Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đồng chí Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vươn lên, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; dự ước có 25/28 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt trên 36.274 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm trước. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Dự kiến đến hết năm, toàn tỉnh có 88.688 ha cây công nghiệp, tăng 4,1% và 84.780 ha cây ăn quả và cây sơn tra, tăng 0,7% so với năm trước; sản lượng quả ước đạt 378.500 tấn; công nhận 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, thủy sản an toàn và 188 sản phẩm OCOP; 29 sản phẩm nông sản, thủy sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, ước tăng 19,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 35.800 tỷ đồng, tăng 14,3%; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 198 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực; tổng lượng khách đến tỉnh ước đạt 4,9 triệu lượt, tăng 7,5%; doanh thu ước đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm trước.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký trên 1.321 tỷ đồng; kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án chậm tiến độ để bổ sung cho các dự án khắc phục hậu quả thiên tai, dự án giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ nhưng còn thiếu vốn.
Đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh ổn định, tỷ lệ hộ nghèo ước hết năm 2024 còn 11,17%. Tỉnh thực hiện kịp thời công tác hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 2, 3 và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo được chú trọng, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,8%, tăng 0,12% so với năm trước; Thành phố Sơn La được ghi danh vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị và đối ngoại được tăng cường. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào tổ chức thành công Lễ khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới giữ vững, ổn định.
Sơn La đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Cũng theo đồng chí Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, năm 2025, UBND tỉnh Sơn La đề ra các 11 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, gồm:
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng.
Đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát thể chế, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Tập trung nguồn lực, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.
Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, sáng tạo.
Đầu tư phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi.
Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, trật tự.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.