Giá tiêu hôm nay ở trong nước (25/10)
Thị trường tiêu trong nước hôm nay: Giá hạt tiêu trong nước hôm nay giao dịch ở mức 144.500 – 146.500 đồng/kg.
Giá tiêu cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm hồ tiêu (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước) được ghi nhận ở mức 146.500 đồng/kg.
Cụ thể: Tại tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk giá tiêu ở mức 146.500 đồng/kg.
Tại Gia Lai mức giá tiêu là 144.500 đồng/kg. Đồng Nai có giá tiêu là 144.500 đồng/kg.
Tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 145.000 - 146.000 đồng/kg.
Như vậy, giá tiêu hôm nay ổn định tại hầu hết các tỉnh trọng điểm, tại thị trường trong nước, hiện có mức giá thấp nhất là 144.500 đồng/kg.
Giá tiêu trực tuyến hôm nay (25/10)
Cập nhật giá tiêu thế giới từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), thời điểm này, giá tiêu Indonesia tăng nhẹ so với ngày hôm qua; giá tiêu Brazil không đổi, trong khi đó, tiêu Malaysia giữ mức cao. Giá tiêu Việt Nam niêm yết hôm nay ổn định, với tiêu trắng đạt dưới mức 10.000 USD/tấn.
Giá tiêu đen Lampung tại Indonesia ở mức 6.739 USD/tấn.
Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 6.400 USD/tấn.
Giá tiêu đen Kuching tại Malaysia ASTA ổn định ở mức 8.700 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok Indonesia loanh quanh ở mức 9.226 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 11.200 USD/tấn.
Giá tiêu các loại của Việt Nam hôm nay ổn định. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.500 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.800 gr/l. Giá tiêu trắng đạt 9.500 USD/tấn.
Giá tiêu đen trên thị trường nội địa Việt Nam đã giảm 3 – 6% (5.000 – 9.500 đồng/kg) trong quý III và tiếp tục thêm giảm 2 – 4% trong 20 ngày đầu tháng 10, xuống còn 143.000 – 144.500 đồng/kg. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn cao hơn tới gần 80% so với đầu năm và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Giá tiêu chịu áp lực giảm trong quý III và đầu tháng 10 khi các công ty nông nghiệp, đại lý và các bên trung gian đang tích cực bán tiêu đen. Hoạt động này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu thanh khoản, khi người bán tìm cách huy động vốn để đầu tư vào cà phê, loại nông sản đang trong mùa thu hoạch.
Giá cà phê ở mức cao do sản lượng giảm và nhu cầu toàn cầu tăng, khiến cà phê trở thành lựa chọn sinh lợi hơn vào thời điểm này.
Bên cạnh đó, việc Brazil và Indonesia đang vào vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu thế giới không tăng mạnh, cùng với việc Trung Quốc không mua nhiều cũng góp phần khiến giá giảm trong quý III vừa qua.
Tuy nhiên, tồn kho trong nước ở mức thấp giữ cho giá tiêu vẫn duy trì ở mức cao. Hiện giá tiêu trong nước vẫn đang cao hơn gần 80% so với đầu năm và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Hồ tiêu và cà phê là hai mặt hàng nông sản có giá tăng mạnh nhất trong thời gian qua.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý III, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 58.876 tấn, trị giá gần 360 triệu USD, giảm 30,4% về lượng và 8,7% về trị giá so với quý II, nhưng tăng lần lượt là 10,2% về lượng và 80,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng được ví là “vàng đen” này đạt 200.268 tấn, trị giá gần 989,8 triệu USD, giảm 2,8% về lượng nhưng tăng mạnh 45% về trị giá so với cùng kỳ nhờ giá tăng cao.
Trong quý III, xuất khẩu tiêu của các doanh nghiệp nhìn chung đều giảm so với quý II, quý xuất khẩu cao điểm trong năm. Nhưng tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của hầu hết doanh nghiệp lớn trong ngành đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu 9 tháng năm 2024 bao gồm: Olam Việt Nam: 20.565 tấn, tăng 53,4%; Phúc Sinh: 18.513 tấn, tăng 59,5%; Nedspice Việt Nam: 15.136 tấn, tăng 11,8%; Haprosimex JSC: 15.053 tấn, tăng 79 % và Trân Châu: 12.634 tấn, giảm 4,5%…
Một số doanh nghiệp khác cũng có lượng xuất khẩu tăng đột biến như Simexco Đăk Lăk: 10.768 tấn, tăng 202,9%; Liên Thành: 10.760 tấn, tăng 65,1%, Gia vị Sơn Hà: 6.842 tấn, tăng 47,6%…
Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu của các doanh nghiệp thuộc VPSA đạt 175.291 tấn, tăng mạnh 33,9% và chiếm 87,3% tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu. Trái lại, xuất khẩu của các doanh nghiệp ngoài VPSA chỉ đạt 25.603 tấn, giảm 65,2% và chiếm 12,7% tỷ trọng.