dd/mm/yyyy

Phát triển ngành "công nghiệp không khói" nơi miền " đất gió"

Là huyện "cửa ngõ" của tỉnh Lai Châu, miền "đất gió" Than Uyên đang mang trong mình nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành "công nghiệp không khói".

Tiềm năng, lợi thế để Than Uyên phát triển ngành "công nghiệp không khói"

Miền "đất gió" Than Uyên (Lai Châu) có chiều cao so với mực nước biển khoảng 500m đến 1800m, là vùng thung lũng lòng chảo, có hai dãy núi chạy song song - phía đông là dãy Hoàng Liên Sơn và phía tây là dải đồi núi thấp thuộc dãy Pu Sam Cáp - nằm giữa hai dãy núi là cánh đồng Mường Than. 

Bao đời, người xưa vẫn lan truyền với nhau câu nói "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". Cánh đồng Mường Than của huyện Than Uyên rộng thứ ba miền Tây Bắc, nơi đây mỗi mùa, cánh đồng Mường Than cũng toát lên những vẻ đẹp riêng biệt. Từ mùa ruộng đổ nước vụ chiêm tháng giêng, vụ mùa tháng bảy đến mùa lúa trổ đòng và mùa lúa chín.

Phát triển ngành "công nghiệp không khói" nơi miền " đất gió" - Ảnh 1.

Cánh đồng Mường Than luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách ưa trải nghiệm, khám phá, check in. (Ảnh: laichau.gov.vn)

Nếu ghé qua Than Uyên vào tầm mùa lúa trổ đòng và mùa lúa chín thì hương lúa vùng này chắc chắn sẽ làm say lòng du khách. Thả hồn theo những cánh đồng trên đất Mường Than, du khách sẽ cảm nhận nhịp sống lao động hối hả, đầy sắc màu ở đây. Bởi thế, cánh đồng Mường Than luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách ưa trải nghiệm, khám phá, check in.

Dòng sông Nậm Mu có chiều dài 160 km chảy qua huyện Than Uyên, có độ dốc lớn, dòng sông tuôn trào năng lượng cho việc phát triển thủy điện ở địa phương. Chinh phục thành công dòng sông Nậm Mu, 2 thủy điện lớn là thủy điện Huội Quảng (xã Khoe On) và bản Chát (xã Mường Kim) được hình thành. Việc hình thành 2 thủy điện lớn này đã tạo ra những lòng hồ nhân tạo mênh mang, mở ra tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ. Mực nước dâng cao, lòng hồ mênh mang đã tạo thành những đảo, vịnh, bến bãi nếu cải tạo tốt sẽ là những địa điểm có sức hút với du khách ưa khám phá.

Phát triển ngành "công nghiệp không khói" nơi miền " đất gió" - Ảnh 2.

Lòng hồ thủy điện bản Chát mở ra tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ trên địa bàn huyện Than Uyên. (Ảnh: Đoàn Bổng)

Theo dòng sông Nậm Mu tới bản Chát, xã Mường Kim (Than Uyên, Lai Châu), một "Vịnh Hạ Long" thu nhỏ giữa lòng hồ thủy điện bản Chát dần hiện ra trước mắt du khách, khiến bất cứ ai cũng phải say đắm. Bức tranh thiên nhiên có một không hai, trời xanh, núi biếc soi bóng giữa lòng hồ tạo thành bức tranh hoang sơ, kỳ vĩ.

Cùng với đó, tận dụng lợi thế lòng hồ, bản Thẩm Phé (xã Mường Kim) cũng đã mở rộng diện tích nuôi cá lồng, tổ chức dịch vụ du lịch lòng hồ, thưởng thức đặc sản địa phương. Qua thực tế cho thấy, chuỗi cung ứng dịch vụ này đang ngày càng phát triển, có sự hút mạnh với khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Cũng nằm trong lòng hồ thủy điện, nhắc tới xã Pha Mu (Than Uyên, Lai Châu), không thể không nhắc tới Vịnh Pá Khôm, nơi đây được đông đảo du khách biết đến với sự kết hợp hài hòa giữa sông nước và núi non tạo nên phong cảnh hữu tình khiến bất cứ ai khi đặt chân đến nơi đây đều rất thích thú. Bên cạnh đó, du khách có thể khám phá nét đẹp văn hóa đậm chất dân tộc của đồng bào Thái, Mông nơi đây.

Phát triển ngành "công nghiệp không khói" nơi miền " đất gió" - Ảnh 3.

Làng Cá Thẩm Phé ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: hotel84)

Cùng với lòng hồ thủy điện, trên địa bàn huyện còn hệ thống hang động nằm rải rác các địa phương. Mỗi hang động gắn với một truyền thuyết, giai thoại thấm đẫm tình người nơi đây. Đặc biệt hang động Thẩm Đán Chể (xã Mường Kim) các hóa thạch còn lưu lại nhiều dấu tích của người tiền sử qua các giai đoạn phát triển. Địa danh này được đánh giá là nguồn sử liệu quan trọng sẽ là điểm đến của giới nghiên cứu và khảo cổ học. Tới thời điểm hiện tại, Thẩm Đán Chể vẫn chưa được khai thác, vì thế thăm thẳm lòng hang vẫn những bí mật của thời gian vẫn được giữ kín chờ được khám phá.

Điều đáng nói hơn, cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị ngày càng được là huyện "cửa ngõ" của tỉnh Lai Châu chú trọng đầu tư góp phần tạo đà cho ngành "công nghiệp không khói"chuyển mình.

Phát triển ngành "công nghiệp không khói" gắn với bản sắc văn hóa dân tộc

Trên địa bàn huyện Than Uyên hiện có 10 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, riêng biệt thể hiện qua ngôn ngữ, kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, nhạc cụ truyền thống…tạo nên những màu sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên quý để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

Phát triển ngành "công nghiệp không khói" nơi miền " đất gió" - Ảnh 4.

Lễ hội Lùng Tùng nét văn hóa đặc sắc được lưu truyền từ bao thế hệ người Thái Than Uyên. (Ảnh: PV Tây Bắc)

Theo đó, huyện Than Uyên đã ban hành Nghị quyết về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 – 2025. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết tập trung vào bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Huyện đã thành lập 2 câu lạc bộ Đàn tính - Hát then của dân tộc Thái, thành lập 115 đội văn nghệ quần chúng ở các bản, khu phố. Các địa phương trong toàn huyện đang hình thành các mô hình điểm về truyền dạy nhạc cụ dân tộc. Không chỉ giúp văn hóa truyền thống được lan truyền một cách tự nhiên, còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư, giúp du khách có thêm các trải nghiệm thú vị.

Phát triển ngành "công nghiệp không khói" nơi miền " đất gió" - Ảnh 5.

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Than Uyên đã thành lập 2 câu lạc bộ Đàn tính - Hát then của dân tộc Thái, thành lập 115 đội văn nghệ quần chúng ở các bản, khu phố. (Ảnh: PV Tây Bắc)

Được biết, thời gian qua, lượng du khách tới trải nghiệm ở các bản văn hóa thuộc các xã Mường Cang, Mường Kim và một số địa phương trên địa bàn tăng so với trước. Phần lớn du khách tới tìm hiểu về tri thức dân gian, thưởng thức ẩm thực dân tộc, nghệ thuật biểu diễn... Qua đó, giúp bà con dân bản có thêm nguồn thu tái đầu tư cho du lịch để phát triển kinh tế. Trong năm, các điểm du lịch của huyện Than Uyên đã đón trên 90 nghìn lượt du khách, lượng khách lưu trú năm nay cao hơn nhiều so với những năm trước đây, lượng du khách quốc tế cũng tăng cao. Trong năm 2022, tại Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, đoàn nghệ nhân của Than Uyên với các tiết mục đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã để lại nhiều ấn tượng với du khách.

Phát triển ngành "công nghiệp không khói" nơi miền " đất gió" - Ảnh 6.

Tại Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, đoàn nghệ nhân của Than Uyên với các tiết mục đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã để lại nhiều ấn tượng với du khách. (Ảnh: PV Tây Bắc)

Có sẵn tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhưng để ngành "công nghiệp không khói" nơi miền "đất gió" Than Uyên từng bước chuyển mình vươn xa, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng động các dân tộc gắn với phát triển du lịch; tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư vào những danh lam, thắng cảnh nổi bật trên địa bàn.

 

Thanh Ngân - Phạm Hoài