dd/mm/yyyy

Rộn ràng Lễ hội Gầu Tào nơi xã biên giới Dào San

Được tổ chức trong 2 ngày (3-4/2), Lễ hội Gầu Tào tại xã biên giới Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) đã thu hút hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh tới tham gia.

Lễ hội Gầu Tào được huyện Phong Thổ phục dựng lại từ năm 2006 và được duy trì hàng năm ở quy mô cấp xã, thu hút đông đảo người dân các dân tộc trong và ngoài khu vực tham dự. Năm nay, Lễ hội Gầu Tào tại xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) được tổ chức quy mô cấp huyện, với sự tham gia của 6 đoàn đến từ 6 xã: Dào San, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Mù Sang, Lản Nhì Thàng, Sin Suối Hồ - là các xã có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn huyện Phong Thổ.

Rộn ràng Lễ hội Gầu Tào nơi xã biên giới Dào San - Ảnh 1.

Một tiết mục văn nghệ trong Lễ hội Gầu Tào Lễ hội Gầu Tào tại xã biên giới Dào San (Phong Thổ, Lai Châu). (Ảnh: PV Tây Bắc)

“Gầu Tào” theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”, ở một số nơi người Mông còn gọi lễ hội theo tiếng Quan Hỏa là “Say Sán” có nghĩa là “Đạp núi”. Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch.

Theo truyền thuyết dân gian kể lại, Lễ hội Gầu Tào chỉ đơn thuần gắn liền với việc cầu tự “cầu con”. Đến nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng, lễ hội được nhân rộng trở thành lễ hội của cộng đồng. Bởi vậy, ngoài việc cầu con, còn cầu tạ trời đất, thần linh phù hộ, cầu phúc, cầu lộc cho người dân một năm mới mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ với nghi thức cúng khai hội và nghi thức hát lý mở màn, múa nhạc cụ. Phần hội diễn ra với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông gồm: thi văn nghệ, nấu thắng cố, giã bánh giầy; các trò chơi bịt mắt đánh chiêng, bịt mắt bắt vịt, ném pao, leo cây nêu và thi đấu môn thể thao truyền thống…

Rộn ràng Lễ hội Gầu Tào nơi xã biên giới Dào San - Ảnh 2.

Thầy cúng chuẩn bị lễ vật cho nghi thức cúng khai hội. (Ảnh: PV Tây Bắc)

Rộn ràng Lễ hội Gầu Tào nơi xã biên giới Dào San - Ảnh 3.

Nghi thức múa nhạc cụ trong lễ hội Gầu Tào. (Ảnh: PV Tây Bắc)

Rộn ràng Lễ hội Gầu Tào nơi xã biên giới Dào San - Ảnh 4.

Người dân thích thú khi xem phần lễ với nghi thức cúng khai hội và nghi thức hát lý mở màn, múa nhạc cụ. (Ảnh: PV Tây Bắc)

Trao đổi với phóng viên, anh Cứ A Ly, người dân xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu), cho biết: Tôi thấy rất vui và tự hào vì Lễ hội được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Lễ hội Gầu Tào không chỉ là hoạt động có ý nghĩa tâm linh, còn là dịp vui xuân bổ ích góp phần lưu truyền những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh và con người, nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông huyện Phong Thổ (Lai Châu) tới du khách trong và ngoài tỉnh.

Rộn ràng Lễ hội Gầu Tào nơi xã biên giới Dào San - Ảnh 5.

Lễ hội Gầu Tào tại xã biên giới Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) đã thu hút hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh tới tham gia. (Ảnh: PV Tây Bắc)


Rộn ràng Lễ hội Gầu Tào nơi xã biên giới Dào San - Ảnh 6.

Trò chơi bịt mắt đánh chiêng khiến du khách và người dân thích thú. (Ảnh: PV Tây Bắc)

Rộn ràng Lễ hội Gầu Tào nơi xã biên giới Dào San - Ảnh 7.

Trò chơi ném pao...

Rộn ràng Lễ hội Gầu Tào nơi xã biên giới Dào San - Ảnh 8.

... và trò chơi bịt mắt bắt vịt trong phần Hội. (Ảnh: PV Tây Bắc)

Lễ hội Gầu Tào là dịp để người dân các dân tộc cùng giao lưu văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết, đồng thời là nơi để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng làng bản. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua Lễ hội nhằm giới thiệu, tôn vinh và quảng bá giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc huyện Phong Thổ với du khách trong nước và quốc tế.


Thanh Ngân - Phạm Hoài