Theo ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu: Nông nghiệp hữu cơ được hiểu là sản xuất nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi. Nói cách khác, đây là hình thức phát triển nông nghiệp hướng đến sự an toàn, vì sức khỏe con người và sự ổn định của môi trường sinh thái.
Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cần phải tuân thủ các quy định, như: Không sản xuất hữu cơ xen lẫn với sản xuất thông thường và vùng đang chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ; không sử dụng các loại giống cây chuyển đổi gen; không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng, các loại phân bón tổng hợp... Mà chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng cách tiêu diệt thủ công hoặc thuốc sinh học. Để làm được điều đó thì quan trọng nhất là phải giúp người nông dân thay đổi nhận thức; thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi phù hợp, dựa trên liên kết 5 nhà: Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà Ngân hàng. Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải có sự liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hữu cơ. Phải có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã và được sự đồng tình ủng hộ của bà con nhân dân.
Thời gian qua tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn làn trong trồng rau màu đã ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Trong xu thế hội nhập, đòi hỏi nông hộ phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, nhằm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và bảo vệ sức khỏe bản thân, người tiêu dùng. Gia đình chị Nguyễn Thị May, bản Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã thành công với mô hình trồng rau an toàn, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao vừa sản xuất thân thiện với môi trường. Với 3.000 m2 đất, mùa nào trồng thức ấy, chị May trồng gần chục loại rau. Mỗi năm chị bán rau cho tiểu thương ở chợ trung tâm huyện và HTX rau an toàn tự nhiên, chị thu lời hơn 150 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị May, cho biết: "Tôi trồng rau hơn 10 năm nay. Để có rau an toàn, ít sâu bệnh tôi dùng tỏi, ớt, gừng giã nhuyễn rồi ngâm với rượu và đường trắng trong 20 ngày. Sau đó, tôi đem hỗn hợp này hòa với nước rồi phun lên rau để xua đuổi các loại côn trùng và sâu, bệnh gây hại. Ngoài ra, tôi còn ủ các loại phân xanh, phân chuồng để bón cho rau, không sử dụng phân bón hóa học nên rau phát triển tốt. Sản xuất rau an toàn vất vả hơn so với trồng rau bình thường, bởi chi phí ban đầu khá cao, công chăm sóc cũng nhiều hơn nhưng khi đưa ra chợ bán thì giá chỉ bằng các loại rau trôi nổi khác. Điều này gây ra sự thiệt thòi không nhỏ cho người trồng rau an toàn. Tuy nhiên để tạo uy tín, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, tôi luôn trung thành sản xuất rau an toàn".
Nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững, những năm qua huyện Mộc Châu đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công (khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm, cảnh báo môi trường). Huyện tập trung xây dựng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tăng cường và mở rộng hợp tác với các địa phương trong nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu lớn gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm nông sản hữu cơ; nâng cấp, duy tu bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi hiện có…
Bên cạnh đó, huyện Mộc Châu luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người sản xuất, giúp họ hiểu được nhiều lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đó là bảo đảm sức khoẻ cho người trực tiếp sản xuất, bảo vệ môi trường và tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; kéo dài tuổi thọ cho cây trồng, phát triển bền vững, giúp người dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, cho biết: "Chúng tôi đã mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các nông hộ. Tập trung phối hợp với hội nông dân, khuyến nông và các cấp các ngành liên quan vận động, tuyên truyền đến bà con nhân dân thay đổi tư duy và sản xuất sang phương thức sản xuất hữu cơ. Tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc hữu cơ, chế phấm sinh học, không hoặc hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ và nên làm cỏ bằng máy móc và thủ công.
Bằng những cách làm trên, nhiều nông hộ ở các xã Đông Sang, Mường Sang, Chiềng Hắc, Phiêng Luông... đã áp dụng thành công vào mô hình sản xuất của mình và được người tiêu dùng đón nhận. Có thể nói, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn thực phẩm đang là hướng phát triển bền vững. Mô hình này giúp đẩy mạnh sản xuất tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trong tương lai".
Với những kết quả đã đạt được, huyện Mộc Châu định hướng mở rộng quy mô ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên toàn huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong nông nghiệp; khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, sử dụng phân phân bón hữu cơ vi sinh thay thế cho phân bón vô cơ như hiện nay. Hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương, gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định. Từng bước thay đổi phương thức làm nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững.