Thứ Sáu, ngày 14/02/2025 01:37 PM (GMT+7)
Quỳnh Nhai dồn lực hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới
28/12/2024 07:35 GMT +7
Chuyển mình từ một huyện miền núi còn khó khăn, Quỳnh Nhai (Sơn La) đã có nhiều bứt phá trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đây là đơn vị cấp huyện thứ 2 sau thành phố Sơn La được tỉnh Sơn La chọn phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Nâng cao đời sống của người dân từ xây dựng huyện nông thôn mới
Quỳnh Nhai là huyện thuộc vùng lòng hồ thủy điện với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, thực hiện các kết luận của Tỉnh ủy, của Ban Chỉ đạo về xây dựng huyện nông thôn mới, Quỳnh Nhai đã huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới theo lộ trình đề ra.
Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn của huyện Quỳnh Nhai luôn được chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư. Trong năm 2024, huyện Quỳnh Nhai đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hơn 60km đường giao thông nông thôn, các tuyến đường xã, liên bản, đường nội đồng; triển khai đầu tư hoàn thành nâng cấp, sửa chữa 14 công trình thủy lợi, kênh mương trên địa bàn…
Cũng trong năm nay, Quỳnh Nhai triển khai dự án điện nông thôn cho 70 hộ dân tộc thiểu số và miền núi tại các xã Cà Nàng, Chiềng Khay, Nặm Ét; cung cấp điện cho 13 hộ dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số còn khó khăn, đặc thù trên địa bàn xã Mường Sại. Phối hợp với Sở Công thương triển khai dự án cấp điện khu tái định cư Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại nông thôn tiếp tục được đầu tư, sửa chữa. Quỳnh Nhai đã hoàn thiện hệ thống Đài Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - Viễn thông đối với 7 xã (Mường Chiên, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Mường Giôn, Mường Giàng, Chiềng Bằng, Chiềng Khoang). Đến nay, cơ sở hạ tầng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân.
Các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế cũng được đầu tư phát triển. Toàn huyện có 35/38 trường mầm non, phổ thông công lập được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La công nhận đạt chuẩn quốc gia từ mức độ 1 trở lên, trong đó có 6 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt.
Đặc biệt, nhằm nâng cao tiêu chí thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, Quỳnh Nhai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Hiệu quả từ những giải pháp này đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai phát triển. Cơ cấu nông nghiệp huyện chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khai thác tiềm năng lợi thế, địa phương. Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện hiện có 1 liên hiệp hợp tác xã, 57 hợp tác xã đang hoạt động trên các lĩnh vực. Quỳnh Nhai có 4 sản phẩm OCOP 3 sao là chả cá sông Đà, gạo nếp tan Chiềng Khoang, tinh dầu sả và cá sông Đà cất đông, đang xây dựng 2 sản phẩm OCOP năm 2024 là cam Nặm Ét và xúc xích cá.
Năm 2024, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, các xã nông thôn mới đã đảm bảo thu nhập bình quân đầu người trên 45 triệu đồng, 3 xã nông thôn mới nâng cao của huyện đã đạt trên 55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,1%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,8%.
Tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2025
Trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, phong trào xây dựng nông thôn mới được lan tỏa sâu rộng đến từng xã, bản. Tích cực hưởng ứng phong trào, bà con bản Púm, xã Pá Ma Pha Khinh đã chủ động hiến đất mở đường, góp ngày công, phấn đấu đạt bản nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Ông Lò Văn Thanh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Púm chia sẻ: Bản Púm là bản tái định cư theo dự án của Thủy điện Sơn La. Bản có 98 hộ với 513 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Kinh tế của bà con phụ thuộc chủ yếu vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Thời gian qua, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, bà con bản Púm đã tình nguyện hiến đất, mở đường, đóng góp 500 ngày công tu sửa, nâng cấp, làm đường nội bản, hệ thống mương nội đồng. Bản đã lắp camera an ninh và hệ thống điện chiếu sáng. An ninh trật tự trong bản được đảm bảo, bà con tập trung phát triển sản xuất.
"Hiện bản Púm chúng tôi chỉ còn 3 tiêu chí cần hoàn thành để được công nhận bản nông thôn mới nâng cao. Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, phấn đấu đạt bản nông thôn mới nâng cao, tôi và Ban Quản lý bản sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tham gia các hoạt động, phong trào của xã, huyện. Riêng về kinh tế, bản Púm dự kiến sẽ phát triển thêm mô hình nuôi cá lồng sông Đà thành mô hình kinh tế điểm", ông Thanh cho hay.

Với sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, huyện Quỳnh Nhai đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Năm 2024, huyện có 7 xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024; 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đang lập hồ sơ đề nghị thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Về kết quả xây dựng huyện nông thôn mới, ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai thông tin: Quỳnh Nhai đã đạt 4/9 tiêu chí về giao thông; thủy lợi và phòng, chống thiên tai, điện, hệ thống chính trị – an ninh trật tự – hành chính công. Hiện huyện còn 5 tiêu chí chưa đạt chuẩn là về quy hoạch, y tế – văn hóa – giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống.
Hướng tới hoàn thành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, lập hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, Quỳnh Nhai tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ tránh đầu tư dàn trải hoặc hỗ trợ phát triển sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến sử dụng nguồn vốn không hiệu quả. Huy động đa dạng các nguồn vốn, nhằm phát huy tối 20 đa các nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng nông thôn mới.
Thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt chú trọng đến tổ chức lại sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của huyện.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Chương trình, nhất là trong việc sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước; việc huy động nguồn lực của người dân và chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực đầu tư.