Mô hình nuôi gà Lạc Thủy và nuôi lợn thương phẩm của ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình)
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" ở Hòa Bình khích lệ hội viên, nông dân vươn lên làm giàu
Thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Hòa Bình đã phát triển mạnh cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn, được cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng tham gia tích cực.
Phong trào đã lôi cuốn, khích lệ cán bộ, hội viên nông dân phát huy tinh thần yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực thi đua lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, vượt qua khó khăn thử thách, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững.
Bình quân hàng năm, phong trào thu hút trên 70.000 hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trên 35.000 hộ đạt danh hiệu ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, chuồng trại, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất và xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình điển hình tiên tiến, nhiều sản phẩm có thương hiệu.
Ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) là tấm gương điển hình trong thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo trong thôn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Sau khi ông tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do các cấp, ngành tổ chức, năm 2000, ông Lành mạnh dạn vay vốn và bắt đầu gây dựng trang trại nuôi gà Lạc Thủy.
Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn gà Lạc Thủy của ông Lành sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đến nay, trang trại của ông Lành đang nuôi khoảng 14.000 con gà Lạc Thủy.
Năm 2022, ông Lành xuất bán 20 tấn gà và hàng trăm nghìn gà Lạc Thuỷ từ 1 - 2 ngày tuổi ra thị trường. Với giá 80.000 đồng/kg, ông Lành thu cả tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 600 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, hàng năm, ông Lành còn cung cấp giống gà Lạc Thủy theo phương thức trả chậm cho từ 5 - 7 hội viên nông dân là hộ nghèo trong bản.
Tương tự, mô hình trồng nấm bào ngư hay còn gọi là nấm sò của anh Đinh Công Tuyên, hội viên Chi Hội Nông dân xóm Tình, xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình đang cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Sau khi anh Tuyên tìm hiểu, trồng nấm bào ngư chi phí đầu tư thấp, tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương và cho thu hoạch sớm, hiệu quả kinh tế cao nên anh đã quyết định trồng nấm bào ngư. Đến nay, anh Tuyên có hơn 1.500 bịch nấm bào ngư trồng bằng phôi từ nguyên liệu rơm.
Mỗi tháng anh Tuyên thu được hơn 3 tạ nấm bào ngư. Với giá bán 50.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Một năm, anh Tuyên thu nhập hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Tuyên đang vận động hội viên nông dân cùng anh thành lập HTX trồng nấm bào ngư trên địa bàn, hướng đến việc cung cấp sản phẩm vào siêu thị, tạo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đây là hai trong hàng ngàn hội viên, nông dân tiêu biểu trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình.
Hội nông dân Hòa Bình với nhiều giải pháp đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi"
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tư duy, chuyển sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản.
Nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần trực tiếp vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Lựa chọn những nhân tố điển hình để tuyên truyền nhân rộng, đồng thời làm nòng cốt để xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy nông dân khởi nghiệp.
Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nông dân như: hỗ trợ vốn, dạy nghề, giải quyết việc làm, tín dụng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; tham gia các chương trình, đề án của tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp; hưởng ứng kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng mỗi xã một sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các phong trào thi đua: "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất" góp phần sản xuất, kinh doanh giỏi, tăng năng suất lao động.
Qua đó, thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển, làm cho nông dân giàu, nông thôn đổi mới.