Sau 1 tháng tăng trưởng doanh số âm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC - sàn HoSE) đã báo cáo doanh số tăng trưởng dương trong tháng 11/2023.
Trong tháng 11/2023, Công ty Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số chung đạt 17,4 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.451 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ; sản xuất nông sản thành phẩm đạt 102 tấn, tương đương với cùng kỳ; tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 1.624 tấn, tăng 45% so với cùng kỳ; và sản lượng tiêu thụ nông sản đạt 113 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ.
Công ty Thực phẩm Sao Ta cho biết thêm tôm nuôi thu hoạch hoàn tất nửa đầu tháng 11. Trong đó, kết quả khá tốt vùng nuôi góp phần đáng kể giảm giá thành tôm cuối cùng, bảo đảm lợi nhuận đạt mức điều chỉnh. Ngoài ra, từ cuối tháng 11/2023, Công ty Thực phẩm Sao Ta tiến hành thả nuôi tôm mùa nghịch.
Thực phẩm Sao Ta cho biết, giá tiêu thụ thấp, khiến sức tiêu thụ tôm Việt bị tác động khá mạnh, đa phần các thị trường đều bị giảm sút và tác động tới Sao Ta.
Tôm nuôi bị dịch bệnh, tỷ lệ nuôi thành công thấp, tôm nuôi Sao Ta cũng giảm tỷ lệ nuôi thành công. Ngày 13/11, những ao tôm cuối cùng được thu hoạch, kết thúc vụ nuôi 2023. Dù thực tế sẽ tiếp tục thả nuôi cuối tháng này nhưng kết quả ở năm sau.
Trước đó, Thực phẩm Sao Ta đã công bố doanh số tiêu thụ tháng 10/2023 đạt 18,45 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ. Đây là tháng có doanh số thấp nhất trong vòng 5 tháng của Sao Ta.
Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Thực phẩm Sao Ta đã chấp thuận điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 nhưng không nêu rõ lý do điều chỉnh.
Cụ thể, Sao Ta điều chỉnh tổng doanh thu giảm 17% so với kế hoạch cũ, từ 5.900 tỷ đồng xuống 4.870 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế điều chỉnh giảm 25% so với mục tiêu ban đầu, từ 400 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế công ty mẹ điều chỉnh còn 278 tỷ đồng, giảm 25% so với chỉ tiêu cũ.
HĐQT Sao Ta cho biết việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 sẽ được trình bày trong báo cáo Đại hội đồng cổ đông gần nhất.
Được biết, tôm là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của cả nước, mặt hàng tôm xuất khẩu lại đang gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, diễn biến xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào những biến động trên thị trường Mỹ. Khối lượng nhập khẩu tôm bắt đầu hồi phục, tuy nhiên, giá nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm nhập khẩu giảm ảnh hưởng đến mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn như Sao Ta.
Thế giới đã trong tình trạng dư thừa tôm trong hơn một năm qua. Tại Mỹ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu tôm trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%. Dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tôm tại Mỹ có thể sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này do nhu cầu tiêu thụ tôm cuối năm tăng theo các dịp lễ tết.
Chủ tịch Sao Ta Hồ Quốc Lực mới đây cho biết, Mỹ đã quyết định tiếp tục điều tra chống trợ cấp tôm Việt Nam sau phiên điều trần ngày 15/11.
Theo Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, sau phiên điều trần diễn ra ngày 15/11, Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) quyết định vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam sẽ được thực hiện và sắp tới sẽ có các bước tiếp theo.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước; trong đó, có Việt Nam.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, sản phẩm bị điều tra là tôm nước ấm đông lạnh thuộc các mã HS 0306.17, 1605.21 và 1605.29. Các nước bị điều tra: bao gồm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Trong số đó, Việt Nam chỉ bị điều tra chống trợ cấp do sản phẩm tôm của Việt Nam đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, nguyên đơn đề nghị DOC khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với cả tôm đông lạnh và tôm tươi từ Việt Nam. Nguyên đơn cáo buộc do tôm tươi nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn đến 95% giá trị của tôm nước ấm đông lạnh, nên các trợ cấp cho các nhà cung cấp tôm tươi của Việt Nam cũng được coi là trợ cấp dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam.
Ông Lực cho biết VASEP đã thuê luật sư và tập hợp các doanh nghiệp tôm để có phương án chuẩn bị. Trước mắt luật sư cũng đã chuẩn bị trước một số câu hỏi mà cơ quan quản lý của Mỹ hay điều tra.