dd/mm/yyyy

Sản lượng tôm toàn cầu giảm, tiêu thụ của Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức cao

Dự báo sản lượng tôm toàn cầu giảm trong nửa đầu năm 2024, nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở Mỹ và Trung Quốc. Các nước cần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì và phát triển ngành tôm.

Dự báo sản lượng tôm toàn cầu giảm trong nửa đầu năm 2024

Có thể thấy, bức tranh sản xuất tôm toàn cầu đang có những biến động đáng kể, với cả cơ hội và thách thức đan xen.

Tại Ecuador: Mặc dù dự báo sản lượng tôm giảm so với năm trước, Ecuador vẫn duy trì vị thế dẫn đầu về sản xuất tôm toàn cầu. Các trang trại quy mô nhỏ gặp khó khăn do chi phí tăng cao, trong khi các trang trại quy mô vừa có xu hướng sáp nhập để tăng sức cạnh tranh. Dịch bệnh vẫn là một thách thức lớn đối với ngành tôm Ecuador, đòi hỏi các biện pháp quản lý và phòng ngừa hiệu quả.

Tại Việt Nam: Ngành tôm Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn như ao nuôi lão hóa, dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao… Dịch bệnh TPD (bệnh đốm trắng) được dự báo sẽ diễn biến phức tạp hơn, gây áp lực lớn lên sản lượng tôm. Ngành tôm Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này, như cải tạo ao nuôi, áp dụng công nghệ mới, phòng chống dịch bệnh hiệu quả...

Tại Indonesia: Sản xuất tôm tại Indonesia đang trì trệ do nhiều yếu tố, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh. Việc cải tiến kỹ thuật nuôi, đặc biệt là kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh, là rất cần thiết để ngành tôm Indonesia phát triển bền vững.

Tại Ấn Độ: Ngành tôm Ấn Độ đang có những bước tiến khả quan, dự kiến sản lượng tăng 10% trong năm nay. Chi phí sản xuất thấp nhờ mật độ thả giống thấp là một lợi thế của Ấn Độ.

Tại Thái Lan: Thái Lan tập trung vào sản xuất tôm chất lượng cao, giá trị gia tăng cho thị trường nội địa. Xu hướng sử dụng di truyền học để cải thiện giống tôm đang được quan tâm.

Sản lượng tôm toàn cầu giảm, tiêu thụ của Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức cao- Ảnh 1.

Các nước cần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì và phát triển ngành tôm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, giá tôm thời gian tới chưa rõ ràng, vì bên cạnh yếu tố nhu cầu thị trường còn tùy thuộc vào vụ chính của các cường quốc tôm như Ecuador, Ấn Ðộ, Việt Nam. Riêng Ecuador càng khó đoán định hơn do họ có thể nuôi tôm được quanh năm.

Theo ghi nhận giá tôm cuối tháng 6 tại tỉnh Kiên Giang cho thấy, tôm sú giảm từ 30.000 – 40.000 đồng/kg tùy kích cỡ so với cách đây 1 tháng. Cụ thể, tôm sú loại 20 – 30 con/kg thương lái mua với giá 250.000 đồng/kg, giảm khoảng 40.000 đồng/kg. Tôm sú 50 con/kg cách đây 1 tháng có giá khoảng 130.000 – 135.000 đồng/kg, hiện giảm còn 95.000 đồng/kg.

Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, thương lái mua giá 66.000 – 70.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 50 – 60 con/kg giá 73.000 đồng, giảm 30.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 70 – 80 con/kg giá 70.000 đồng/kg, giảm 25.000 đồng/kg.

Tương tự, giá tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre… cũng đang ở mức thấp, giảm mạnh so với đầu năm.

Nguyên nhân của việc giá tôm giảm mạnh là do nguồn cung vượt cầu theo mùa vụ. Tôm đang vào vụ mùa, thời tiết thuận lợi nên sản lượng thu hoạch lớn; cùng đó, các công ty thu mua tôm xuất khẩu giảm sản lượng. 

Hoạt động xuất khẩu tôm của DN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu thị trường chậm, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do giá cước vận tải tăng và thiếu container, căng thẳng Biển Đỏ.

Trong khi đó, giá tôm từ Ấn Độ, Indonesia, Ecuador đang chào giá thấp. Giá tiêu thụ trên thị trường thế giới vẫn thấp và tôm Ecuador tiếp tục được bán với giá ngày càng rẻ.

Không chỉ trong nước, giá tôm nguyên liệu từ các nguồn cung lớn trên thế giới đều giảm. Giá tôm nguyên liệu tại Trung Quốc giảm xuống gần mức thấp nhất trong 1 thập kỷ do sản lượng đạt đỉnh theo mùa. 

Giá tôm Ecuador, Ấn Độ cũng giảm mạnh. Nguồn cung dư thừa khiến giá bán giảm mạnh, các nhà chế biến không trả giá cao hơn vì thị trường xuất khẩu ảm đạm. 

Tại Indonesia, giá tôm nguyên liệu cũng tiếp tục giảm ở tất cả các cỡ, hiện đã giảm 10% đối với tôm cỡ 30 con và 8% đối với tôm cỡ 60 con.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, giá tôm nếu có tăng trở thì muộn nhất cũng phải tới tháng 8 khi qua vụ thu hoạch chính ở các nguồn cung trên thế giới, nhu cầu từ các thị trường tích cực hơn chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm.

5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm trong 5 tháng đầu năm ghi nhận tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực, nhất là nhu cầu từ các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có dấu hiệu tăng trở lại.

Theo VASEP, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ.

Trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD tăng 3%, tôm sú đạt trên 200 triệu USD giảm 10% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh gấp 57 lần so với cùng kỳ đạt hơn 130 triệu USD.



P.V