm được các nguồn vốn giá rẻ hơn. Những yếu tố tích cực của FE Credit đã khiến chúng ta thấy rõ hơn những cơ hội trong năm nay”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng tự tin khẳng định lợi nhuận năm 2024 của FE Credit sẽ đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, qua đó dần đưa doanh nghiệp này trở lại vị thế như vốn có. Trong quá khứ, công ty tài chính tiêu dùng này từng đóng góp tới 40% lợi nhuận cho VPBank.
Tháng 4/2021, SMBC -- một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản -- ký hợp đồng mua lại 49% vốn điều lệ FE Credit từ VPBank. Hai bên không công bố giá trị của thương vụ nhưng báo chí Nhật Bản cho biết giá chuyển nhượng lên tới gần 1,4 tỷ USD.
Thương vụ này hoàn tất cuối tháng 10/2021 và tên chính thức của công ty FE Credit được đổi thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Tuy nhiên, thương hiệu FE Credit vẫn được giữ nguyên. VPBank tiếp tục nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.
Ông Vinh cho biết để hỗ trợ FE Credit, cả VPBank và đối tác chiến lược SMBC đã cùng giúp FE Credit trong vấn đề tìm nguồn vốn giá rẻ và hiệu quả hơn.
Về kết quả kinh doanh quý đầu năm 2014 của VPBank, ông Vinh nói các biện pháp tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của ban lãnh đạo đã mang lại những hiệu quả bước đầu cho cả nhà băng này lẫn công ty tài chính tiêu dùng FE Credit. Ba tháng đầu năm nay, lợi nhuận riêng của VPBank đạt gần 5.000 tỷ đồng.
Năm nay, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với năm 2023. Trong đó, lợi nhuận riêng ngân hàng mẹ dự kiến đạt 20.709 tỷ đồng, tăng 54%; công ty chứng khoán VPBankS dự kiến lãi trước thuế 1.902 tỷ đồng, tăng 52%; công ty bảo hiểm OPES dự kiến lãi 873 tỷ đồng, tăng 459%.
Chia cổ tức
Về chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023, tỉ lệ được thông qua hôm nay tại đại hội là là 10%. Theo ông Dũng, chủ tịch HĐQT VPBank, mức chia 10% trên tổng vốn điều lệ rất lớn của VPBank hiện nay là một con số rất cao. Nếu với định hướng là dùng 30% lợi nhuận sau thuế để lại thì năm nay khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng với nền tảng vốn tích luỹ được thì ngân hàng tự tin chia với với 7.900 tỷ đồng.
- Tham khảo thêm
Bất động sản Phát Đạt trong cơn khát dòng tiền
Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) đặt nhiệm vụ cao nhất của năm 2024 là tập trung vào chiến lược bán hàng hiệu quả để tạo ra dòng tiền nhanh nhất. Dòng tiền cũng sẽ là trọng điểm của PDR trong 3-5 năm tới.