dd/mm/yyyy

Đề xuất nâng cao mức vốn vay tái canh cà phê lên 350 triệu đồng/ha, mở rộng đề án ra 11 tỉnh

Đề án tái canh cà phê đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho ngành cà phê Việt Nam, cụ thể là việc tái canh đã không làm giảm năng suất và sản lượng cà phê Việt Nam mà còn tăng năng suất và sản lượng. Đáng chú ý, hiệu quả lớn nhất chính là nhiều hộ nông dân đã thay đổi ý thức sản xuất loại cây này.

Đề xuất nâng cao mức vốn vay tái canh cà phê lên 350 triệu đồng/ha

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020 và triển khai Đề án giai đoạn 2021 – 2025, diễn ra tại Đắk Lắk mới đây.

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết chương trình tái canh cà phê đã đem lại một số hiệu quả như: Trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi. Năng suất của các vườn tái canh đạt trung bình 2,8 tấn/ha, vượt 0,1 tấn/ha so với mục tiêu.

Diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên từ năm 2014-2021 đã đạt 129.008,4 ha (đạt trên 107,5% kế hoạch). Tính lũy kế diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê từ năm 2011-2021 được 166.579,2 ha. Lâm Đồng là tỉnh có diện tích tái canh cà phê nhiều nhất trong các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2011-2021 với 81.331ha; Đắk Lắk 48.540ha; Đắk Nông 20.657ha; Gia Lai 18.288ha; Kon Tum 1.717ha.

Hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, góp phần vào chương trình phát triển cà phê bền vững.

Đề xuất nâng cao mức vốn vay tái canh cà phê lên 350 triệu đồng/ha, mở rộng đề án ra 11 tỉnh - Ảnh 1.

Ông Hồ Minh Điệp (thôn 18, xã EaKtur, huyện Cưkuin, tỉnh Đắk Lắk) thu hoạch vườn cà phê 2ha của gia đình. Ảnh: T.T

Đặc biệt, theo ông Đức, hiệu quả thu được lớn nhất chính là sự thay đổi ý thức sản xuất của nhiều hộ nông dân. Bà con đã thực hiện tốt quy trình trồng tái canh cà phê vối như: Phân loại vườn cà phê trước khi trồng tái canh, ghép cải tạo dựa vào độ tuổi của vườn, mức nhiễm bệnh vàng lá chết cây theo tỷ lệ bệnh, cấp bệnh và năng suất của vườn cà phê để lựa chọn các biện pháp kỹ thuật tái canh phù hợp, rút ngắn thời gian luân canh, một số vườn cà phê già cỗi không bị bệnh vàng lá chết cây có thể tái canh ngay (không luân canh); đưa vào trồng tái canh phần lớn các giống cà phê vối cao sản mới không những cho năng suất cao, chất lượng nhân tốt mà còn chống chịu bệnh gỉ sắt rất cao như TR4, TR9, TR11, TR13, TRS1...

Tuy nhiên, quá trình tái canh cà phê của nông dân cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Tâm lý của người dân còn chần chừ không muốn tái canh vì khi tái canh cần một thời gian để luân canh, kiến thiết cơ bản do đó thu nhập của bà con bị giảm sút nghiêm trọng". Giai đoạn 2014- 2020 tỉnh Đắk Lắk cần tái canh gần 41.600ha, tuy nhiên thực tế mới chỉ thực hiện được 35.400ha, đạt 85% so với kế hoạch.

Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai cũng cho biết, việc tái canh khó khăn nhất là nguồn vốn. Thời gian qua chúng ta đã rất nỗ lực nhưng người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số lâu nay ít quan tâm đến việc cấp bìa đỏ, mà khi chưa có bìa đỏ thì việc vay vốn rất khó…

Mở rộng chương trình tái canh cà phê

Với những đóng góp thực tế vào chương trình tái canh cà phê, TS. Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, Viện đã chọn tạo và chuyển giao các giống cà phê với đặc trưng giống riêng, từ đó bố trí cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng, từng mục tiêu và từng giai đoạn canh tác.

Muốn làm tốt việc tái canh cà phê, TS Phan Việt Hà cho rằng các địa phương cần tiếp tục điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tập trung vào diện tích cà phê cần tái canh, ghép cải tạo, nhu cầu về lượng, giống cà phê. Hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ các khâu trong quy trình tạo giống được khuyến cáo để giảm rủi ro khi tái canh.

Đề xuất nâng cao mức vốn vay tái canh cà phê lên 350 triệu đồng/ha, mở rộng đề án ra 11 tỉnh - Ảnh 3.

Mô hình tái canh cà phê tại hộ ông Nguyễn Công Cường, xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông. ảnh: ttknqg

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, tổng kết chương trình tái canh 2014-2020 đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Do đó, để tiếp tục mở rộng chương trình này, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã có những kế hoạch tiếp theo cho trương tình tái canh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bộ NNPTNT tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025, và không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn mở rộng ở các tỉnh có trồng cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107.000 ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75.000 ha, ghép cải tạo 32.000 ha. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.

Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi của từng hộ để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế địa phương. Hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ đang tiếp tục bổ sung hoàn thiện Quy trình tái canh, đặc biệt là quy trình tái canh cho cà phê chè phù hợp với các địa phương như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị…

Đại diện Bộ NNPTNT kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tín dụng đặc thù cho tái canh cà phê, nâng cao mức cho vay vốn trồng tái canh cà phê từ tối đa 150 triệu đồng/ha lên 350 triệu đồng/ha, giảm lãi suất phù hợp với thực tế nhằm giảm gánh nặng cho người dân trong khoảng thời gian tái canh cho đến khi thu hoạch cà phê…


Thiên Hương