dd/mm/yyyy

Phú Ninh chuyển mình, đổi thay mạnh mẽ nhờ các dự án trọng điểm

Mặc dù, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Phú Ninh (Quảng Nam) năm 2021 gặp những khó khăn, bất lợi do tình hình dịch Covid-19, thiên tai gây ra nhưng vẫn phát triển ổn định, tổng giá trị sản xuất tăng 10% so với năm 2020. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46,9 triệu đồng/năm, cao hơn năm trước 3,8 triệu đồng.

Đổi thay nhờ các dự án trọng điểm

Phú Ninh là một trong những huyện đồng bằng thuộc vùng kinh tế động lực của tỉnh Quảng Nam, với 10 xã, 1 thị trấn, có tổng diện tích tự nhiên hơn 25.150ha. Trong năm 2021 huyện đã đã tiếp nhận, đề xuất 8 dự án đầu tư sản xuất; 3 đề xuất tiếp cận nghiên cứu khu, cụm công nghiệp, 14 dự án nhà ở thương mại dịch vụ...

Huyện cũng đã trình UBND tỉnh thống nhất chủ trương triển khai lựa chọn nhà đầu tư Khu công nghiệp Phú Xuân giai đoạn 1 theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. Lập thủ tục trình tỉnh mở rộng cụm công nghiệp Đồi 30 (40,38ha); trình tỉnh phê duyệt danh mục thu hút đầu tư Cụm công nghiệp Hòa Bình (50ha); phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 giai đoạn 2 cụm công nghiệp Chợ Lò; điều chỉnh quy hoạch 1/2000 cụm công nghiệp Phú Mỹ; điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 cụm công nghiệp Đồi 30; triển khai lập quy hoạch cụm công nghiệp Tam Dân (44,0ha)...

Phú Ninh chuyển mình  - Ảnh 1.

Gạo là 1 trong những sản phẩm chất lượng được gắn sao OCOP của nông dân huyện Phú Ninh sản xuất. Ảnh: Trương Hồng

Phú Ninh chuyển mình  - Ảnh 2.

Phú Ninh cũng đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và lập thủ tục thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Trong năm cấp phép kinh doanh mới cho 253 hộ, 8 hợp tác xã. Phê duyệt điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn huyện đến năm 2023.

Nhờ vậy, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 7.100 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch đề ra và tăng 10,13% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46,9 triệu đồng/năm, cao hơn năm trước 3,8 triệu đồng. Về tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 1.156 tỷ, đạt 100,51% kế hoạch, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trồng trọt, lâm nghiệp đạt 514 tỷ đồng; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt 642 tỷ đồng.

Đối với việc xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Phú Ninh tiếp tục thực hiện kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu. Qua đánh giá, đến nay 9/10 xã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM theo Quyết định 756 của UBND tỉnh; huyện đạt 8/9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 19 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Hiện có 43 hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động trên địa bàn. Các sản phẩm OCOP được duy trì, từng bước mở rộng thị trường.

Nâng cao đời sống cho người dân

Ông Huỳnh Xuân Chính - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: "Nhìn chung, tình hình KTXH của huyện năm 2021 mặc dù gặp những khó khăn, bất lợi do tình hình dịch Covid-19, thiên tai gây ra nhưng vẫn phát triển ổn định, tổng giá trị sản xuất tăng 10% so với năm 2020, kinh tế nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng vẫn duy trì mức độ tăng trưởng khá; dịch vụ dù không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn tăng so với năm 2020. Các chỉ tiêu chính trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên".

Ông Huỳnh Xuân Chính thông tin thêm về nhiệm vụ năm 2022, trong đó huyện tiếp tục bám sát, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả phương hướng, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra. Huy động tốt các nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, nhất là sự vào cuộc của nhân dân. Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và tạo nguồn lực cho phát triển.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng KHCN; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo kế hoạch. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trọng tâm là sắp xếp, củng cố bộ máy, đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển... 

Trương Hồng