Thứ Năm, ngày 16/01/2025 04:05 PM (GMT+7)
Xuất khẩu phục hồi, các công ty logistics trong nước "gặp thời"
2024-06-04 17:11:00
Các công ty hàng đầu trong nước ở lĩnh vực logistics đang hưởng lợi từ việc xuất khẩu phục hồi. Tổng công suất khai thác tại cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến sẽ tăng hơn 10% vào năm tới.
PMI (Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng) của ngành sản xuất Việt Nam đạt 50,3 điểm trong tháng 5, bằng với PMI tháng 4, theo công bố ngày 3/6/2024 của S&P Global thuộc công ty xếp hạng quốc tế S&P.
Trong tháng 5, số lượng đơn đặt hàng mới dành cho Việt Nam tiếp tục tăng mạnh khiến sản lượng tăng nhanh hơn, theo S&P Global.
Cập nhật đến thời điểm hiện nay, giá cổ phiếu của các công ty logistics hàng đầu trong nước như Gemadept (GMD), Cảng Sài Gòn (SGP) và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã SCS) đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng 20% của chỉ số VN-Index đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
VinaCapital kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục sau năm 2024. Theo nhận định của ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy xuất khẩu trên khắp châu Á và nhập khẩu của Mỹ tăng trưởng với tốc độ đáng chú ý (tăng 7% trong Quý 1/2024) và có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay. Trong tháng 4, số lượng đơn đặt hàng mới cho các thị trường mới nổi toàn cầu (do S&P Global công bố) đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm; trong đó số lượng đơn đặt hàng mới ở Việt Nam đạt mức cao nhất trong gần 2 năm.
Lĩnh vực logistics sẽ tiến nhanh
Đối với các công ty logistics tập trung vào thương mại quốc tế (như 3 công ty kể trên), khoảng 33% doanh thu của nhóm này đến từ việc vận chuyển hàng hóa. Các hợp đồng được ký trong giai đoạn 2020-2021 hiện sắp kết thúc. Vì vậy, VinaCapital kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu chung của các công ty đó gần như không đổi trong năm nay, dù hoạt động vận chuyển tăng trưởng mạnh mẽ và phí xử lý cảng cao hơn.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang nhìn xa hơn sự tăng giảm bất thường của giá cước vận chuyển hàng hóa và họ có niềm tin nhờ các yếu tố khác, bao gồm triển vọng tăng phí cảng do Chính phủ quy định và việc tăng công suất các cảng biển trong niềm hy vọng Việt Nam có thể trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế như Singapore, theo ông Kokalari.
Tổng công suất tại cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải cách TP.HCM khoảng 60km, dự kiến sẽ tăng hơn 10% vào năm 2025, theo chuyên gia kinh tế này.
Cụm này gồm các cảng do Gemadept, CTCP Cảng Sài gòn và các công ty logistics khác sở hữu và vận hành. Riêng Gemadept, kế hoạch của GMD là sẽ tăng gấp đôi số cầu cảng của công ty tại cụm Cái Mép - Thị Vải trong năm tới.
Ông Kokalari cho biết thêm: Công suất tại cụm cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) do một số doanh nghiệp nhà nước sở hữu và vận hành dự kiến sẽ tăng gấp 1,5 lần vào năm 2025, trong đó dự kiến sẽ tăng công suất 80% vào cuối năm nay.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang thúc đẩy "đại dự án" xây dựng cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ thuộc TP.HCM nhằm tăng sức cạnh tranh về logistics quốc tế với Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc).
Dự án sân bay quốc tế Long Thành ở Đồng Nai cũng đang được gấp rút thực hiện. Như vậy, vùng Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đang tiếp tục phát triển mạnh về logistics quốc tế cả về đường biển lẫn hàng không. Về đường bộ, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) đã được khởi công vào tháng 6/2023.
VinaCapital xác định logistics là một trong những ngành có cơ hội đầu tư triển vọng nhất. Tập đoàn đầu tư này đã tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngành logistics trong danh mục của các quỹ mở VinaCapital vào năm 2023 vì đã dự đoán được sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 (do nhu cầu của thế giới giảm) và phục hồi trong năm 2024.
Bức tranh chung về sản xuất: Sản lượng ngành tăng 2 tháng liên tiếp
Sức khỏe ngành sản xuất tiếp tục cải thiện trong tháng 5 vừa qua, giúp Việt Nam ghi nhận hai tháng liên tiếp chỉ số PMI của ngành cao hơn 50 điểm.