Xây dựng lại thương hiệu đã mất
Trong câu chuyện với phóng viên, anh Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Sản phẩm gạo Điện Biên trước đây nổi tiếng, thường được làm quà biếu trong các dịp lễ tết. Nhưng những năm gần đây, vì lợi nhuận mà người dân đã dần đánh mất thương hiệu".
Để xây dựng lại thương hiệu gạo Điện Biên anh Tới cùng một số hộ dân quyết tâm thành lập hợp tác xã. Sản xuất lúa, gạo theo đúng qui trình từ khâu gieo cấy lúa, thu hoạch, bảo quản và đưa gạo vào các thị trường ngoài tỉnh. Sản phẩm gạo Tâm Sáng được "thai nghén" trong đầu chàng kỹ sư trẻ và tập thể xã viên HTX.
Theo anh Tới thì trước đây người dân đã tối đa hóa lợi nhuận, không quan tâm đến tái sản xuất. Vì thế thương hiệu gạo Điện Biên mất dần, không ít người đã quay lưng lại . Việc pha trộn gạo Điện Biên với các loại gạo khác, nhưng mang thương hiệu gạo Điện Biên được bán tại các cửa hàng đã làm giảm uy tín.
"Các anh xem tại Điện Biên, gạo tám được bán với giá 15 nghìn/kg, nhưng tại Hà Nội và các tỉnh khác, gạo tám Điện Biên cũng được bán với giá 15 nghìn/kg. Như vậy chất lượng sẽ thế nào, có bị pha trộn hay không? Thương hiệu gạo Điện Biên cũng bị mất dần do lợi nhuận của những tư thương kinh doanh không đúng quy định. Nói thì dễ, nhưng để làm được thương hiệu gạo Tâm sáng như hiện nay, chúng tôi cũng rất vất vả. Năm 2016, HTX được thành lập chỉ có 7 thành viên. Chúng tôi bắt tay vào xây dựng, củng cố cơ sỏ hạ tầng, trang thiết bị sản xuất lúa. Nhưng để có sản phẩm gạo chất lượng thì phải bắt đầu từ khâu gieo cấy lúa. Cây lúa có được chăm sóc đúng qui trình, thì mới có sản phẩm gạo ngon như mong muốn" anh Tới chia sẻ.
Xuất phát từ ý tưởng, các thành viên trong HTX bắt đầu xây dựng dự án phát triển cánh đồng lớn, liên kết sản xuất với người nông dân. Với 31ha lúa ban đầu của 98 hộ dân tham gia mô hình. Các hộ tham gia mô hình, gieo cấy phải tuân thủ theo qui trình chăm sóc của HTX đưa ra. Sản phẩm gạo được sản xuất theo chuỗi đã đem lại hiệu quả không ngờ, được thị trường ưa chuộng.
Là người khởi xướng thành lập HTX, mục đích là lấy lại thương hiệu đã mất trong lòng người tiêu dùng. Bước đầu tiên anh Tới cùng các thành viên HTX đã mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp lên Điện Biên khảo sát cánh đồng mẫu lớn của các xã viên. Lấy mẫu đất để phân tích xem các hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất thế nào để có phương pháp bù đắp các vi chất còn thiếu. Làm sao để cây lúa phát triển tốt, chất lượng gạo được thơm ngon, người tiêu dùng ưa chuộng.
Gạo Tâm Sáng khẳng định thương hiệu
Theo anh Tới, để có được thương hiệu sản phẩm như ngày hôm nay là công sức của tập thể, cán bộ HTX. Trong 3 năm, cả HTX loay hoay thử nghiệm để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, uy tín. Đến năm 2020 HTX mới hoàn chỉnh được qui trình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn.
Ngày đầu mới thành lập chỉ có 7 thành viên với 31ha lúa. Sau 4 năm phát triển đến nay HTX đã có 230 xã viên với 145ha lúa chất lượng cao đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất của HTX. "Với sản lượng lúa hiện nay, HTX không đủ cung cấp cho thị trường. Mỗi năm chúng tôi chỉ sản xuất được gần 2.000 tấn thóc, so với nhu cầu thực tế thì chưa thấm vào đâu. Trong những năm tiếp theo, khi xây dựng được thương hiệu gạo "Tâm Sáng" chúng tôi sẽ tăng diện tích gieo cấy, kết nạp thêm các xã viên" anh Tới chia sẻ.
Từ chỗ sản xuất của người dân gặp khó khăn, giá lúa bấp bênh, không ổn định. Chi phí sản xuất lớn, sản phẩm làm ra bị tư thương ép giá. Đến nay các xã viên trong HTX đã có nguồn thu ổn định, trung bình mỗi hecta, cho thu nhập từ 50 triệu đồng - 70 triệu đồng lợi nhuận/năm.
Theo anh Tới, thì sản phẩm gạo mang nhãn hiệu Tâm Sáng là gạo duy nhất tại tỉnh Điện Biên được đóng tem truy xuất nguồn gốc (mã QR). Gạo Tâm Sáng được sản xuất theo chuỗi liên kết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao. Gạo Tâm Sáng đang góp phần nâng cao giá trị thương hiệu gạo Điện Biên. "Tâm sáng là làm thật, có trách nhiệm với người dân, sản xuất đúng quy trình, xây dựng chất lượng gạo theo hướng hữu cơ; chế biến, đóng gói đảm bảo chất lượng, tăng cường liên kết tiêu thụ, coi trọng phân phối vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch..." anh Tới thông tin thêm.