dd/mm/yyyy

Thúc đẩy xuất khẩu mật ong thương hiệu Việt

Việt Nam là một trong những nước có sản lượng mật ong xuất khẩu lớn trên thế giới. Đặc biệt, các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên có tiềm năng lớn trong việc phát triển nghề nuôi ong. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên 2018” được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Giai đoạn 2016 - 2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai và phối hợp thực hiện hiệu quả dự án tại các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Đắk Lắk. Theo đó, mỗi tỉnh thực hiện 1-2 điểm trình diễn/năm. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ các hộ nông dân tham gia với 4.000 đàn ong, trong đó có 2.800 đàn ong nội và 1.200 đàn ong ngoại, hỗ trợ 50% thức ăn bổ sung (đường) theo yêu cầu 2kg/đàn ong.

Ông Nguyễn Hữu Sinh tiểu khu 30/4, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu, tỉnh Sơn La) giới thiệu mô hình nuôi ong mật với đoàn cán bộ khuyến nông.
Ông Nguyễn Hữu Sinh tiểu khu 30/4, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu, tỉnh Sơn La) giới thiệu mô hình nuôi ong mật với đoàn cán bộ khuyến nông.

Các đơn vị đã lựa chọn 39 xã để xây dựng mô hình với 100% các xã trong diện tham gia xây dựng nông thôn mới. Các xã triển khai đều đáp ứng quy trình kỹ thuật, chăm sóc ong mật phù hợp với quy hoạch phát triển vùng miền của mỗi địa phương. Số đàn ong tại các xã giao động từ 500 -1.500 đàn, diện tích đất nông, lâm nghiệp từ 5.500-10.000ha; phù hợp với điều kiện phát triển và nhân rộng mô hình mật ong chất lượng cao tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên.

Đoàn cán bộ khuyến nông tham quan mô hình nuôi ong mật chất lượng cao.
Đoàn cán bộ khuyến nông tham quan mô hình nuôi ong mật chất lượng cao.

Thăm quan mô hình nuôi ong của các hộ dân ở tiểu khu 30/4 (xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu), bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: Tôi thấy mô hình nuôi ong mật ở đây phát triển rất tốt, có thể nhân đàn với số lượng lớn hơn để cho ra sản lượng mật ong chất lượng. Để nâng cao hiệu quả và giá trị mật ong xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, ngành nuôi ong Việt Nam cần kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là tồn dư thuốc kháng sinh và thuốc BVTV trong mật ong.

Bà Hạnh khẳng định: Các tỉnh cần phải đẩy mạnh áp dụng quy trình VietGAHP nuôi ong an toàn; đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) trong chế biến, đóng gói mật ong xuất khẩu và mở rộng liên kết sản xuất giữa các đối tác trong ngành nuôi ong lấy mật.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng các tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ nuôi ong, liên kết giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng thành chuỗi hàng hóa. Đầu tư nghiên cứu công nghệ, khuyến nông để phát triển bền vững nghề nuôi ong theo hướng xuất khẩu, hình thành hệ sinh thái bền vững. Qua đó mới có thể nhân rộng mô hình ong đến với nhiều hộ gia đình có nhu cầu nuôi ong, đảm bảo được chất lượng mật ong xuất ra các thị trường quốc tế.

Bà Hạ Thúy Hạnh, cùng đoàn công tác thăm quan mô hình nuôi ong mật tại xã Chiềng Sơn (Mộc Châu).
Bà Hạ Thúy Hạnh, cùng đoàn công tác thăm quan mô hình nuôi ong mật tại xã Chiềng Sơn (Mộc Châu).

Hiện nay, các mô hình nuôi ong chất lượng cao tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng, giúp các chủ hộ nuôi ong mật nâng cao nguồn thu nhập. Giá cả của mật ong luôn được bảm đảm ở mức đầu ra ổn định và đón nhận được sự quan tâm của thị trường trong nước và quốc tế. Mật ong và các sản phẩm về ong của Việt Nam có giá trị xuất khẩu, được các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... ưa chuộng, là một trong những sản phẩm xuất khẩu vào được những thị trường các nước phát triển.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Sinh, tiểu khu 30/4, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, cho biết: “Tôi nuôi ong mật ngoại từ năm 2003 đến nay, cũng có nhiều kinh nghiệm trong nuôi ong. Tôi thấy nuôi ong cho thu nhập cao hơn so với các loài vật nuôi khác, đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định. Đầu năm 2018, tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 20 đàn ong ngoại để phát triển kinh tế. Hiện mỗi đàn cho 4,6kg mật/đàn, thu nhập 20 triệu đồng. Cộng với nguồn thu từ 190 đàn ong của gia đình nuôi từ trước, sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu lãi 210 triệu đồng từ nuôi ong mật”.

Nghê nuôi ong đã giúp cho nhiều hộ nông dân như gia đình ông Nguyễn Hữu Sinh có thu nhập cao, ổn định.
Nghê nuôi ong đã giúp cho nhiều hộ nông dân như gia đình ông Nguyễn Hữu Sinh có thu nhập cao, ổn định.

Có thể thấy việc nuôi ong với những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt là dự án nuôi ong chất lượng cao được triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên đã và đang góp phần giúp người dân xoá bỏ được tập quán nuôi ong tự phát, giảm được tình hình lây lan dịch bệnh, nâng cao chất lượng mật ong. Đồng thời tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt do được đàn ong thụ phấn cho hoa. Qua đó, không chỉ tạo được việc làm với thu nhập ổn định cho người nông dân, mà còn góp phần hạn chế việc khai thác khoáng sản, khai thác rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.

Bài, ảnh: Hà Hoàng