Pa Ủ nhân lên màu xanh của rừng

Văn Chiến

13/12/2018 21:00 GMT +7

Trở lại xã Pa Ủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng tươi tốt. Đó là minh chứng cho sự nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng của người dân ở xã vùng cao vốn còn nhiều khó khăn này. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây.

Chỉ tay về phía những cánh rừng mượt mà, tràn đầy sức sống, ông Lỳ Xạ Phu, bản Nhú Ma, xã Pa Ủ, hồ hởi khoe: “Đó là công sức của cả bản đấy! Trước đây, những cánh rừng ở bản thưa thớt, chứ không xanh tốt như bây giờ. Nguyên nhân là do bà con trong bản đã quen với lối sống du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy. Người ta chặt cả cây to chỉ để bắt một tổ ong hay lấy nhánh phong lan rừng. Từ khi được nhận tiền bảo vệ rừng, ý thức giữ rừng của bà con trong bản mới nâng lên”.

Người dân Pa Ủ nỗ lực trồng rừng, bảo vệ rừng.
Người dân Pa Ủ nỗ lực trồng rừng, bảo vệ rừng.

Ông Lỳ Phí Giá – Chủ tịch UBND xã Pa Ủ cho biết: Pa Ủ là xã vùng cao biên giới,  với 100% đồng bào là người La Hủ. Trước đây, do trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu nên cái đói, cái nghèo mãi đeo bám người dân trong xã. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về giá trị của rừng còn hạn chế nên chưa quan tâm đến việc giữ rừng, phát triển rừng. Trước thực trạng đó, xã đã phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân các bản chăm sóc, bảo vệ rừng.

“Công tác bảo vệ rừng trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ khi có chính sách chi trả DVMTR. Có nguồn thu ổn định từ nguồn chi trả DVMTR, người dân trong xã ai cũng phấn khởi, tích cực chăm sóc, bảo vệ, nhân lên màu xanh các cánh rừng” – ông Giá vui vẻ nói.

Hiện xã Pa Ủ có hơn 21.000ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng đạt trên 66%. Theo kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Mường Tè, xã Pa Ủ được xác định là vùng tập trung phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi đại gia súc. Chủ trương phát triển kinh tế rừng đã được cấp ủy, chính quyền xã chủ động triển khai. Xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai việc giao khoán rừng cho từng hộ dân chăm sóc và bảo vệ đồng thời triển khai các dự án phát triển kinh tế rừng như trồng cây sa nhân tím, tam thất và chăm sóc diện tích thảo quả hiện có…

Tân Biên là một trong những bản thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. Trao đổi với chúng tôi, chị Lỳ Lo Bơ – Trưởng bản Tân Biên cho biết: “Bản mình có 32 hộ, trên 160 nhân khẩu. Để có thể giữ rừng, bản chúng tôi đã thành lập đội xung kích với sự tham gia của đại diện tất cả các hộ gia đình trong bản.

Đội xung khích của bản thường xuyên tuần tra tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao, nhất là vào mùa khô; tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản phát nương, đốt nương, làm rẫy phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật. Khi đốt nương phải báo với đội xung kích và bố trí người túc trực không để lửa lây lan vào rừng; tổ chức phát dọn thực bì, phát đường băng cản lửa tại những vị trí giáp ranh của các khu rừng...

Năm 2017, trung bình mỗi hộ gia đình trong bản được nhận trên 15 triệu đồng tiền chăm sóc, bảo vệ rừng. Cuộc sống của người dân trong bản cũng nhờ đó mà ổn định hơn. Nhiều gia đình đã sử dụng khoản tiền DVMTR vào phát triển kinh tế như: mua trâu, bò, lợn, gà, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.