Soi kết quả kinh doanh của loạt công ty cà phê sau mức giá xuất khẩu kỷ lục: Lợi nhuận phân hóa mạnh

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 05/09/2023 06:05 AM (GMT+7)
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2023 đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử, bình quân trên 2.800 USD/tấn (tăng 500 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2022). Có một số doanh nghiệp báo lãi lớn tới 42%, song cũng có một số doanh nghiệp chỉ lãi vài trăm triệu đồng, thậm chí lỗ. Vì sao có nghịch lý này?
Bình luận 0

Lãi suất tăng nhanh, doanh nghiệp không đủ vốn để gom hàng khi giá cà phê đạt đỉnh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của nước ta ước đạt 90.000 tấn. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước tính vào khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 4,9% so với tổng lượng cà phê đã xuất khẩu trong cùng kỳ năm trước. Dự báo, xuất khẩu cà phê năm nay có thể đạt hơn 4 tỷ USD.

Mặc dù lượng suy yếu, song giá cà phê xuất khẩu, đặc biệt là cà phê Robusta – chủng loại cà phê chủ lực của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh thời gian qua. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) thông tin, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, giá cà phê Robusta đã ghi nhận mức giá lên tới 2.449 USD/tấn.

Đặc biệt, giá xuất khẩu cà phê trung bình 7 tháng đầu năm nay của Việt Nam đạt tới 2.828 USD/tấn, tăng hơn 500 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục thời gian qua. Theo Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam, giá cà phê tăng liên tục là do cung không đủ cầu. Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.

Nghịch lý: Giá xuất khẩu cà phê cao kỷ lục, doanh nghiệp nói không được hưởng lợi nhiều - Ảnh 1.

Giá xuất khẩu cà phê trung bình 7 tháng đầu năm nay của Việt Nam đạt tới 2.828 USD/tấn, tăng hơn 500 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục thời gian qua.

Giá cà phê đang duy trì tại mức cao trong lịch sử, vốn là tin vui đối với nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, điều này chưa hoàn toàn đúng trong bối cảnh hiện tại khi nguồn cung cà phê nước ta đang rơi vào tình trạng khan hiếm. 

Tại một số tỉnh trọng điểm trồng cà phê thực tế cho thấy, lượng cà phê dự trữ trong nhân dân và một số doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết. Do đó, từ đợt tăng giá đột biến hồi tháng 7 và tháng 8 vừa qua, chỉ có một bộ phận số ít người sản xuất, cơ sở, doanh nghiệp chế biến được hưởng lợi từ lượng cà phê dự trữ khi giá cà phê đạt đỉnh. 

Bên cạnh việc nguồn cung bị thu hẹp do sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 giảm 10 - 15% so với dự kiến, tình trạng doanh nghiệp trong nước không đủ vốn để tích trữ và gom hàng cũng là nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu cà phê ảm đạm tại Việt Nam, tức lượng cà phê xuất khẩu giảm. 

Mặc dù nhà nước đã có các đợt điều chỉnh giảm lãi suất, giúp mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân phát sinh mới ngoài thị trường đã giảm 1%/năm so với cuối năm 2022. Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng tương đối chậm cùng với bài toán lạm phát khó giải, các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn trong việc huy động dòng vốn để gom cà phê từ nông dân. 

Đồng thời, việc lãi suất vay hiện vẫn còn ở mức cao so với thời điểm trước tháng 9/2022, trong khi giá cà phê ở mức đỉnh lịch sử cũng làm gia tăng chi phí cho hoạt động xuất khẩu cà phê. Đa phần các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam hiện nay chủ yếu nhập hàng mới từ nông dân ở mức cao sau đó xuất khẩu, nên biên lợi nhuận gộp thấp. 

Ngoài ra, sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một thách thức khi nhóm này ít chịu ảnh hưởng hơn bởi biến động lãi suất tại Việt Nam do lợi thế dòng vốn được đầu tư từ nước thứ hai. Điều này đã giúp các đơn vị gom hàng của nông dân sau khi hoạt động thu hoạch diễn ra, thời điểm giá cà phê nội địa tại Việt Nam chỉ đang dao động dưới 50.000 đồng/kg (hiện tại đang trong khoảng 65.700 - 66.600 đồng/kg).

Dù việc xuất khẩu cà phê từ các doanh nghiệp FDI vẫn được tính vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của quốc gia, nhưng những tác động thực sự về kinh tế và lợi ích mang lại cho người dân trồng cà phê trong nước vẫn còn hạn chế.

Phân hóa lợi nhuận rõ rệt giữa các doanh nghiệp cà phê

Theo thống kê các doanh nghiệp kinh doanh cà phê đang giao dịch trên sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh trong quý II/2023 vừa qua nhìn chung không có biến động nhiều so với quý I, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước có sự phân hóa. 

Thực tế, giá cà phê trong nước cũng chung xu hướng tăng mạnh của giá thế giới nên các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, họ không được hưởng lợi nhiều. 

Theo lãnh đạo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), các doanh nghiệp xuất khẩu không mua trữ cà phê như trước, mà ký hợp đồng tới đâu mua tới đó trong bối cảnh lãi suất cho vay ngân hàng ở mức cao, khả năng tiếp cận tín dụng thu mua bị hạn chế.

Nghịch lý: Giá xuất khẩu cà phê cao kỷ lục, doanh nghiệp nói không được hưởng lợi nhiều - Ảnh 2.

Dự báo, xuất khẩu cà phê năm nay có thể đạt hơn 4 tỷ USD.

Soi vào kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp cà phê cho thấy rõ xu hướng phân hóa (nhiều doanh nghiệp lãi song cũng có nhiều doanh nghiệp lỗ) đang rất rõ ràng. 

