dd/mm/yyyy

Tôi về làm báo Nông Thôn Ngày Nay như thế đấy!

Trong rất nhiều cơ quan mà tôi đã từng công tác cũng như hàng chục nghề mà tôi đã trải suốt 37 năm qua, mỗi khi đến một đơn vị mới hay làm một nghề mới, tôi đều tâm niệm rằng: Mình không phải chỉ đi kiếm miếng ăn mà quan trọng hơn là phải tìm được một môi trường sống phù hợp…

Tháng 4/2009, tôi xách balo về báo NTNN nhận việc trong sự hô hào cổ vũ của rất nhiều cán bộ, phóng viên báo NTNN – vốn là anh em quen biết trước đó, như: Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Gia Tưởng, Đào Thanh Tuy, Lê Hân, Nam Hải, Nguyễn Xuân Tuấn.v.v. Tổng Biên tập Lưu Quang Định thì cũng biết sơ sơ về tôi từ khi anh còn ở báo Lao Động nên việc tiếp nhận chỉ diễn ra "trong phút mốt" với câu khóa việc: "Ông về làm thường trú Tây Bắc giúp tôi".

Sau một thời gian nghỉ ngơi để bố trí công việc gia đình cho phù hợp với công việc mới, tôi quay lại gặp Tổng Biên tập để nhận địa bàn làm việc cụ thể thì Tổng Biên tập bảo thế này: Địa bàn của ông theo địa bàn Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Tôi về làm báo Nông Thôn Ngày Nay như thế đấy! - Ảnh 1.

Tác giả và những chuyến vượt suối, băng rừng trong mùa mưa lũ vùng Tây Bắc. Ảnh: Gia Tưởng.

 Lúc ấy tôi nghĩ: Mấy tỉnh Tây Bắc thì ăn nhằm gì! Mình vốn là chân chạy, chả sợ! Vậy nhưng, khi tôi phi xe máy lên Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đặt ở Yên Bái thì mới tá hỏa: Tây Bắc theo nghĩa của ông Tổng Biên tập nói thì là 1 trong 3 Tây của Việt Nam (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) và địa bàn của Tây Bắc này không chỉ bao gồm 5 tỉnh Tây Bắc như tôi nghĩ mà nó lan tới tận Tây Nghệ An !

 Anh Viên (tôi xin lỗi vì giờ không còn nhớ họ tên đầy đủ của anh ấy) làm ở Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, bảo: Ông làm thế này mà không có ô tô thì mệt lắm ! Nửa đất nước mà lại là vùng khó khăn nhất đấy.

Tôi về làm báo Nông Thôn Ngày Nay như thế đấy! - Ảnh 2.

Tác giả ngoài cùng bên trái trong một chuyến điều tra vì sao trên 80% dân xã Suối Tọ (huyện Phù Yên, Sơn La), trong đó có cả cán bộ xã, bản bỏ việc để đi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép năm 2009. Ảnh: Tô Quý.

Tôi cầm cái bảng danh mục các tỉnh, thành phố thuộc Ban Chỉ đạo Tây Bắc mà các anh, chị trong Ban Chỉ đạo vừa in cho, bước ra khỏi cơ quan mà lòng hoang mang thật sự. Tuy đã sống ở Tây Bắc 25 năm, từng có hơn 10 năm làm báo ở Sơn La nhưng đây là lần đầu tôi biết đến một khái niệm "Địa bàn Tây Bắc theo địa bàn Ban Chỉ đạo Tây Bắc phụ trách" nó rộng lớn đến thế nào.

Tôi về làm báo Nông Thôn Ngày Nay như thế đấy! - Ảnh 3.

Tác giả ngoài cùng bên phải trong một chuyến khảo sát mặt bằng để xây dựng trường học cho bản Púng Khoai (xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, Sơn La) do Báo NTNN phối hợp với Qũy Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) đầu tư xây dựng. Ảnh: Quốc Tuấn

Hôm ấy đang là đầu mùa hè, Yên Bái nóng hầm hập, tôi ra quán nước ở đầu Thành phố Yên Bái, làm ngay mấy chén chè nóng và thuốc lào rồi rút điện thoại ra, định bụng gọi về cho Tổng Biên tập để thoái thác địa bàn hoặc bí lắm thì… thoái thác nhiệm vụ. Nói thật là ngày ấy tôi có rất nhiều lựa chọn về nơi làm việc, kể cả trong nghề và ngoài nghề. Mà báo NTNN thì ngày ấy chưa có VP Bắc Miền Trung và Hải phòng, Đông Bắc như bây giờ.

Tôi về làm báo Nông Thôn Ngày Nay như thế đấy! - Ảnh 4.

Toàn cảnh ngôi trường Púng Khoai được khánh thành ngày 2/5/2019 nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Báo NTNN 7/5/1984-7/5/2019. Ảnh: Quốc Tuấn.

Nhưng rồi lại nghĩ: Trong mấy tháng trời lựa chọn trước khi chuyển công tác, báo NTNN đã là đáp án lựa chọn cuối của mình. Nơi ấy có một tập thể mà mình đã từng gắn bó, yêu quí, kính trọng. Với lại mình có bạn bè, anh em ở khắp nơi, sợ gì không hoàn thành công việc…? Thế là tôi cất lại câu thoái thác cho đến tận bây giờ !

Không yêu nghề không thể làm báo Nông Thôn Ngày Nay

Để đáp ứng một phần thông tin hàng ngày cho Tòa soạn về địa bàn "nửa đất nước", tôi phải nhờ các mối quan hệ cũ của mình để lấy số điện thoại, nếu thân hơn thì xin cả số email của lãnh đạo ở các tỉnh. 

Hàng ngày, tôi phải dậy sớm, quét thông tin 1 loạt các địa bàn xem có gì nóng để làm tin. Tôi đi công tác liên tục, có những chuyến đi tới gần tháng trời mà toàn bằng xe máy. Có hôm, vừa lóc cóc từ Sơn La sang đến Tuyên Quang thì trời đã quá chiều (hơn 300km) thì ông Nguyễn Thanh Sơn – Thư kí Tòa soạn điện bảo: "Mai tỉnh Cao Bằng họ kỉ niệm 510 năm thành lập tỉnh, anh sang đó làm tin". Tôi phải gào lên trong điện thoại: "Sơn La – Cao Bằng xa tới 700km mà phải đi vòng qua Hà Nội đấy ông ạ. Mà giờ tôi cũng đang ở cách Sơn La 300km, đi bằng xe máy…", thế là Thanh Sơn mới tha cho.

Tôi về làm báo Nông Thôn Ngày Nay như thế đấy! - Ảnh 5.

Tác giả cùng cán bộ kiểm lâm Hạt Tà Xùa (Phù Yên, Sơn La) lấy nước dưới suối trong một chuyến ăn rừng, ngủ rừng để tìm hiểu về khó khăn, vất vả của cán bộ kiểm lâm địa bàn. Ảnh: Quốc Tuấn.

Tháng 9/2009, tôi được lệnh của Ban Biên tập báo NTNN lên Lai Châu điều tra theo Đơn Kêu Cứu của ông Lò Văn Chài, nông dân bản Nà Sẳng, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Theo đơn thì gia đình ông Chài bị gia đình Chủ tịch xã Hoàng Văn Pành ức hiếp nhiều, đe dọa, đánh đập cả nhà nhưng kêu mãi cũng không thấu. Tôi nghĩ chắc họ không biết cách tố cáo hoặc đi không đúng cửa nên mới khổ thế chứ ai nỡ bỏ quên nỗi khổ người dân!

Tôi về làm báo Nông Thôn Ngày Nay như thế đấy! - Ảnh 3.

Đơn thư Kêu cứu của gia đình ông Chài đã gửi đi nhiều nơi trong thời gian dài nhưng không được quan tâm giải quyết thỏa đáng.

Đang là mùa mưa, tôi lóc cóc xe máy hơn 200km đến Nà Sẳng thì trời đã gần tối. Pắc Ta ngày ấy đang là một trong những trung tâm khai thác vàng nên tệ nạn xã hội không ít. Vũ khí tự chế ngày ấy cũng chưa cấm ngặt nên còn rất nhiều trong dân. Sau khi điều tra sơ bộ về tình hình xã hội của xã, bản, tôi tìm đến nhà ông Chài để định hướng công việc ngày hôm sau thì mới biết nhà ông ở mãi cuối bản. Tức là phải đi qua rất nhiều nhà là người thân của ông Chủ tịch xã. Thấy nguy hiểm trong khi mình chỉ có 1 mình lại đêm tối nên tôi quyết định rút về tận Thị xã Lai Châu (nay là TP.Lai Châu), cách đó gần 100km để nghỉ.

Sáng hôm sau, tôi được Phó Trưởng phòng Phóng viên báo Lai Châu – Bùi Thanh Tùng cử phóng viên Trần Anh Tuấn đi cùng. Có anh, có em, chúng tôi mạnh dạn quay lại hộ gia đình ông Chài và khi đó mới biết sự cảnh giác đêm qua không thừa. Trên vách tường nhà ông Chài đầy những vết đập phá, đạn bắn, dao chém… Vợ và con ông Chài kể về cái sự việc đã xảy ra cả nửa năm trời mà giọng vẫn run run, thẽ thọt. 

Tôi về làm báo Nông Thôn Ngày Nay như thế đấy! - Ảnh 4.

Công văn trả lời đơn tố cáo của Công an tỉnh Lai Châu với gia đình ông Chài đã vô tình tiếp tay cho cái ác tiếp tục hoành hành với người dân nghèo bản Nà Sẳng, xã Pắc Ta.

Đến khi họ cho tôi xem những đơn thư mà họ kêu cứu rất nhiều nơi nhưng chưa được quan tâm thì tôi mới hiểu rằng: Với vai trò chủ tịch UBND xã của mình, ông Pành đã che giấu những sai phạm của mình và người thân, để sự việc cứ leo thang mãi, đe dọa đến sự an toàn tính mạng của cả một hộ dân nghèo nhưng trong bản, trong xã không ai dám lên tiếng vì sợ sệt cường quyền và niềm tin chính nghĩa cũng đã phai nhạt. Được thể, gia đình ông Pành lại càng ra oai, tác quái nhiều hơn…

Ngay sau khi báo Nông Thôn Ngày Nay đăng loạt phóng sự điều tra: "Bóng tối trên quê nghèo Pắc Ta" thì ông Hoàng Văn Pành mới "bay ghế" và bình yên mới trở lại với gia đình ông Chài cùng dân bản Nà Sẳng.

Trí Dũng Nhân