"Siêu" trang trại chăn nuôi lợn mọc lên như nấm ở Trung Quốc
17/05/2018 09:54 GMT +7
Được bao quanh bởi núi non tại vùng sâu vùng xa Tây nam Trung Quốc, trang trại chăn nuôi lợn hiện đại, quy mô lớn đầu tiên của Xinguangan đang chuẩn bị sản xuất lứa đầu tiên. Đến cuối năm 2018, 10.000 con lợn nái sẽ được nuôi trong hai khu trại khổng lồ trên diện tích 73ha, sản xuất khoảng 280.000 con lợn thịt hàng năm, tương đương 20.000 tấn thịt lợn.
Mở rộng hiện đại hóa chăn nuôi lợn
Trang trại quy mô lớn này, ngay cả khi so sánh với tiêu chuẩn Mỹ, là một trong những dự án chăn nuôi quy mô lớn kỷ lục sẽ được xây dựng tại Trung Quốc trong năm 2018 khi nước này chuyển đổi cấu trúc sản xuất thịt lợn từ các hộ gia đình quy mô nhỏ sang các trại nuôi lợn thâm canh, tự động hóa, giống như mô hình sử dụng rộng rãi tại Mỹ.

Một số ước tính cho rằng Trung Quốc có thể xây dựng một vài trang trại quy mô khoảng 5.000 – 8.000 con lợn nái trong năm 2018, nhiều hơn cả năm 2017, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi ngành sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới. Các trang trại lớn hơn, tiêu chuẩn hóa mạnh hơn cũng đang tạo dựng nền tảng cho một thị trường phát triển cao hơn, đặc biệt với sự kiện Trung Quốc phê chuẩn hợp đồng giao dịch lợn sống tương lai để giúp nông dân đối phó với rủi ro về giá.
Về dài hạn, công cuộc chuyển đổi này có thể đưa các nhà sản xuất thịt lợn Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cung cấp sản phẩm thịt có giá cạnh tranh, chất lượng tốt cho các thị trường khu vực. Theo ông Fang Shijun, nghiên cứu trưởng tại hãng nghiên cứu Huitong Data, dự báo thặng dư thịt lợn giai đoạn 2018 – 2020 sẽ ngày càng tăng, do sản xuất tăng trong khi nhu cầu nội địa chậm lại.
Sự can thiệp của chính phủ vào sự phát triển của ngành này còn bao gồm việc khuyến khích mở rộng vành đai sản xuất ngô Đông Bắc đồng thời hạn chế chăn nuôi tại các vùng duyên hải đông dân. Động thái này càng khuyến khích thêm hoạt động chăn nuôi thâm canh của các doanh nghiệp nông nghiệp mới, cộng với nguồn tiền từ thị trường chứng khoán và giá lợn cao kỷ lục hồi năm 2016. Từ năm 2016, gần 70 tỷ NDT (10,94 tỷ USD) đã được đầu tư vào các trang trại mới theo tuyên bố của 26 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, theo các nhà phân tích tại ZhuE.
Nhiều rủi ro kèm theo
Nhưng theo các chuyên gia, việc mở rộng nhanh chóng như vậy có thể đặt ra nhiều rủi ro. Cuộc đại tu diễn ra với hàng trăm ngàn hộ gia đình chăn nuôi nhỏ phải rời bỏ ngành do quy mô sản xuất quá nhỏ để có thể trang trải cho chi phí đáp ứng các tiêu chuẩn ô nhiễm mới. Hơn một nửa trong số gần 700 triệu con lợn xuất chuồng hàng năm đến từ các hộ chăn nuôi gia đình, với lượng giết mổ dưới 500 con hàng năm. Mặc dù nhiều gia đình đã chuyển từ chăn nuôi lợn bằng thức ăn thừa sang đậu tương giàu protein, năng suất của các hộ chăn nuôi vẫn thấp hơn nhiều so với phương Tây. Chi phí chăn nuôi lợn tại Trung Quốc trong nhóm cao nhất thế giới do nước này phụ thuộc nặng nề vào nguồn đậu tương nhập khẩu.

Chiến dịch chống ô nhiễm nông nghiệp trên toàn quốc tăng cường trong năm 2017, buộc hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi phải đóng cửa, chủ yếu do không có nguồn tài chính hoặc đất để lắp đặt các trang thiết bị xử lý chất thải. “Chúng tôi không ngờ việc triển khai lại nghiêm ngặt như vậy. Tác động là rất rõ ràng”, theo giáo sư khoa học động vật Wang Chuduan tại trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc.
Chi phí đầu tư cao, đặc biệt là dưới các luật môi trường mới như hiện nay, nông dân phải bỏ ra 30 NDT/lợn nái chỉ để xử lý chất thải, giáo sư Wang cho biết.
Ngăn ngừa dịch bệnh cũng là thách thức tại Trung Quốc, nơi các dịch bệnh vốn đã được giải quyết tại các nước khác, vẫn diễn ra phổ biến và số lượng lớn vật nuôi sống gần người làm tăng rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Một khi dịch bệnh xâm nhập vào các trang trại chăn nuôi lớn, có thể khiến hàng trăm vật nuôi bị chết hàng ngày. Ngay cả những trại nuôi sử dụng nguồn lợn nái mới cũng bị tác động bởi dịch bệnh, làm giảm nguồn cung vốn đã không đáp ứng đủ cầu. Phần lớn các trại nuôi đều thiếu lao động được đào tạo. “Chăn nuôi lợn không còn như trước đây và nông dân cần có kiến thức”.
Phần lớn nhân viên ở trang trại Xinguangan đều tốt nghiệp đại học nhưng ngay cả vậy, nhận thức về thú y vẫn rất thấp, theo nhà tư vấn thú y Hong Haozhou từ Carthage & MHJ Agritech. Thuốc không phải luôn luôn được dùng đúng cách và các biện pháp đa dạng sinh học không phải luôn tập trung vào những rủi ro lớn nhất. “Từ khía cạnh cơ sở hạ tầng thì không mấy khác biệt so với các trang trại ở phương Tây, như hệ thống cho ăn tự động, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, quạt tự động. Nhưng các vấn đề nội bộ, như thiếu hiểu biết về sự phát triển lành mạnh của lợn, lại là vấn đề lớn”- Hong Haozhou cho hay.
Hiện tại, Xinguangan đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Công nhân dành 48 giờ kiểm dịch trước khi bước vào trang trại để ngăn ngừa sự phát tán dịch bệnh và sau đó làm việc tại địa bàn nhiều tuần mỗi lần.
Lợn con từ các trại lợn nái sẽ được đưa đến các địa điểm tách biệt để vỗ béo, nhằm giảm rủi ro phát tán dịch bệnh giữa các vật nuôi, càng khiến hoạt động quản lý trở nên phức tạp hơn.