Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh uỷ Sơn La, đến nay, toàn tỉnh có 72.000ha tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra, xây dựng được 90 chuỗi cung ứng quả an toàn, 161 mã số vùng trồng 4.300ha cây ăn quả xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc…
Những năm gần đây, để giúp người nông dân Sơn La đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về đây đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, chủ động tìm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà.
Theo đó, từ sự mời gọi của tỉnh Sơn La, ngày 25/1/2018, tại bản Co Chàm, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, Tập đoàn TH đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến hoa quả và thảo dược Vân Hồ. Đến nay, sau hơn 2 năm xây dựng, Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động. Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ được gắn biển "Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025".
Phát biểu tại buổi lễ, bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Bắc Á Bank, người sáng lập, nhà tư vấn Tập đoàn TH True Milk, chia sẻ: "Chúng tôi cũng cam kết rằng, với nỗ lực của chúng tôi, một khi đã vượt qua được những khó khăn và thành công như Dự án ở Nghệ An, thì không có bất cứ một nơi nào trên đất nước Việt Nam hay trên thế giới mà chúng tôi không thành công về nông nghiệp công nghệ cao nữa. Bởi vì khoa học quản trị, khoa học công nghệ cao chúng tôi đã nắm trọn trong tay, chúng tôi đã ký hợp đồng và đã mời những chuyên gia hàng đầu của Israel, rồi công nghệ của Đức, công nghệ của Ý, công nghệ của Tây Ban Nha, tất cả công nghệ hiện đại nhất thế giới chúng tôi đều nắm trọn".
"Để thành công thì cả chúng tôi và chính quyền và người dân cần tiếp tục hơn nữa. Tôi có một số đề xuất là ngoài tập trung về xây dựng các vùng nguyên liệu thì cần đẩy mạnh một thế mạnh của vùng đất này nữa, đó là du lịch – du lịch vùng miền, du lịch sinh thái, du lịch trang trại… Chúng tôi không đề nghị hỗ trợ tài chính, chúng tôi muốn xin về thể chế, cơ chế chính sách để tập trung cho một số những doanh nghiệp lớn, dẫn đầu, trở thành đầu tàu, để dẫn lối trong nông nghiệp, tập trung khai thác các thế mạnh của vùng đất Sơn La – đó không chỉ là hoa quả, mà còn là thảo dược, du lịch. Như vậy, sẽ giúp mở ra một con đường đi cho dân tộc, hãy xây dựng một thể chế, những quy chuẩn trong sáng, cho doanh nghiệp được hưởng lợi, để các doanh nghiệp cạnh tranh nhau lành mạnh, để mang sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của nhân dân ta ra thế giới, để thế giới đón nhận các sản phẩm của Việt Nam với chất lượng tốt và những thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng". Bà Thái Hương nhấn mạnh thêm.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La đã gửi lời cảm ơn tới Tập đoàn TH và cá nhân bà Thái Hương đã quan tâm đầu tư dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội lớn đối với một tỉnh miền núi biên giới.
"Tỉnh Sơn La mong muốn trong thời gian tới Tập đoàn TH và cá nhân Bà Thái Hương tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án khác trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La", ông Đông nói.
Theo ông Đông, Nhà máy đi vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa lớn thúc đẩy các cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gắn với chế biến. Bên cạnh đó, Nhà máy sẽ góp phần giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh (như các sản phẩm nhãn, xoài, cam, chanh leo, sơn tra ..), tạo điều kiện cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững; gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.
"Đây là niềm vui chung của tỉnh Sơn La, nhất là với những người nông dân tại các vùng trồng hoa quả trọng điểm như huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Bắc Yên, Phù Yên. Từ nay, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ chính thức đi vào hoạt động, người nông dân nơi đây sẽ không còn nỗi lo "được mùa mất giá", hay lo về đầu ra của sản phẩm sản xuất được. Xin chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, hoan nghênh và đánh giá cao Ban lãnh đạo Tập đoàn TH Việt Nam và cá nhân chị Thái Hương. Đồng thời, gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, các bạn Isarel, Đức, Ý đã tham gia và chuyển giao công nghệ nguồn cho tập đoàn TH đưa về Sơn La. Và dự án này khẳng định là sự nỗ lực của tập đoàn TH", bà Phóng nói.
Bà Phóng cho rằng việc nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới tại Việt Nam là một bước đột phá trong nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Sơn La. Nhà máy hoạt động sẽ không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh, mà sẽ còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao để tỉnh Sơn La đưa thương hiệu hoa quả đáng tự hào của mình phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa ra thế giới. Dưới tán rừng Sơn La và các tỉnh Tây Bắc sẽ là những vườn cây ăn quả, nguồn dược liệu hiếm quý, chất lượng cao, minh chứng cho một nền kinh tế phát triển bền vững mà đầu tàu dẫn dắt là Tập đoàn TH.
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ có tổng diện tích quy hoạch là 14,03ha. Trong đó, giai đoạn 1 (đến năm 2025) là 4,9ha. Giai đoạn 2 (sau năm 2025) là 9,13ha. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.200 tỷ đồng, giải quyết 15.000ha vùng nguyên liệu, gồm các loại trái cây: Cam, nhãn, xoài, chanh leo, sơn tra. Công suất giai đoạn 1 khoảng 300 tấn rau, hoa quả, dược liệu/ngày.
Trước mắt, Nhà máy tập trung chế biến các loại quả như: Nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn, không qua xử lý nhiệt để giữ vẹn nguyên các dưỡng chất tự nhiên của rau quả.
Giai đoạn 2 của Nhà máy (sau năm 2025) sẽ tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000ha nguyên liệu. Nhà máy tập trung sản xuất xuất các sản phẩm từ nước ép trái cây - dòng sản phẩm như: Nước cam nguyên chất đóng chai, nước nhãn nguyên chất đóng chai, nước chanh leo nguyên chất đóng chai. Các sản phẩm này được đóng vào chai 500ml hoặc 1 lít.
- Về thị trường tiêu thụ sản phẩm: Trong giai đoạn 1, Nhà máy bán hàng B2B. Quy cách sản phẩm: Đóng gói tiệt trùng vào túi Bag in Box 20kg và dạng thùng phuy 220l, sản phẩm bảo quản lạnh đông - 18độ C. Các sản phẩm sẽ được bán trong nước và xuất khẩu cho các nhà máy làm nguyên liệu chế biến nước ép trái cây. Giai đoạn 2: Bán trực tiếp ra thị trường cho người tiêu dùng (bán hàng B2C). Tiêu thụ toàn quốc và xuất khẩu.
- Với kỹ thuật này, các sản phẩm sẽ được chế biến bằng áp suất cao trong thời gian ngắn thích hợp mà không dùng nhiệt, giúp lưu giữ được nhiều nhất màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của rau, củ, trái cây tươi mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi chi phí đầu tư thiết bị cao mà đến nay quy mô của công nghệ này ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung vẫn còn rất ít, chưa được ứng dụng rộng rãi.