Đơn cử CTCP Vincacafé Biên Hoà (Mã: VCF), lợi nhuận 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này tăng 42%. 

Cụ thể: Vincacafé Biên Hoà ghi nhận doanh thu thuần quý II/2023 đạt 554 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận còn 141 tỷ. Nhờ có thêm doanh thu tài chính và tiết giảm các chi phí hoạt động, công ty lãi sau thuế 122 tỷ, tăng 10%. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vincacafé Biên Hoà ghi nhận doanh thu thuần 994 tỷ đồng, lãi sau thuế 195 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 42% so với cùng kỳ năm trước. 

Giải trình về kết quả kinh doanh tăng mạnh như trên trong nửa đầu năm 2023, công ty cho biết, do công ty tối ưu hóa dòng tiền đầu tư, tiết giảm chi phí hoạt động, không phát sinh khoản trích lập dự phòng vào công ty con. Bên cạnh đó, thị trường ghi nhận tăng trưởng doanh số các ngành hàng chủ lực cà phê.

Hay với cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV), công ty này cũng đã thực hiện được 77% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cụ thể: Cà phê Thắng Lợi ghi nhận doanh thu quý II/2023 đạt 182 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này nhờ vào thị trường xuất khẩu cà phê quý II có nhiều chuyển biến tích cực. 

CFV cũng là điểm sáng trong nhóm doanh nghiệp cà phê thống kê khi chuyển từ lỗ hơn 3 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước thành lãi hơn 1 tỷ đồng trong quý II/2023, chủ yếu do tăng doanh số bán hàng. Kết quả nửa đầu năm, CFV lãi 2,5 tỷ đồng, tương đương 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Cà phê Petec (Mã: PCF) cũng vậy, doanh nghiệp này đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cụ thể: Quý II/2023, Cà phê Petec ghi nhận 34 tỷ đồng doanh thu, giảm 68%. PCF báo lãi sau thuế hơn 230 triệu đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của PCF đạt 139 tỷ đồng, giảm 16%. Công ty lãi khoảng 432 triệu đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ nhưng cũng cao nhất trong vòng 4 quý trở lại đây. Kết quả này cũng giúp công ty vượt gần 120% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trong khi đó, Cà phê Phước An (Mã: CPA) lại lỗ quý thứ 8 liên tiếp. Quý II/2023, Cà phê Phước An đạt doanh thu vỏn vẹn 2 tỷ đồng, bốc hơi gần 96%. Do gia tăng các khoản chi phí, CPA lỗ hơn 3,6 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 8 liên tiếp. 

Lũy kế 6 tháng, công ty lỗ hơn 7 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 2 tỷ. Doanh thu hai quý đầu năm đạt 10 tỷ đồng, giảm 45%. Kết quả này khiến công ty mới thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi 3,5 tỷ đồng năm 2023.

Cà phê Gia Lai (Mã: FGL) còn không có nguồn thu từ bán cà phê. Cà phê Gia Lai ghi nhận tăng trưởng doanh thu 25% vào quý II lên 30 triệu đồng, với nguồn thu từ bán chanh dây, chuối (22 triệu đồng) và hợp tác kinh doanh (hơn 7 triệu đồng), không có doanh thu từ bán cà phê. Cả quý, công ty lỗ gần 3,6 tỷ, là quý thứ 6 lỗ liên tiếp. 

Nguyên nhân là trong kỳ FGL không phát sinh doanh thu từ bán cà phê, tuy nhiên lại ghi nhận 47 triệu đồng giá vốn cà phê xuất bán. 

Kết quả nửa đầu năm công ty lỗ hơn 6,4 tỷ đồng. Còn doanh thu đạt khoảng 50 triệu đồng, giảm 99% và còn cách rất xa mục tiêu hơn trăm tỷ của cả năm.

CTCP Minh Khang Capital Trading Public (Mã: CTP) thì có lãi trở lại trong quý II, song lãi rất ít. Quý II/2023, Minh Khang Capital Trading Public ghi nhận doanh thu đạt hơn 29 tỷ, tăng 2 tỷ so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, công ty chuyển từ lỗ 12 triệu đồng cùng kỳ sang có lãi gần 87 triệu đồng kỳ này. 

Theo CTP, mặc dù có những khó khăn chung của nền kinh tế, đồng thời có thách thức với ngành nghề đang kinh doanh nhưng các đối tác chiến lược vẫn tin tưởng và ủng hộ nên doanh nghiệp có kết quả khả quan và tích cực.

6 tháng đầu 2023, doanh thu của CTP đạt 29 tỷ, lãi sau thuế đạt 87 triệu đồng, giảm lần lượt 43% và 57% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty mới thực hiện được 19% chỉ tiêu doanh thu và 9% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Nghịch lý: Giá xuất khẩu cà phê cao kỷ lục, doanh nghiệp nói không được hưởng lợi nhiều - Ảnh 3.

Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 65.700 - 66.600 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 65.700 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với 66.000 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.400 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.600 đồng/kg.

Theo dự báo mới nhất của Bộ NNPTNT, nếu lượng cà phê xuất khẩu những tháng cuối năm bằng với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bằng với những tháng đầu năm, thì lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,718 triệu tấn, trị giá 4,2 tỷ USD. Đây sẽ là kỷ lục mới của ngành cà phê.

Nhằm nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, Bộ NN&PTNT và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới.

Bộ này cho biết Việt Nam hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn đến sản xuất cà phê. Vì vậy, Bộ xác định cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn ở các vùng trọng điểm, nhằm đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn quốc tế đang được triển khai trên diện tích 19.700ha tại 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông. Trong vùng dự án này có khoảng 64 HTX được hưởng thụ với 5.230 hộ dân sản xuất cà phê.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem