Với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hòa nhập và phát triển”, Đại hội đã đánh giá kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (giai đoạn 2014 – 2019). Và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc đến năm 2024.
Sơn La là tỉnh vùng cao, miền núi ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, toàn tỉnh có 12 huyện, thành phố, với 204 xã phường, thị trấn; dân số trên 1,2 triệu người, với 12 dân tộc sinh sống (trong đó có 11 đồng bào dân tộc thiểu số). Hầu hết các đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen, địa bàn cư trú rộng, phân tán chủ yếu ở các xã, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán riêng song đã tự hòa hợp tạo thành nền văn hóa phong phú đa dạng bền vững trong cộng đồng các dân tộc.
Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số Sơn La đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, tự lực, tự cường vươn lên trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Công tác dân tộc và chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống đã tạo ra động lực to lớn làm chuyển biến cơ bản tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La. Cơ cấu kinh tế tại các cùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện, ổn định. Góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố thế trận quốc phòng, an ninh.
Trong 5 năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của Tỉnh ủy, UBDN tỉnh Sơn La, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, công tác dân tộc đã đạt được những kết quả quan trọng. Tổng nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án, chương trình đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số trên 5.000 tỷ đồng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, mở rộng; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng, tăng gấp 1,34 lần so với năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 25,2%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 93,8%, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%...
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới đã huy động nhân dân đóng góp đất đai, tài sản trên đất, tiền của, ngày công lao động với tổng trị giá trên 1.551 tỷ đồng, đến nay Sơn La đã có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 177 xã có đường giao thông đến trung tâm đi được 4 mùa; 1.966 bản có đường giao thông được cứng hóa từ trung tâm xã đến bản. Qua đó, đã tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước được cải thiện, nâng lên.
Phát biểu tại Đại hội, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UB dân tộc đánh giá cao kết quả của tỉnh Sơn La trong thực hiện chính sách vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt là những thành quả về công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đề nghị tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với giảm nghèo bền vững. Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc; quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng cán bộ dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số…
Nhân dịp này, Uỷ ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 20 cá nhân và 19 kỷ niệm chương; UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 80 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2014-2019.