Li Meng Han và gia đình ông là một trong nhiều hộ dân có thâm niên trồng bưởi ở thị trấn Ma Đậu, phía nam thành phố Đài Nam.
Bưởi trồng ở Đài Loan, vốn nổi tiếng bởi độ mềm và mọng nước, rất được ưa chuộng tại đại lục, đặc biệt trong thời gian Trung Thu. Năm nay, Trung Thu trùng với ngày 10/9 dương lịch.
Tháng 8 và 9 thường là thời gian chuẩn bị thu hoạch bận rộn nhất với gia đình ông Li, cũng như các hộ nông dân trồng bưởi khác ở Ma Đậu. Nhưng năm nay, bưởi Đài Loan đột ngột đối mặt một thách thức mới, đó là lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc, theo CNN.
Nông dân không kịp trở tay
Lệnh cấm nhắm vào bưởi Đài Loan được Bắc Kinh công bố hôm 3/8, bên cạnh nhiều loại hoa quả và thủy sản khác, lấy lý do sử dụng thuốc trừ sâu quá mức. Đài Loan chỉ trích lệnh cấm nói trên vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.
Mọi năm, khoảng 60% bưởi gia đình ông Li thu hoạch được xuất sang đại lục. Li nói ông "rất bất ngờ" khi lệnh cấm được đại lục ban bố, cho biết hiện công việc kinh doanh đối mặt thách thức lớn nhất kể từ khi bắt đầu trồng bưởi đầu thập niên 2000.
"Đây là điều chúng tôi không ngờ tới. Chúng tôi chẳng thể làm gì, người nông dân chỉ đơn giản là muốn trồng hoa quả và bán với giá tốt", ông Li nói.
Trong các mùa thu hoạch trước, ông Li luôn bận rộn thỏa thuận hợp đồng với khách hàng từ đại lục cũng như nhiều nơi khác khắp châu Á. Sau khi hái từ vườn, những quả bưởi chất lượng tốt nhất được đóng bì, sau đó xuất khẩu.
Nhưng năm nay, bởi lệnh cấm bất ngờ từ Trung Quốc, lịch trình thu hoạch, xuất khẩu của nhà ông Li bị gián đoạn. Gia đình ông không thể làm gì khác dù đã ký hợp đồng, nhất trí về giá, đặt lịch vận chuyển hoa quả từ Đài Loan về đại lục.
"Các hợp đồng giờ đều đã vô giá trị, bởi vậy chúng tôi phải tìm cách bán hàng cho thị trường nội địa", ông Li cho biết.
Theo thống kê của Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, năm 2021, hòn đảo thu hoạch 82.000 tấn bưởi, trong đó 5.000 tấn xuất khẩu sang đại lục. Các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu Đài Loan bị Trung Quốc cấm vận, gồm bưởi và hai loại cá, chịu thiệt hại 20 triệu USD vì lệnh cấm của đại lục.
Sun Tzu Min, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Ma Đậu, cho biết khoảng 2.000-3.000 nông dân ở thị trấn này trồng bưởi. Dù phần lớn bưởi tiêu thụ trong nước, lệnh cấm của đại lục đương nhiên ảnh hưởng tới giá bưởi trên thị trường, khiến nông dân mất đi nguồn thu.
"Khi hoa quả không thể xuất khẩu, giá trên thị trường nội địa sẽ đi xuống, khiến người nông dân gặp khó. Lệnh cấm bất ngờ có thể làm đình trệ mọi thứ. Cây bưởi có thể sống hàng chục năm, cây càng già thì quả càng ngọt, vì thế người nông dân không thể chặt bỏ", bà Sun cho biết.
Trái cây vào tầm ngắm
Trái cây của Đài Loan bắt đầu bị Trung Quốc đưa vào tầm ngắm từ năm 2021. Trước lệnh cấm ngày 3/8, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu dứa, táo đường, táo sáp và cá mú của Đài Loan với lý do phát hiện hàm lượng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất gây hại.
Nhưng các chuyên gia cho rằng các lệnh cấm của Bắc Kinh nhằm gây sức ép buộc Đài Loan không làm trái ý đại lục.
"Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho Trung Quốc thêm lý do để gây sức ép với hòn đảo về kinh tế", Chiao Chun, cựu thành viên đoàn đàm phán thương mại của Đài Loan, nói.
Ông Chiao cho rằng đại lục tìm cách sử dụng các lệnh cấm vận để tác động tới lập trường của nông dân và tầng lớp thu nhập thấp ở Đài Loan, theo hướng rời bỏ đảng Dân tiến cầm quyền.
Sau lệnh cấm dứa năm ngoái, Đài Loan vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ quả dứa của hòn đảo. Lời kêu gọi nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Chiao, lệnh cấm bưởi sẽ gây tác động ngắn hạn với nông dân Đài Loan. Nhưng về tổng thể, lệnh cấm của đại lục sẽ không tạo ra hậu quả đáng kể cho nền kinh tế bởi xuất khẩu nông nghiệp chỉ đóng góp phần rất nhỏ trong bức tranh thương mại của Đài Loan.
Sản phẩm xuất khẩu giá trị nhất của Đài Loan là chip bán dẫn, cấu phần không thể thiếu trong mọi sản phẩm công nghệ cao, từ máy tính, điện thoại thông minh, tới robot. Công ty Đài Loan TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, chế tạo 90% các dòng chip hiện đại nhất thế giới.
Chip bán dẫn chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc, trong khi các sản phẩm nông nghiệp chỉ đóng góp chưa tới 1%.
"Các lệnh trừng phạt nhắm vào các sản phẩm nông nghiệp thực phẩm chỉ có giá trị biểu tượng hơn là tác động kinh tế thực chất", Roy Lee, phó giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Chung Hua của Đài Loan, nhận định.
Trong khi đó, ông Chiao cho rằng dù được thiết kế nhằm gây ra tác động tâm lý hướng tới cử tri Đài Loan, hành vi gây sức ép kinh tế nhiều khả năng sẽ khiến người dân bất bình.
Với người nông dân trồng bưởi ở Ma Đậu, tác động từ lệnh trừng phạt của đại lục đã bắt đầu cảm nhận được.
Để giảm thiểu tác động kinh tế, Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan đã triển khai kế hoạch thúc đẩy tiêu thụ bưởi trên khắp hòn đảo, cũng như hỗ trợ tài chính trực tiếp cho nông dân.
Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Ma Đậu Sun Tzu Min cho biết nông dân tại thị trấn cũng chuyển đổi bưởi trái cây thành các sản phẩm khác như tinh dầu, mứt, mặt nạ, để đa dạng hóa đối tượng khách hàng.
Nhưng những người nông dân như ông Li không thể yên tâm. Lúc này, trái cây đã bắt đầu chất đầy nhà kho của ông Li. Nếu lệnh cấm vận của đại lục không được dỡ bỏ, Li cho biết có thể phải sa thải 30% số lao động ở trang trại của ông vào năm tới.
"Thú thật, tôi không quan tâm ai thăm Đài Loan. Căng thẳng Mỹ - Trung nên để hai nước tự giải quyết, chứ đừng để người nông dân Đài Loan phải trả giá", ông Li nói.