Sầu riêng Malaysia được đưa ra thị trường sớm với giá thấp
Dẫn nguồn producereport.com, thời tiết nóng ẩm gần đây ở Malaysia khiến một số quả sầu riêng chín và có mặt trên thị trường sớm hơn thường lệ. Mặc dù mùa sầu riêng thường bắt đầu vào tháng 6/2024, tuy nhiên trái sầu riêng đã rụng khỏi cây hàng ngày tại trang trại.
Mặc dù thu hoạch sớm bất thường và giá thấp, nhưng doanh số bán hàng vẫn chậm vì ít khách hàng biết đến.
Điều kiện thời tiết thuận lợi cũng cho phép các trang trại sầu riêng ở bang Pahang của Malaysia bắt đầu thu hoạch trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là cao điểm của mùa sầu riêng, thường diễn ra từ tháng 6/2024 đến tháng 8/2024.
Trong những năm gần đây, ngành sầu riêng Malaysia đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể cả về sản lượng lẫn xuất khẩu.
Năm 2022, Malaysia sản xuất 455.000 tấn sầu riêng, con số này dự kiến sẽ tăng lên 506.000 tấn vào năm 2025. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Malaysia đạt tổng trị giá 1,23 tỷ Ringgit (tương đương 260 triệu USD), tăng 168% so với năm 2019. Các dự báo cho thấy ngành sầu riêng của Malaysia sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ước tính là 7,2% từ năm 2023 đến năm 2033.
Malaysia sẽ xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc từ tháng 5?
Năm 2024, Malaysia đang nỗ lực tiếp cận thị trường sầu riêng tươi của Trung Quốc, với hy vọng đạt được điều này vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào tháng 5/2024. Gần đây, tại lễ kỷ niệm đầu tiên của Hiệp hội các nhà sản xuất sầu riêng, một biên bản ghi nhớ đã được ký kết để thiết lập một đường bay dành riêng cho sầu riêng từ Kuala Lumpur đến Trịnh Châu (Zhengzhou), thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng tươi của Malaysia.
Trước đó, tuyên bố "Malaysia sẽ xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc" được đưa ra sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia ký thỏa thuận 6 điểm về xuất khẩu sầu riêng tươi của Malaysia sang Trung Quốc vào tháng 10/2023. Phía Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro đối với loại trái cây này và cả hai bên đã đồng ý hợp tác thúc đẩy quy trình kiểm tra kiểm dịch.
Theo đó, chỉ những quả sầu riêng chín hoàn toàn mới được xuất khẩu sang Trung Quốc để đảm bảo hương vị ngon nhất cho người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có thể đặt ra những thách thức nhất định trong vận chuyển do thời hạn sử dụng của sầu riêng chín ngắn hơn.
Các thành viên trong ngành sầu riêng và Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Malaysia đã đánh giá các phương thức vận tải khác nhau, bao gồm cả vận tải hàng không và đường biển. Theo ước tính, sầu riêng có thể đến Trung Quốc trong vòng 48 giờ sau khi được thu hoạch tại trang trại nếu vận chuyển bằng đường hàng không. Khung thời gian này bao gồm thủ tục hải quan cũng như thời gian bay bốn giờ từ Kuala Lumpur đến Nam Ninh. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng phương thức bán trước cho phép người tiêu dùng Trung Quốc nhận được trái cây ngay sau khi đến Trung Quốc.
Về giải pháp đóng gói, các giải pháp hiện tại được cho là đảm bảo độ tươi của trái cây trong tối thiểu 7 ngày và tối đa 21 ngày, đồng thời mang lại cơ hội thuận lợi cho vận tải đường biển. Sau khi thỏa thuận xuất khẩu giữa hai nước được hoàn tất, ngành trái cây Malaysia có kế hoạch thiết lập quy trình xuất khẩu toàn diện cho mùa tiếp theo, thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9.
Xem xét sự hiện diện của sầu riêng tươi Thái Lan và Việt Nam trên thị trường Trung Quốc, các chuyên gia Malaysia cũng đề xuất tạo logo sầu riêng Malaysia để phân biệt sầu riêng Musang King của Malaysia với trái cây có nguồn gốc từ nơi khác.
Năm 2023, Malaysia sản xuất 455.458 tấn sầu riêng, 10% trong số đó được vận chuyển đông lạnh sang Trung Quốc, thị trường Hồng Công và Singapore. Malaysia xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ năm 2011 và sầu riêng nguyên quả đông lạnh từ tháng 5/2019.
Trước mắt, theo đánh giá, việc Malaysia xuất khẩu sầu riêng tươi, chín sang Trung Quốc có thể gây áp lực cạnh tranh nhất định với sầu riêng Việt Nam. Việt Nam đang thúc đẩy để ký với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, cạnh tranh với các nước, trong đó có Malaysia về phân khúc này cũng là để đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 02/2024 đạt 325,8 triệu USD, giảm 33,6% so với tháng 01/2024, nhưng tăng 1,4% so với tháng 02/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 815,1 triệu USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Với lợi thế về địa lý và nhiều nét tương đồng trong văn hóa ẩm thực, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024, đạt 501,4 triệu USD, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, phía Trung Quốc đồng ý mở cửa thêm cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục và xem xét mở cửa thị trường cho trái bơ, chanh leo. Điều này góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng tốc trong năm 2024, bởi trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm 61,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Xuất khẩu sầu riêng cũng đã mang về gần 116 triệu USD trong tháng đầu năm, tăng 54% so với tháng trước và tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về tỷ trọng, sầu riêng chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước với thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc. 2 tháng đầu năm 2024, sầu riêng Việt vẫn đang "một mình một chợ" tại thị trường Trung Quốc, bởi hiện không phải là mua thu hoạch trái sầu riêng tại Thái Lan và Malaysia.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 dự báo tiếp tục khởi sắc. Dư địa tại các thị trường lớn còn nhiều, cùng với đó chất lượng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. Sự hiện diện ở hầu hết thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới, mở ra nhiều cơ hội phía trước. Tuy nhiên, ngành hàng rau quả cũng cần duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc mới có thể tận dụng được cơ hội thị trường.
Được biết, không chỉ Việt Nam mà Thái Lan cũng lo ngại sẽ phải cạnh tranh trong việc xuất khẩu trái cây, sầu riêng sang Trung Quốc. Dẫn nguồn freshplaza.com, xuất khẩu trái cây của Thái Lan sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong thời gian tới, đặc biệt là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, do cạnh tranh lớn hơn.
Trong 10 tháng năm 2023, Thái Lan xuất khẩu 1,74 triệu tấn trái cây, trị giá 5,06 tỷ USD, tăng 12,7% về lượng và tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 5 loại trái cây xuất khẩu nhiều nhất là sầu riêng đạt 965.284 tấn, nhãn đạt 274.064 tấn, măng cụt đạt 245.049 tấn, xoài đạt 104.154 tấn và dứa đạt 36.618 tấn.
Thái Lan xuất khẩu trái cây nhiều nhất tới thị trường Trung Quốc, chiếm 91,6% tổng trị giá xuất khẩu trái cây; tiếp theo là thị trường Malaysia chiếm 2%; thị trường Hồng Công chiếm 1,6%; Indonesia chiếm 1% và Hàn Quốc chiếm 0,8%.
Mặc dù nhu cầu nhập khẩu trái cây tại Trung Quốc tăng, nhưng cạnh tranh xuất khẩu sẽ gay gắt hơn và đặt ra các thách thức cho các nhà cung cấp Thái Lan. Thái Lan từng là thị trường cung cấp hoàn toàn sầu riêng cho thị trường Trung Quốc, nhưng thị phần sầu riêng của Thái Lan đã giảm xuống còn 95% trong năm 2022, do Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam với thị phần chiếm 5%. Tính đến 10 tháng năm 2023, thị phần sầu riêng của Thái Lan giảm còn 70% và thị phần sầu riêng từ Việt Nam tăng lên 30%.