Những ngày qua, phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt (PV) nhận được phản ánh của nhiều hộ dân tại tổ 2, phường Quyết Thắng về việc trại nuôi lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Dân gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân xung quanh.
Sau khi tiếp nhận phản ánh từ người dân, ngày 17/8, PV đã tìm đến tổ 2, phường Quyết Thắng để tìm hiểu tình hình thực tế.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Phi Hùng, tổ 2, phường Quyết Thắng, thông tin: Theo tôi được biết, hiện hộ gia đình bà Dân nuôi 1 con lợn nái và 8 con lợn thịt. Nhưng do nuôi lợn trong khu dân cư và không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải nên khi vệ sinh chuồng trại thường bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể: Theo ông Hùng, thời điểm mùi hôi khó chịu nhất là vào khoảng 4 – 8 giờ sáng, 11 giờ trưa và 17 – 18 giờ tối, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và sức khoẻ của nhiều hộ dân xung quanh.
Ông Hùng đề nghị cấp uỷ, chính quyền sở tại vào cuộc kiểm tra và yêu cầu chủ trại lợn có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Xác nhận với PV, ông Vương Văn Hải, Bí thư Chi bộ tổ 2, phường Quyết Thắng cho biết đã nhận được phản ánh của người dân về trại nuôi lợn của hộ gia đình bà Dân gây ô nhiễm môi trường.
"Việc chăn nuôi lợn trong khu dân cư là không được phép. Ngay sau khi nhận được phản ánh, tôi đã có ý kiến với đồng chí Tổ trưởng tổ 2 báo cáo lên phường Quyết Thắng để giải quyết kiến nghị của bà con", ông Hải nói.
Để có thông tin khách quan, PV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Dân – chủ trại lợn. Qua tìm hiểu, gia đình bà Dân có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng bà Dân bị bệnh tâm thần, con trai đang học Trường THPT Tô Hiệu. Một mình bà dân phải nuôi 3 miệng ăn.
Trò chuyện với PV, bà Dân cho biết: Việc người dân phản ánh trại lợn của gia đình gây ô nhiễm là đúng. Bởi, đã nuôi lợn thì khó tránh khỏi việc gây mùi hôi. Tuy nhiên, vì gia đình hoàn cảnh khó khăn, 2 vợ chồng không có lương. Chồng bị bệnh, con trai đang học cấp 3 nên mấy con lợn trong nhà là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Trung bình mỗi năm, xuất bán được khoảng 4 – 5 tạ lợn thịt. Nhờ đó, cũng có đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống.
Từ thực tiễn trên, PV đã có buổi làm việc với ông Đèo Văn Phong, Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La.
Theo Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng, phường đã nhận được ý kiến phản ánh của người dân về việc nhiều hộ dân nuôi lợn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, phường cũng đã nhận được văn bản chỉ đạo của tỉnh và thành phố về việc không cho chăn nuôi trong khu dân cư. Nội dung này, phường đã triển khai tới tất cả các tổ trên địa bàn để tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp hành.
"Từ giờ đến cuối năm, phường Quyết Thắng sẽ cố gắng làm sao không để có phản ánh của người dân về việc ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn trong khu dân cư", Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng nhấn mạnh.
Trao đổi thêm với PV, ông Phong cho biết: Hiện, phường Quyết Thắng vẫn còn tồn tại một số hộ dân nuôi lợn trong khu dân cư, trong đó có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Dân ở tổ 2. Phường đã chỉ đạo anh em kiểm tra, lập biên bản xử lý và ký cam kết với những hộ này. Riêng hộ bà Dân, do chồng bị bệnh, không có thu nhập nên phường rất chia sẻ. Tuy nhiên, quan điểm của phường là người dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tại buổi làm việc với PV, ông Phong cũng đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tuyên truyền, vận động hộ gia đình bà Dân chuyển đổi ngành nghề kinh doanh cho phù hợp với quy định. Đồng thời, xem xét tạo điều kiện cho bà Dân được vay vốn bên phụ nữ để làm công việc khác.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 1/1/2020 khi Luật Chăn nuôi năm 2018 chính thức có hiệu lực thi hành đã cấm các hộ kinh doanh, cá nhân tiến hành chăn nuôi nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, ngày 2/2/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Sơn La đã có văn bản số 447/SNN-CNTY&TS gửi UBND các huyện, thành phố về việc hướng dẫn căn cứ xác định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Có thể thấy, việc chăn nuôi lợn nhỏ lẻ đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, do trình độ kỹ thuật và công nghệ xử lý chất thải thấp nên gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh cũng như gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của các hộ dân quanh khu vực chăn nuôi.
Vì vậy, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Sơn La cần sớm có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này, đồng thời có phương án, hướng đi trong việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.