Những ngày này, đi trên con đường liên xã Quang Huy – Huy Tân vừa được nâng cấp, ai cũng cảm nhận được sự thoáng đãng, rộng rãi, phẳng phiu. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Công Tuấn, bản Puôi 2, xã Huy Tân phấn khởi cho biết: Gia đình tôi kinh doanh dịch vụ ở ngay mặt đường. Trước đây, con đường này xuống cấp, mặt đường gồ ghề, lồi lõm. Nhất là vào mùa mưa, nước đọng ở các ổ trâu, ổ gà bắn lên tung tóe khiến việc đi lại rất bất tiện.
Sau khi được nâng cấp, con đường này đã làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn ở nơi đây. Trong quá trình thi công, hầu hết các hộ dân 2 bên đường đều tự nguyện hiến đất, dịch tường rào để có đường thông, hè thoáng. Mặc dù ngôi nhà đã được xây dựng kiên cố nhưng khi được cán bộ xã, bản tuyên truyền vận động, gia đình tôi đã lùi vào 1,3 m để tuyến đường được rộng hơn, thẳng hơn. Giờ thì đi lại rất thuận tiện, bụi giảm đi đáng kể.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường Quang Huy - Huy Tân nối Quang Huy với các xã: Huy Tân, Tân Lang, Mường Do, Mường Bang đã tạo thành trục đường huyết mạch, rút ngắn thời gian đi lại giữa các xã vùng Huy và vùng Mường của huyện Phù Yên. Qua đó, tạo điều kiện cho việc đi lại, vận chuyển, giao thương hàng hóa giữa các vùng thuận lợi hơn.
Ngoài tuyến đường liên xã vừa được nâng cấp, trong 2 năm qua, xã Huy Tân cũng được nhà nước quan tâm đầu tư cứng hóa các tuyến trục chính từ xã đi các bản đạt 100%. Đường liên bản, nội bản cũng cơ bản được cứng hóa theo phương châm " Nhà nước và nhân dân cùng làm", tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Năm 2019, Huy Bắc là 1 trong 3 xã của huyện Phù Yên dồn lực để đạt chuẩn NTM. Tiêu chí số 2 về giao thông vẫn là tiêu chí khó khăn chung của các cơ sở do nguồn vốn đầu tư lớn. Xác định tầm quan trọng của đường giao thông nông thôn, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, huyện Phù Yên đã tập trung sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường trung tâm xã và từ trung tâm xã đi các bản.
Bà Vì Thị Kếp, Chủ tịch UBND xã Huy Bắc cho biết: Bằng các nguồn lực của nhà nước và phát huy nội lực trong dân, xã Huy Bắc đã đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Tỷ lệ đường xã và đường từ trung tâm đến các bản được nhựa hóa và bê tông hóa 100%, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Tỷ lệ đường trục bản và đường liên bản, liên xã dài 32,8 km đã được bê tông hóa 24,4 km, đạt gần 74,3%. Tỷ lệ đường ngõ xóm được cứng hóa 8/8,51 km, đạt trên 94%, đảm bảo sạch, không lầy lội và mùa mưa. Đặc biệt, tuyến đường giao thông từ bản Phố 1 đến bản Nà Phái 2 dài hơn 1 km vừa được cải tạo nâng cấp trong năm 2 năm 2019 và 2020 đã tạo nên một diện mạo mới cho xã Huy Bắc.
Theo Chủ tịch UBND xã Huy Bắc, tuyến đường này trước đã được đầu tư nhưng do thời gian và tác động của môi trường, sự gia tăng của các phương tiện giao thông nên đã xuống cấp trầm trọng. Với tổng mức đầu tư 2,75 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cộng với nhân dân đóng góp và từ một số nguồn vốn khác, tuyến đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng với bề rộng nền đường 7 m, chưa kể rãnh, bề rộng mặt đường 5,5 m, đổ bê tông dày 15cm. Tuyến đường được cải tạo, nâng cấp đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong xã.
Ông Hà Văn Định, bản Phố hồ hởi bảo: Gia đình tôi định cư ở đây đã nhiều năm, chứng kiến sự "thay da đổi thịt" từng ngày trong bản, trong xã bà con chúng tôi rất phấn khởi. Nhất là đường giao thông được nhà nước đầu tư xây dựng đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống sinh hoạt cũng như thu nhập của người dân. Khi tuyến đường đi qua nhà tôi được nâng cấp, gia đình đã tự nguyện hiến đất để mở rộng nền đường. Bởi làm đường là làm cho mình đi, mình cũng nên có trách nhiệm đóng góp một phần nhỏ với nhà nước.
Ông Lường Văn Hiệp, trưởng bản Phố chia sẻ: Từ khi tuyến đường mới được sửa chữa, nâng cấp rộng rãi, phong quang sạch đẹp, người dân ai cũng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Bản Phố đã tổ chức họp dân đưa vào quy ước, hương ước của bản quy định rõ việc giữ gìn, bảo vệ công trình chung. Ai dắt trâu bò đi qua cũng phải cầm theo xẻng để tự dọn phân phóng uế ra đường. Chính vì vậy tuyến đường mới luôn rất sạch sẽ, thoáng đãng.
Tường Phù là xã vùng 3 của huyện Phù Yên nên gặp nhiều khó khăn về đường giao thông nông thôn. Đặc biệt tuyến đường liên bản Bùa Chung đi Bùa Hạ dài 3 km trước kia là đường đất, mỗi khi trời mưa thì việc đi lại của người dân cực kỳ vất vả vì nếu đi xe chủ yếu phải dắt, đi bộ thì bùn ngập gần đến bắp chân.
Trong giai đoạn 2018 - 2019, tuyến đường này đã được đầu tư mới với tổng vốn trên 8 tỷ đồng, nền đường đổ bê tông dày 14 cm, rộng 3,5 m. Từ đó đã giải quyết được bài toán về tiêu chí giao thông của xã. Năm 2020, khi Tường Phù được lựa chọn về đích nông thôn mới, huyện Phù Yên đã tập trung lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư mới, nâng cấp các tuyến trục chính từ huyện đến xã và từ xã đến các bản. Đến nay, xã Tường Phù đã đạt tiêu chí số 2 về giao thông với 7 tuyến liên xã và trục bản dài trên 5 km được bê tông hóa, đạt 100%; đường ngõ xóm bê tông hóa đạt 76%.
Trao đổi với PV, ông Đinh Đức Thắng - Giám đốc Ban quản lý ĐTXD huyện Phù Yên cho biết: Khi đơn vị được UBND huyện giao nhiệm vụ thực hiện các dự án đường giao thông trên địa bàn, ngay từ bước khảo sát, tư vấn, Ban đã lựa chọn những đơn vị có đủ năng lực, uy tín để khảo sát, tư vấn thiết kế, báo cáo kỹ thuật. Bên cạnh đó, các nhà thầu có đủ năng lực tài chính, nhiều kinh nghiệm trong thi công đường giao thông cũng được lựa chọn để thi công các tuyến đường do Ban làm chủ đầu tư.
Theo ông Thắng, trong quá trình thực hiện các dự án, lãnh đạo Ban đã giao nhiệm vụ cho cán bộ kỹ thuật bám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công cũng như chất lượng công trình. Những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Ban đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền vận động người dân nơi có tuyến đường đi qua cùng với các nhà thầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, do đó, các công trình cơ bản đạt và vượt tiến độ theo quy định.
Trong 2 năm 2019 và 2020, huyện Phù Yên đã huy động các nguồn vốn để thực hiện 22 dự án đường giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư trên 121 tỷ đồng. Trong đó Nhà nước đầu tư 120 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 1,2 tỷ đồng. Trong số 22 dự án, có 1 dự án rải nhựa đường Suối Tre xã Tường Phong đi Nam Phong dài trên 32 km, bê tông hóa 21 dự án với tổng chiều dài gần 96 km.
Giám đốc Ban quản lý ĐTXD huyện Phù Yên cho biết thêm: Đến thời điểm này, toàn huyện mới có gần 30% tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa; có 8/26 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Mục tiêu trong nhiệm kỳ đại hội khóa XX của đảng bộ huyện phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 50% đường giao thông được cứng hóa.
Thực hiện mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đồng bộ, trong những năm tới, huyện Phù Yên tiếp tục huy động và lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án; triển khai, thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, các dự án giao thông sẽ ưu tiên thực hiện ở 15 xã vùng 3, 1 xã an toàn khu và 15 bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Nhờ đó, sẽ cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn toàn huyện.
Có thể khẳng định, việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, hoàn thiện kết cấu hệ thống giao thông nông thôn được huyện Phù Yên coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu an sinh xã hội của nhân dân. Tin tưởng rằng, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua sẽ làm nền tảng vững chắc, tạo động lực thúc đẩy để Phù Yên tiếp tục có những bước phát triển nhanh về đường giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế huyện, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Phù Yên.