Thăm mô hình chăn nuôi của gia đình bà Lò Thị Vấn, hội viên Hội nông dân bản Nậm Hàng, thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn. Bà Vấn là một trong những hộ nông dân điển hình vượt khó vươn lên làm giàu trên quê hương mình. Khi nhắc đến gia đình bà Vấn, bà con trong bản đều cảm phục bởi ý chí và sự cần cù trong lao động, sự chia sẻ, giúp đỡ của bà với mọi người.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của gia đình mình, bà Vấn chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, cơm không đủ ăn, nhà cửa tạm bợ. Ngày ấy chăn nuôi vẫn theo phong tục tập quán cũ. Lợn, gà thả rông trên đồi, tối đến gọi về cho ăn. Con nào sống được thì đem bán, có khi nuôi cả đàn gà vài chục con nhưng chỉ làm mồi cho cáo ở trên rừng. Nuôi trâu, bò thì thường xuyên bị dịch bệnh, chết gần hết".
Qua các buổi tập huấn của các cơ quan: Hội Nông dân huyện, Khuyến nông, khuyến lâm huyện bà Vấn đã có thêm kiến thức về chăn nuôi khoa học. Việc đầu tiên và bàn với gia đình quy hoạch khu chăn nuôi để nuôi lợn, bò… "Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm mới khó. Đất rừng bao la, biết khoanh bao nhiêu mới đủ nuôi bò, lợn. Tôi quyết định cải tạo lại đất, trồng cỏ nuôi bò theo hướng chăn thả tại trang trại. Làm như thế bò có đủ cỏ để ăn, mình kiểm soát được không bị mất trộm…" bà Vấn chia sẻ thêm.
Nói là làm, khu đất của gia đình được bà Vấn quy hoạch, trồng cỏ voi nuôi bò, xây dựng hẳn một khu để chăn nuôi lợn. "Gọi là khu chăn nuôi cho nó oai chứ thật ra tôi chỉ đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để chăn nuôi lợn, không thả rông như trước. Tôi vay thêm tiền, mua cám công nghiệp cho lợn ăn. Tiền từ bán lợn, gia cầm tôi đầu tư mua bò, trâu về chăn thả" bà Vấn cho biết.
Từ đồng vốn hai vợ chồng giành dụm được, bà Vấn mua thêm 5 con bò sinh sản. Khu trang trại được bà rào, không để trâu bò đi lên rừng. Tối lại đưa về chuồng, cắt cỏ cho bò ăn thêm. Bà Vấn còn hỏi mua thêm mỡ trăn để võ béo bò. Đa phần bò lúc mới mua về đều gầy ốm, phải tẩy giun, sán, mua mỡ trăn về cho bò ăn để nhanh béo. Cây chuối trên rừng rất sẵn, bà Vấn lấy về, thái chuối, trộn lẫn cám gạo để bò ăn tăng thêm tinh bột.
Bà Lò Thị Vấn chia sẻ: "Hơn 7 năm qua, nhờ công chăm sóc khéo léo, mát tay nên đàn bò nhà tôi sinh trưởng phát triển rất tốt. Tính đến thời điểm hiện tại đàn bò đã sinh sôi nảy nở lên đến 23 con. Ngoài việc mỗi ngày chăn thả ra ngoài trang trại tôi lúc nào cũng chẳng nghỉ tay, sáng sớm, buổi chiều lúc nào cũng lên rừng cắt cỏ đều đều cho đàn bò, ngoài việc trồng cỏ voi ra thì cỏ không đủ cho đàn bò".
Mỗi năm bà Vấn xuất đàn bò ra thị trường bán từ 3 đến 4 con/năm, thu nhập được từ số tiền bán đàn bò là khoảng 180 triệu/năm. Ngoài mô hình nuôi bò, Bà Vấn còn nuôi thêm một đàn lợn 15 con, mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 1 đến 2 lứa.
Chia sẻ thêm với chúng tôi bà Vấn cho biết: Năm 2019 từ chăn nuôi trồng trọt gia đình nhà tôi có thêm chút vốn làm ăn, nên đã mạnh dạn đầu tư mua thêm 4 con trâu, và mua thêm ít vịt ngan để nuôi. Đến nay mô hình gia đình nhà tôi làm đều rất thuận lợi. Có tiền dành dụm, nuôi cho các con ăn học đàng hoàng đến nơi đến trốn. Mỗi năm gia đình nhà tôi thu nhập được từ chăn nuôi trồng trọt ước tính lên đến 250-300 triệu đồng trên một năm trừ chi phí đầu tư.
Để xây dựng được mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi như vậy có thành quả như ngày hôm nay là do sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân. Học hỏi, kinh nghiệm qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng... để áp dụng vào thực tế của gia đình.
Đánh giá về mô hình trang trại gia đình bà Vấn, chị Đinh Thị Thỏa, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nậm Nhùn cho biết: Sau nhiều năm chịu khó, nỗ lực phấn đấu phát triển mô hình chăn nuôi bò. Đến nay từ hộ nghèo, gia đình bà Vấn trở thành hộ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn thị trấn về mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn thị trấn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Vấn còn tích cực tạo điều kiện giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò, lợn... và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế tại địa phương với mong muốn giúp thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn cùng phấn đấu vươn lên thoát nghèo và ổn định đời sống.