Thứ Năm, ngày 16/01/2025 07:27 PM (GMT+7)
FE Credit có thể lỗ hết năm nay, VPBank sẽ trở lại
2023-10-01 20:18:00
Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá 2023 là một trong những năm khó khăn nhất với Ngân hàng VPBank trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, và VPBank tận dụng lúc này để tái cơ cấu toàn bộ hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng lợi nhuận nhà băng này sẽ tăng trở lại trong năm 2024.
Cuối quý II, VPBank (mã: VPB) ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 13,1% so với đầu năm, mức cao nhất trong toàn hệ thống. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ chủ yếu đến từ cho vay nhóm khách hàng lớn (tăng 18,9% so với đầu năm) và bán lẻ (13%) khi danh mục trái phiếu doanh nghiệp có mức tăng trưởng âm 13,9% so với cuối 2022.
Với danh mục bán lẻ, tăng trưởng được thúc đẩy chủ yếu bởi cho vay kinh doanh (tăng 20% so với đầu năm) và cho vay thẻ (tăng 18%) trong khi cho vay mua nhà giảm tốc khi giá trị giao dịch trong nửa đầu năm 2023 chứng kiến mức thấp nhất kể từ năm 2019. Trong khi đó, cho vay doanh nghiệp phát triển bất động sản và dịch vụ tài chính dẫn đầu ở cho vay khách hàng lớn.
Trong phân tích doanh nghiệp mới công bố, VNDirect cho rằng VPB có nhiều dư địa để duy trì mức tăng trưởng của tín dụng nhờ chiến lược cho vay mạnh mẽ và hạn mức tín dụng thuộc mức cao nhất ngành nhờ nguồn vốn dư dả sau thương vụ bán vốn với đại gia ngân hàng Nhật SMBC.
Tuy nhiên, với tỷ lệ cho vay cao với các phân khúc cho vay tiêu dùng và bất động sản, NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng mẹ giảm mạnh trong quý II.
Cụ thể, NIM riêng lẻ sụt giảm mạnh 1,44 điểm % về 3,97%. Các yếu tố cho sự suy giảm của NIM bao gồm tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) thấp hơn từ 18,1% tại cuối quý II/2022 còn 14,5% tại cuối quý II/2023 và tỷ trọng nguồn vốn ngoại tệ/tổng tài sản chịu lãi cao.
Cho dù vậy, VNDirect kỳ vọng ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện NIM trong nửa cuối năm nay khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh 1-2,8% từ cuối quý II cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài hơn 6 tháng, sau với 4 lần giảm lãi suất điều hành của ngân hàng Nhà nước.
Tổng kết lại, ngân hàng mẹ ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 5.922 tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ.
Mặc dù thu nhập lãi thuần đạt mức tăng trưởng âm, thu nhập ngoài lãi ghi nhận mức tăng nổi bật trong quý II, nhờ lãi ghi nhận từ các tài sản tài chính phái sinh. Thu từ phái sinh gấp 3 trong quý II lên mức 1.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, hoạt động kinh tế chậm lại cũng phản ánh vào các khoản hoàn nhập từ nợ đã xử lý rủi ro, khi khoản thu này giảm 44,2% so với cùng kỳ về mức xấp xỉ 500 tỷ đồng. Nhờ có đó, tổng thu nhập HĐKD của ngân hàng mẹ duy trì ở mức 8.900 tỷ.
Cuối quý II, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ duy trì đà tăng lên mức 3,7% từ mức 2,8% tại cuối năm ngoái, chủ yếu đến từ phân khúc cho vay bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho vay bất động sản. Cùng với đó, tỷ lệ bao nợ xấu suy giảm xuống 41% từ mức 54% tại cuối năm 2022.
Theo ban lãnh đạo, tổng giá trị các khoản nợ được tái cơ cấu chỉ đạt khoảng 6.000 tỷ đồng (1,4% tổng giá trị dư nợ), chủ yếu đến từ các khoản cho vay doanh nghiệp, khi VPB chủ trương không thực hiện tái cơ cấu cho các khoản vay bán lẻ và tiêu dùng. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng các khoản vay tái cơ cấu đạt khoảng 8-10.000 tỷ đồng (1,8-2,3% tổng dư nợ) cho cả năm 2023.
Về mặt chi phí, cả chi phí hoạt động và dự phòng tăng mạnh và làm xói mòn lợi nhuận ròng của ngân hàng mẹ. Tỷ lệ CIR (chi phí trên thu nhập) riêng lẻ tăng lên 30% trong quý II từ mức 22,5% cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn mức 34,3% toàn ngành.
Hơn nữa, chi phí dự phòng tăng thêm 12,2% svck khi nợ xấu tăng cao. Kết quả, ngân hàng mẹ ghi nhận mức lợi nhuận ròng đạt khoảng 3.000 tỷ (giảm 19%).
FE Credit ghi nhận quý thứ 5 lỗ liên tiếp
FE Credit tiếp tục ghi nhận lỗ liên tiếp tại quý thứ 5, khi ngành tài chính tiêu dùng tiếp tục gặp khó khăn. NIM của công ty giảm về mức 16% từ mức 20,2%, tỷ lệ nợ xấu duy trì tăng nhẹ và đạt 30,3% tại cuối quý II (theo ước tính của VNDirect). Dư nợ cho vay của FE cũng duy trì so với quý trước khi công ty quyết định giới hạn lại cho vay để tập trung hoàn toàn vào quá trình tái cấu trúc.
VNDirect cho rằng FE đã ghi nhận một khoản lỗ 2.000 tỷ trước thuế trong quý II, cao hơn một chút so với quý I. Đơn vị này cũng cho rằng công ty sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ cho đến cuối năm nay, và kỳ vọng rằng công ty sẽ xử lý xong khoản lỗ chưa phân phối trong nửa cuối năm sau.
Tựu chung, VNDirect cho rằng FE vẫn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, VPB có đủ nguồn vốn cũng như khả năng để tháo gỡ những khó khăn trong dài hạn, một khi ngành tài chính tiêu dùng cải thiện và các nỗ lực tái cơ cấu của ngân hàng thành công.
Theo Doanh Nhân Việt Nam
Hút ròng quá lớn có thể gây hiểu lầm rằng Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt tiền tệ
29/09/2023 10:08Lãi suất ngân hàng chậm giảm mạnh, chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn
28/09/2023 09:38Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn?
26/09/2023 15:55
VPBank bắt tay Amazon đẩy mạnh phát triển ngân hàng số
Thay vì phải mua, sở hữu và bảo trì các trung tâm dữ liệu và máy chủ vật lý, VPBank sẽ được sử dụng các cơ sở hạ tầng công nghệ, kho lưu trữ và cơ sở dữ liệu của AWS trải rộng khắp các châu lục