Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Bình Thuận, thêm nhiều hộ là tỷ phú, triệu phú

BP- NH Thứ năm, ngày 29/09/2022 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 28/9, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi lần thứ X giai đoạn 2017 – 2022. Đến dự có ông Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo sở ban ngành và hơn 150 nông dân tiêu biểu của tỉnh.
Bình luận 0

Làm mới và sửa chữa gần 290 km đường giao thông nông thôn

Theo Hội Nông tỉnh Bình Thuận, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh có 55.466 hộ đạt danh hiệu sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp.

Trong số này có 249 hộ đạt cấp Trung ương, trên 2.000 hộ đạt cấp tỉnh, 7.210 hộ đạt cấp huyện, 45.946 hộ đạt cấp cơ sở, tăng 0,2% so số hộ đạt các danh hiệu trên trong giai đoạn 5 năm trước.

Nông dân tỉnh Bình Thuận đóng góp hơn 53,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi lần thứ X giai đoạn 2017 – 2022. Ảnh: Ngọc Hân

Các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp hơn 53,5 tỷ đồng và trên 18.800 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong đó làm mới và sửa chữa 285,2 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa, sửa chữa 143,2 km kênh mương nội đồng. Bên cạnh đó, các hộ nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho trên 62.800 lao động, giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho 15.730 lượt hộ nông dân nghèo…

Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Thu hút đông đảo hội viên, nông dân và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực phát triển kinh tế hợp tác, trang trại, gia trại. Đặc biệt, nông dân đã ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh Bình Thuận, thông qua hội nghị là dịp để các nông dân cùng nhau giao lưu, học hỏi cách làm hay ở các địa phương, nhất là các biện pháp, cách thức giúp đỡ các hộ từ nghèo khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Song song đó, tăng cường hợp tác, liên kết những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của hàng hóa…

Nông dân tỉnh Bình Thuận đóng góp hơn 53,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Hân

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua dù tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, giá xăng dầu, phân bón thuốc bảo vệ thực vật tăng nhưng về tổng thể sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển. Thu nhập nông dân tăng, đời sống nông dân ngày càng cải thiện và một bộ phận nông dân vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó phong trào xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực…

“Dân số khu vực nông thôn ở tỉnh Bình Thuận còn đông, phần lớn dân cư nông thôn sống bằng sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân phát triển là nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị tỉnh nhà. Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước mà trọng tâm là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu bền vững...”, ông Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh.

Nông dân tỉnh Bình Thuận đóng góp hơn 53,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Hân

Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Một trong những người điển hình là nông dân Mã Châu Xa (dân tộc Chăm ở thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc). Xuất thân từ một nông dân nghèo khó nhưng không cam chịu cảnh đói nghèo, nên ông Xa đã học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp.

Nông dân tỉnh Bình Thuận đóng góp hơn 53,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn - Ảnh 2.

Nông dân Mã Châu Xa (dân tộc Chăm ở thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc). Ảnh: NH-BTO

Ông Xa cho biết, nhờ tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân và Câu lạc bộ Khuyến nông tổ chức, nên gia đình ông tập trung canh tác 3,5 ha ruộng chất lượng cao, cung ứng lúa giống theo đặt hàng của đối tác, cùng với đàn bò, trâu gần 15 con và trồng thêm 1,5 sào cỏ để phục vụ chăn nuôi, 300 cây mít đang phát triển tốt. Với mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi và làm dịch vụ, mỗi năm giá đình ông lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 10 người dân địa phương.

Ngoài ra, ông Mã Châu Xa còn tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, sẵn lòng hiến đất và đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và tu sửa lăng, chùa của đồng bào Chăm…

Ông Mã Châu Xa đã được Trung ương Hội nông dân Việt Nam vinh danh, tặng Bằng khen cho thành tích sản xuất kinh, doanh giỏi 5 năm, giai đoạn 2017 - 2022.

Một nông dân điển hình khác là ông Nguyễn Văn Ẩn ở thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Gia đình ông Ẩn trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bắt đầu từ năm năm 1998 chỉ 500 trụ, đến nay vườn thanh long của ông Nguyễn Văn Ẩn đã lên đến 4 ngàn trụ. Mỗi năm, với hai đợt chong đèn vụ nghịch và ba lứa thu hoạch chính vụ, giúp ông có nguồn thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Ẩn là Tổ trưởng tổ sản xuất thanh long VietGAP thôn Phú Phong với 12 thành viên tham gia canh tác khoảng 30 ha. Bên cạnh đó, ông Ẩn còn là hội viên tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đã hiến hơn 100m đất trong khu dân cư để làm đường giao thông nông thôn và lắp đặt ánh sáng an ninh cũng như tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện ở địa phương. Từ năm 2017 đến nay, gia đình ông Ẩn luôn được bình xét là hộ nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Nông dân tỉnh Bình Thuận đóng góp hơn 53,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn - Ảnh 3.

Nông dân Nguyễn Văn Ẩn ở thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Anh: NL- BTO

Một trong những người xuất khẩu nông sản tiêu biểu là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hiền ở thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân

Năm 1999 khi mới tuổi 20, chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân bắt đầu với 0,5 ha đất và 30 triệu đồng từ gia đình hỗ trợ cùng nhiều công việc đã làm, từ chở thuê nông sản, mua bán củ mì tươi, hạt điều, chở vật liệu xây dựng… đến trồng thanh long, nuôi chim bồ câu thịt, nuôi cá trê lai.

Qua gần 23 năm cần cù lao động, gia đình chị đã có cơ ngơi vững vàng với thu nhập bình quân hàng năm 2,5 tỷ đồng bằng thu mua, sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu.

Hiện tại gia đình chị Hiền có 2 nhà xưởng thu mua, sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu với sản lượng hàng trăm tấn mỗi tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động thời vụ và 60 lao động thường xuyên.

Chị Hiền tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội tại địa phương như hỗ trợ 100 triệu đồng, 2.500 m3 đất, đá sỏi và tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nội đồng, giao thông trên địa bàn dân cư. Cùng với đó, hàng năm chị còn hỗ trợ nhiều hộ dân neo đơn nghèo khó, trẻ em vượt khó học giỏi, động viên về vật chất và tinh thần để họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hiền được Trung ương Hội nông dân Việt Nam vinh danh sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 – 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem