Tủa Chùa đưa tiêu chí giao thông, thu nhập vào đích NTM

Thiên Long

28/12/2017 11:09 GMT +7

Đảng bộ, chính quyền huyện Tủa Chùa (Điện Biên) xác định xây dựng tiêu chí giao thông, thu nhập là việc làm cấp thiết, quan trọng đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện.

Đường nội đồng, kênh mương được kiên cố hóa tại thôn Huổi Lực 1,2 thuộc xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên).

Đầu tư đúng trọng tâm

Với đặc thù miền núi đặc biệt khó khăn, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp. Tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 60%), kinh tế thuần nông là chủ yếu; trình độ dân trí không đồng đều, địa hình chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng thấp kém… Đó là những lý do cản trở lớn bước chuyển mình trong NTM trên địa bàn huyện.

Trao đổi với Trang Trại Việt, ông Lê Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, cho biết: Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình NTM, quan điểm chỉ đạo của huyện là ưu tiên đầu tư phát triển tiêu chí giao thông, thu nhập. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu chắc đến đấy, không dàn trải. Muốn nhận được sự đồng thuận cao của người dân, trước tiên phải làm sao để bà con được ăn no, mặc ấm thì mới huy động được sức dân vào xây dựng NTM.

“Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ huyện đến xã và các Ban phát triển thôn, bản; bám sát người dân để tuyên truyền vận động; bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình; xây dựng mục tiêu hành động sát thực và khả thi”, ông Bình cho biết thêm.

Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Điện Biên làm việc với Đảng ủy, chính quyền xã Mường Bám về tiến độ thực hiện xây dựng NTM

Đến nay, sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, huyện đã có hơn 150km đường liên xã; 56,6km đường trục xã; 57,1km đường trục thôn được cứng hóa (rải nhựa, bê tông hoặc cấp phối). Tuy nhiên vẫn còn trên 500 km đường nội đồng và 198km đường ngõ xóm là đường đất, giao thông đi lại khó khăn, nhất là trong mùa mưa. Huyện đang phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% các xã có đường giao thông thuận lợi, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 11/11 xã cơ bản đạt tiêu chí số 2.

“Trước đây vào mùa mưa, đường từ thôn Huổi Lực (Mường Báng – Tủa Chùa) vào thị trấn trơn trượt, lầy lội, người dân đi lại khó khăn. Nhưng từ khi bà con được nghe Đảng và Nhà nước tới tuyên truyền, triển khai xây dựng NTM, chúng tôi đã hiến đất, góp công sức vào làm đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, con đường gần 1km vào bản đã được kiên cố hóa, thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa ra bên ngoài đấy”, ông Lò Văn Năm - Công an viên Huổi Lực phấn khởi, nói.

Đưa tiêu chí thu nhập vào đích ngắm

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tủa Chùa - Tô Văn Tuân, để giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, đầu tiên là phát huy thế mạnh địa phương. “Các xã ở phía Bắc, chúng tôi đang xây dựng thương hiệu vùng chè; phát triển các đặc sản như lợn, dê, gà đen, rượu Mông Pê… Các xã phía Nam, chúng tôi tập trung xây dựng một số mô hình nuôi cá lồng dọc bên lòng hồ sông Đà. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho bà con để từng bước xóa đói giảm nghèo. Trước hết, bà con phải no cái bụng đã thì mới đóng góp xây dựng NTM được”, ông Tuân nói.

Cây cam đường được trồng thí điểm tại thôn Tà Si Láng, xã Tủa Thàng

Được biết, mục tiêu phấn đấu đến năm 2019 của huyện Tủa Chùa, xã điểm Mường Báng cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới và một số xã cơ bản đạt các tiêu chí NTM. Hiện nay, trên địa bàn 04 xã (Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phình, Sính Phình) đều đã có một nhà máy thu mua và chế biến chè trực tiếp. Mỗi kg chè của bà con thu hái sẽ được huyện trợ giá là 3.000 đồng. Sự trợ giá này đang giúp cho hàng ngàn hộ nông dân trong vùng có việc làm, tăng thu nhập.

Với sự vào cuộc, quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tủa Chùa, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới bộ mặt tam nông sẽ “thay da, đổi thịt” và có những bước chuyển mình mạnh mẽ.