Thứ Năm, ngày 16/01/2025 05:08 PM (GMT+7)

TP.HCM điều chỉnh quy hoạch, kết nối hệ thống hạ tầng cảng biển

2022-11-30 21:02:00

TP.HCM sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng giao để kết nối hệ thống hạ tầng cảng biển, trong đó, ưu tiên kết nối đồng bộ với cảng biển mới khu vực Cần Giờ.

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về kế hoạch triển khai thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển TP.HCM.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết kế hoạch, tổng sản lượng hàng hóa của cảng biển TP.HCM và các cảng biển khác trong nhóm cảng biển số 4 đến năm 2030 có lượng hàng hóa thông qua từ 461 đến 540 triệu tấn (hàng container từ 23 đến 28 triệu TEU); từ 1,7 đến 1,8 triệu lượt khách.

Trong giai đoạn này, TP.HCM rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoặc đề xuất cấp thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, đường thủy), hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics... kết nối hệ thống hạ tầng cảng biển TP.HCM đồng bộ, hiệu quả. Trong số đó, ưu tiên nghiên cứu quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ kết nối đồng bộ với cảng biển mới khu vực Cần Giờ vào quy hoạch chung TP.HCM.

TP.HCM điều chỉnh quy hoạch, kết nối hệ thống hạ tầng cảng biển - Ảnh 1.

TP.HCM chú trọng đầu tư hạ tầng cảng biển. Ảnh: H.T

Bên cạnh đó, TP.HCM phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng quy hoạch các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; nghiên cứu quy hoạch, sớm đầu tư cảng container trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Đồng thời, tổ chức thực hiện di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị TP.HCM.

Theo kế hoạch, đến năm 2050, xây dựng hoàn thiện cảng biển TP.HCM đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh; đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh và nước phát triển, thu nhập cao.

Tổng sản lượng hàng hóa của cảng biển TP.HCM và các cảng biển khác trong nhóm cảng biển số 4 tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5-3,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9 đến 1%/năm.

Để thực hiện mục tiêu này, TP.HCM thực hiện các nhóm giải pháp gồm tham mưu, đề xuất về tổ chức thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng "Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển TP.HCM theo quy hoạch và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030"; xây dựng "Kế hoạch di dời, chuyển đổi công năng phù hợp quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TP.HCM đối với khu bến trên sông Sài Gòn", đồng thời nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án cảng container trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ.

TP.HCM điều chỉnh quy hoạch, kết nối hệ thống hạ tầng cảng biển - Ảnh 3.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đánh giá đóng vai trò quan trọng. Ảnh: H.T

Trước đó, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo của TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình trọng điểm năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023 vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao tầm quan trọng của Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo đó, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, dự án sẽ có đóng góp quan trọng với vai trò cảng trung chuyển quốc tế không chỉ cho riêng TP.HCM mà cả khu vực phía Nam và các vùng lân cận, cũng như đóng góp đáng kể vào thu ngân sách TP.HCM và cả nước.

Để tạo điều kiện cho dự án trên có đầy đủ căn cứ pháp lý về quy hoạch để triển khai các bước tiếp theo, ông Cảnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và UBND TP.HCM tạo điều kiện cho Dự án được triển khai trên địa bàn sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt quy hoạch.

Hồng Trâm