Clip: Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 tại điểm cầu tỉnh Sơn La.
Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có lãnh đạo Sở giáo dục và đào tạo; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết: Năm học 2021-2022 là năm học mà ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.
Đây là năm học quan trọng và cũng là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, với sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể các em học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch, đảm bảo các kết quả, chỉ tiêu đề ra, chất lượng và các yêu cầu của năm học 2021-2022 đã được thực hiện.
Để ứng phó với dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngành Giáo dục đã tiếp tục chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để dạy và học trong mọi hoàn cảnh, kiên trì, tiếp tục theo đuổi và củng cố chất lượng, hoàn thành mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Trung ương. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên.
Tiếp tục tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Tiếp tục thực hiện tự chủ đại học để mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục đại học phát triển; tăng cường các điều kiện đầu tư để đảm bảo chất lượng cho toàn bộ giáo dục nói chung.
Theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022 của Bộ GDĐT, ở cấp học giáo dục mầm non, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 713/713 đơn vị cấp huyện (100%) duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 99,94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình Giáo dục mầm non đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.
Với cấp học giáo dục phổ thông, năm học 2021-2022, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trong đó có 25/63 tỉnh, thành phố được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 40% (tăng 5% so với năm học trước).
Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng lên. Năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%; tốt nghiệp trung học phổ thông của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 98,7%.
Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 98,75%. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt.
Kết thúc đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, các đội tuyển đều đạt thành tích vượt trội. Cụ thể: 39 lượt học sinh tham gia dự thi, có 37/39 học sinh đạt giải với: 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng, 5 Bằng khen.
Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế có 4/4 thí sinh dự thi đều đạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 trên thế giới; Olympic Toán học quốc tế xếp thứ 4 trên thế giới; Olympic Vật lý quốc tế xếp thứ 5 trên thế giới. Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học Quốc tế, có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42.
Toàn ngành đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Đến nay, 100% các cơ sở GDĐT đã kết nối internet tốc độ cao, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến.
Tại tỉnh Sơn La, trong năm học 2021-2022, ngành Giáo dục của tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo cho giáo dục. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 99,6%, đứng thứ 49/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2021; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dạy và học được quan tâm, đầu tư xây mới gần 390 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 72,1%...
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dành thời gian chia sẻ về những khó khăn của ngành Giáo dục trong năm qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho hay: Ngành Giáo dục không quyết định được điều kiện đảm bảo cho việc giáo dục; đó là trường lớp, biên chế và lương. Ngành Giáo dục và Bộ trưởng Bộ GDĐT không có thẩm quyền quyết định được việc này.
"Ngành Giáo dục bao giờ cũng đề ra yêu cầu là phải có đủ giáo viên, đủ trường lớp cho học sinh học ngày 2 buổi thuận tiện. Nhưng để giải quyết yêu cầu này thì Bộ trưởng Bộ GDĐT không quyết định được. Chúng ta cũng phải thông cảm cho những khó khăn của ngành Giáo dục trước yêu cầu của xã hội, nhất là một dân tộc hiếu học như Việt Nam, quan tâm đến thế hệ mai sau "Con hơn cha là nhà có phúc".
Nhân dân yêu cầu về giáo dục rất là cao. Nhưng mà giáo dục hay bất kỳ ngành nào đi chăng nữa thì phải gắn với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, mong muốn, nguyện vọng, đòi hỏi của xã hội nước ta là phải như các nước phát triển nhất...", ông Đam nói.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành Giáo dục vẫn còn rất nhiều bất cập. Chúng ta phải nhìn thẳng vào những vấn đề này để làm sao làm cho tốt hơn.
"Tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử. Không chỉ thi THPT, thi cử, kiểm tra, dạy thêm, học thêm, sách tham khảo. Bởi vì rất đơn giản là chúng ta chưa thực sự trung thực ngay trong giáo dục. Tại sao chúng ta cứ phải khổ sở trong câu chuyện tuyển sinh đại học trong nhiều năm nay, dù bây giờ đã nhẹ đi rất nhiều.
Như một số đại biểu phát biểu, nhìn lại mừng lắm nhưng tại sao mãi không được như ở các nước phát triển, phần lớn các trường đại học đều cho sinh viên vào học tự do. Bởi vì bên trong họ rất trung thực, rất khách quan. Sinh viên vào học thoải mái nhưng nếu học không được thì các giáo sư đánh giá, sinh viên lưu ban hoặc chuyển ra ngoài. Còn ở Việt nam tại sao không được như vậy, bản chất vấn đề là chúng ta chưa trung thực", Phó Thủ tướng lấy ví dụ.
Theo ông Đam, Giáo dục là một quá trình liên tục, có rất nhiều việc phải làm đi làm lại, năm nào cũng nói và vẫn phải làm; phải luôn luôn đổi mới. Tinh thần chung là tiếp tục bám sát Nghị quyết 29, đổi mới tất cả các khâu, toàn diện, căn bản.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương đôn đốc Bộ Tài chính trình Chính phủ thật sớm các văn bản cần thiết về chủ trương dùng ngân sách mua sách giáo khoa cho các cháu học sinh mượn. Cố gắng phải làm được trong năm nay.
Về vấn đề học phí, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chủ trương là không tăng học phí ở cấp học giáo dục phổ thông và tới đây sẽ thực hiện giảm và miễn. Hiện, tiểu học đã miễn học phí rồi. Bây giờ bàn đến trung học cơ sở.
Trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐT; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018; trong đó tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực GDĐT.
Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GDĐT nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong GDĐT...