Ra đi và trở về làng…

Trần Đăng Tuấn (nhà báo) Thứ ba, ngày 13/02/2024 12:34 PM (GMT+7)
Chúng tôi dừng bước trước ngôi nhà tầng đồ sộ, kiểu cách, có vị trí nổi bật ở ngã ba đường thôn.
Bình luận 0

Người bạn địa phương nói: "Nhà này là của người đi Anh đấy". Chúng tôi ghé vào. Chủ nhà – một phụ nữ tuổi chừng 45 bước ra tiếp. Nhà rộng, mọi cái đều sáng bóng, đồ gỗ đỏ au. Các bộ đồ sứ để uống trà sạch bong, dường như để bày hơn là dùng để pha trà.

1. Trên nóc tủ trà là bức ảnh ông bố và con trai lớn chụp chung. Đó là chồng và con trai chủ nhà. Lấy nhau, sinh con, vợ chồng làm lụng đồng áng. Vất vả và nghèo. Rồi chồng sang được Anh theo một đường dây dẫn dắt người sang "trồng cỏ". Tháng năm trôi qua, tiền thì về nhiều, nhưng người thì không thể về. Vì nhập cư trái phép, nếu về thì không quay sang được, mà như vậy thì quá tiếc, vì chịu khó trụ lại thì kiếm được quá nhiều tiền. Đứa con trai lớn lên, cha tìm cách đưa con sang. Ở nhà chỉ còn người vợ. Cái nhà to đẹp này dựng nên, người chồng cũng mới biết qua ảnh chụp. Giả sử ngày nào đó trở về, có khi ông khó nhận ra là nhà mình.

Chị ở nhà, thời gian đầu vẫn đồng áng vườn tược, nhưng là theo thói quen thôi. Tiền về nhiều, việc làm lụng trồng cấy thành vô lý. Vả chăng, chỉ loay hoay nhận và giữ tiền, rồi theo lời chồng nhắn lo dựng nhà, mua sắm, cũng đã vất rồi. Bây giờ mọi cái đã xong, thì cũng không còn thói quen làm vườn làm ruộng nữa. Nhà cửa cũng không còn vẻ nông thôn nữa. Sân trước sân sau chỉ trồng hoa kiểng. Nhà sạch đẹp quá, trong nhà ngoài sân cái gì cũng sáng bóng, nên cũng không nuôi chó nuôi gà gì nữa. Một căn nhà cái gì cũng có, cái gì cũng đúng để là ngôi nhà đẹp sang. Nhưng quá im ắng, quá gọn ghẽ, quá sạch. Như thể quyển sách đẹp được bày ngay ngắn chứ không có dấu hiệu là để người ta giở ra đọc.

Ra đi và trở về làng…- Ảnh 1.

Biệt thự, nhà cửa sang trọng mọc san sát như ở phố tại xã Đô Thành. Ảnh: B.N.A

Nghe kể thì chồng cũng nhiều bận muốn về với vợ, với quê lắm. Nhưng về thì tiếc. Giam mình vào nhà kín, một vụ "cỏ", lại một cục tiền. Lại tính cố thêm vụ nữa. Rồi lại vụ nữa… Móc nối con trai sang, nghĩ là con sang bố về, nhưng lại cố thêm, cố thêm…

Cứ thế tháng năm trôi đi.

Nhưng mà là bao năm đã trôi đi? Đến lúc đó là 17 năm rồi! (anh bạn địa phương dẫn đi nói: Đây chưa phải "kỷ lục" người đi lâu nhất đâu!)

Ngày hôm ấy chúng tôi đi lại dọc đường đó nhiều lần, tình cờ trưa thấy chị chủ ngôi nhà nọ đi ra bờ con mương thủy lợi chảy qua gần nhà. Có chỗ phụ nữ tụ tập giặt giũ như là một bến nước nhỏ. Chúng tôi thấy chị tán chuyện với họ. Dĩ nhiên rồi, chị đâu phải đi giặt. Khi vào nhà chị, chúng tôi đã thấy cái máy giặt đắt tiền. Chiều tình cờ thấy chị ở sân bóng chuyền. Nhưng vẫn mặc bộ váy áo chỉn chu như buổi sáng.

Tôi hình dung rồi ngày nào đấy, có thể là 1 hay 2 năm nữa, mà có thể 5 hay 10 năm nữa, người đàn ông kia sẽ từ Anh về. Vợ chồng sum họp. Họ là những người rất giàu có rồi. Sự giàu có đó đổi bằng sự anh ấy rời đi khi có người vợ trẻ, và quay về thì vợ đã tóc bạc. Đổi bằng cái sự: anh - người đàn ông của đất trời nông thôn đầy nắng gió - đã qua phần quý nhất của đời trong những khu nhà bí mật kín mít.

Và còn sự đánh đổi nữa: Nếu còn sức, còn ý muốn gắn bó với quê nhà, họ sẽ phải bắt đầu làm quen lại với đất, với những nếp sống và hương vị của cuộc sống của những người sinh ra, lớn lên từ mảnh đất quê.

Rồi sau nữa, đứa con trai cũng sẽ về sau khi "làm" ra rất nhiều, rất nhiều tiền. Làm con nhà nông thì chắc không rồi, còn làm gì thì không dễ ngay được. Bởi lớn lên thì kiếm tiền bằng cách duy nhất là trốn trong các bức tường bí mật. Thời gian tiếp xúc với bên ngoài chỉ là giữa hai vụ "canh vườn cỏ". Cái duy nhất mà người con trai - mà khi đó cũng có tuổi rồi - có để bắt đầu cuộc sống ở nhà là tiền, rất nhiều tiền. Tất nhiên có tiền là một thuận lợi lớn, nhưng mà biết bao cái đã đứt cần nối lại để sống với đất quê. Những cái khác - như sự học hành -thì đã muộn.

Ra đi và trở về làng…- Ảnh 2.

2. Vùng đất chúng tôi đến trong chuyến đi này là nơi có số lượng người đi ra nước ngoài bằng con đường không hợp pháp để mưu sinh rất nhiều. Trong đó, rủi ro nhất mà kiếm tiền nhanh nhất là "trồng cỏ". Nghe hướng dẫn của người bạn địa phương, chúng tôi nhanh chóng học cách "đọc" ra vùng nào người ta đi sang xứ nào. Những thôn nhà đẹp nhà to vừa phải, là sang các nước khu vực Đông Âu hay các nước Trung Âu. Nơi nhà cửa to đẹp nhất là những thôn người ta theo dây sang Anh.

Chúng tôi về xã có nhiều người sang Anh nhất, gặp người được giới thiệu là "khá đặc biệt". Hàng chục năm trồng cỏ bên Anh, hai lần bị lộ, cảnh sát giữ, nhưng không tra ra được quốc tịch để trả về. Cả hai lần bằng cách nào đó trốn thoát và ở lại. Lần thứ ba - cũng là lần cuối - thì tự lộ thân phận để về. Có phần không ham kiếm thêm tiền nữa, nhưng phần nhiều do không chịu nổi tù túng của công việc "trông vườn", và muốn về nhà vì không nén thêm được nữa.

Người đàn ông trung niên đó đợi chúng tôi đã lâu tại quán cà phê. Khác với đa số những người trở về từ việc "trông cỏ", anh rất cởi mở và ham kể chuyện. Câu chuyện chục năm "trồng cỏ" của anh đầy ắp những chuyện rất thật mà cũng khó hình dung được, đủ để viết cả thành tiểu thuyết!

Quán cà phê chúng tôi ngồi nằm ở trung tâm xã. Nó chẳng giống hầu hết các trung tâm xã trong cả nước, bởi vì quá đậm chất phố phường. Nghe đâu riêng trung tâm xã này có tới quãng 150 quán ăn uống, mà luôn đông khách. Nhiều biệt thự cầu kỳ - thậm chí khó thấy ở nhiều thành phố. Chất thôn dã hầu như không còn. Thay vì những bữa cỗ quê nhộn nhạo hồn nhiên, giờ người ta có lễ, giỗ lại hẹn nhau ra nhà hàng.

Người đàn ông nói chuyện với chúng tôi - những người lạ gặp lần đầu - vui vẻ như thể chờ có dịp để được tâm sự. Nhưng tôi đọc thấy dường như anh có điều gì đó như là bế tắc, không biết dùng thời gian và sức lực vào việc gì. Tiền bạc nhiều rồi, nên khó quay về công việc nhà nông. Sống cách khác không gắn với trồng cấy thì lại chưa biết. Hầu như cứ 15 phút anh lại nhắc lời mời chúng tôi về ở nhà anh dăm bữa. "Nhà em có cả hầm rượu, các bác về không khác ở Thủ đô đâu!". Khi chúng tôi cuối cùng vẫn rời đi, thì anh có vẻ buồn thật sự, khiến tôi có chút ngạc nhiên.

Rồi tôi cũng lờ mờ cảm nhận là người đàn ông ấy lúng túng trong quãng đời từ nay của mình. Anh có hầm rượu nhưng chưa biết hay chưa thể quen cách sống của những người khá giả ở thành phố trong ngôi nhà có hầm rượu. Ra đi là chàng trai chân đất, trở về anh là người giàu có. Còn quãng giữa chỉ là những tháng năm giam mình trong "vườn cỏ" bí mật kín mít. Có lẽ trong sâu thẳm anh vẫn là người của những niềm vui gắn với đồng quê. Nhưng tiền đã có nhiều quá, trở lại với đồng quê không dễ.

3. Nguyên do chuyến đi về vùng đất này của chúng tôi là cơn chấn động vì vụ 39 người tử nạn trong container trên đường sang Anh.

Ở vùng này, những người trở về từ cuộc mưu sinh xa xứ ít lời khi câu chuyện gợi về vụ 39 người. Đến lúc thân tình hơn, có người mới nói nhỏ: "Họ không may thôi. Chứ họ đi trong container vẫn là đi kiểu sang đó!". Thì ra đó không phải kiểu đi liều lĩnh nhất.

Theo lời mách, chúng tôi tìm gặp một người. Anh đã sang Anh theo cách khác - cách của người không có đủ tiền để ngồi trong xe hay trong container, đó là bám vào gầm xe: "Cũng đã được mách chọn điểm gầm xe treo người vững nhất, an toàn nhất rồi. Khi xe mới chạy thì thấy bụi và gió rét chút thôi. Nhưng càng đi thì càng kinh khủng. Bụi cát và những hạt đá nhỏ cuốn lê, luồn vào quần áo, găm vào da đau hơn là kim chọc. Gió bụi không thở nổi, người đau nhức, nhiều lúc đã định buông người xuống chết để thoát khỏi bị tra tấn. Xe dừng rồi, đến nơi rồi, không bò đi nổi. Không biết mình có còn sống không".

Anh mời về nhà anh chơi. Đó cũng là ngôi nhà khang trang. Tầng trên cùng có những phòng ngủ đẹp mà không dùng vào việc gì cả. Nhưng cái khác là nhà nhộn nhịp vợ con, cháu… ra vào. Trước sân nhà không phải là những cây hoa kiểu cách hiu quạnh, mà là một ao kè xi măng lớn nhưng gọn sạch, nuôi cá và ba ba. Ngoài ngõ xe ùn ùn chở phân bón và đất màu. Bên cạnh có khoảng đất rộng đang cải tạo. Đằng sau nhà rau cỏ xanh mướt, chuồng trại vang tiếng gà tiếng lợn. Người đàn ông gần chục năm giam mình trong các "vườn cỏ" bí mật dưới ánh sáng đèn điện kích "cỏ", giờ trở lại là ông chủ cắt đặt việc trồng cấy chăn nuôi.

Bữa cơm tối hôm ấy chúng tôi hào hứng dự, sau khi cùng gia chủ câu vớt cá và ba ba dưới ao nhà, bắt gà từ chuồng, hái rau từ vườn, rượu hàng xóm mang sang góp vui. Vẫn biết để có đồng vốn để quay về làm ăn là một quãng đường mà ta nghĩ chắc không nên liều lĩnh đi, nhưng dẫu sao ở đây là bữa ăn có từ nuôi cấy ruộng vườn của gia đình họ. Ấm áp câu chuyện đứa con sau sẽ đi học đại học, đứa cháu của con lớn được nuôi dạy không kém nhà có của ở thành phố, rồi những tranh luận trong nhà về làm lụng, mở thêm trang trại…n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem