Thứ Năm, ngày 16/01/2025 05:48 PM (GMT+7)

Ổn định thị trường gạo trong nước, tranh thủ xuất khẩu

2023-08-09 13:00:00

Sau khi Ấn Độ và một số nước tạm thời cấm xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới tăng mạnh. Đây là thời điểm để Việt Nam tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới, đồng thời bảo đảm tổ chức phân phối, lưu thông gạo ở thị trường trong nước để tránh tăng đột biến, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Đủ gạo phục vụ nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hoàng Trung cho biết, trước tình hình thị trường gạo thế giới có nhiều biến động sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bộ NN-PTNT đã đánh giá, phân tích lý do các nước điều chỉnh chính sách này. Nguyên nhân xuất phát từ việc Ấn Độ (nước sản xuất gạo lớn trên thế giới), UAE (nước thường xuyên phải nhập khẩu gạo) lo ngại về tình trạng El Nino có thể gây ảnh hưởng khiến năng suất của cây lúa bị giảm, tác động đến thị trường của nước họ. Do vậy, họ điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo là rất bình thường. Quan điểm của Bộ NN-PTNT là nắm chắc tình hình thị trường cũng như sản xuất lúa gạo của Việt Nam để tận dụng tốt cơ hội này nâng cao uy tín, mở rộng thị trường cho gạo Việt.

Ổn định thị trường gạo trong nước, tranh thủ xuất khẩu - Ảnh 1.

Giá gạo trên thế giới tăng, nông dân có cơ hội tăng thêm thu nhập. Trong ảnh: Nông dân huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) thu hoạch lúa.

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm 2023 vẫn bảo đảm đạt 7,1 triệu héc-ta, sản lượng theo kế hoạch 43-43,5 triệu tấn lúa. Ông Hoàng Trung khẳng định: "Chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm, ngoài bảo đảm đủ sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo, tận dụng cơ hội của thị trường. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát tình hình thời tiết, mùa vụ, không để dịch bệnh xảy ra, bảo đảm năng suất, chất lượng lúa gạo từ nay đến cuối năm 2023 và cả năm 2024. 

Theo tính toán, nếu chúng ta tăng thêm diện tích 50.000ha lúa thu đông sắp tới thì Việt Nam có thể thu thêm 100 triệu USD, vừa góp phần cung ứng lương thực cho thế giới, vừa mang lại thu nhập tăng thêm cho nông dân. Vụ đông xuân năm tới, Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu ngay sau khi vụ thu đông kết thúc, cần bám sát tình hình hạn mặn, khung thời vụ xuống giống, thu hoạch càng sớm càng tốt. Kết thúc khung thời vụ là ngày 31-12-2023, như vậy chúng ta vừa né mặn, hạn, vừa né rầy, sâu bệnh để bảo đảm năng suất lúa".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chia sẻ, từ việc một số nước cấm xuất khẩu gạo cho thấy, đây là cơ hội cho gạo Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam cũng như tăng giá trị của hạt gạo Việt Nam.

Phân phối, lưu thông tốt, tránh đầu cơ trục lợi

Giá gạo trên thị trường thế giới tăng là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu nhập cho người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui xuất khẩu được giá còn những nỗi lo khác. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: "Thật mừng khi gạo của Việt Nam xuất khẩu được giá cao, nông dân có thêm thu nhập. Nhưng bên cạnh đó cũng cần tổ chức thật tốt khâu phân phối, lưu thông gạo ở trong nước để tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi khiến giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đặc biệt là những người nghèo, người có thu nhập thấp".

Băn khoăn, lo lắng của chị Nguyễn Thị Hạnh là có cơ sở. Bởi năm 2008, khi giá gạo trên thị trường biến động, tăng mạnh, giá gạo trong nước cũng tăng. Do thiếu thông tin cộng với nỗi lo về an ninh lương thực khiến nhiều người tiêu dùng trong nước đổ xô đi mua gạo tích trữ. Giá gạo trong nước vì thế bị đẩy lên cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đáng buồn là ngay chính ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam và thế giới, người dân cũng đổ xô đi mua gạo tích trữ.

Vấn đề này, ông Hoàng Trọng Thủy cũng cảnh báo: "Giá gạo thế giới tăng thì giá lúa gạo trong nước sẽ tăng, điều này là bình thường với quy luật thị trường. Tuy nhiên, nếu chúng ta không quản lý, kiểm soát tốt khâu thu mua, xay xát, chế biến, xuất khẩu đối với các doanh nghiệp, các đầu mối thu mua thì có thể dẫn đến tình trạng tranh nhau thu mua, gây hỗn loạn thị trường lúa gạo trong nước".

Do đó, rất cần sự giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hiệp hội Lương thực Việt Nam để tránh tình trạng giá gạo tại thị trường nội địa tăng quá mức, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Bên cạnh việc tổ chức phân phối, lưu thông gạo trong nước, việc tổ chức, giám sát thu mua gạo xuất khẩu cũng cần được đặt ra. Cần những chế tài để xử lý nghiêm các doanh nghiệp "bỏ cọc", “bẻ kèo”, gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và ngành hàng lúa gạo của Việt Nam. Cũng đề phòng khi giá gạo tăng lên, các doanh nghiệp mua phối trộn các giống lúa khác nhau, không đúng theo tiêu chuẩn của người mua.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, một trong những chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp của Việt Nam và thế giới cũng nhận định: Biến đổi khí hậu sẽ còn tiếp tục và gây tác động tới sản xuất lúa gạo. Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp, xuất khẩu gạo cho các nước với giá cao hơn, ổn định hơn. Việc này là cơ hội để giúp doanh nghiệp thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp. Khi có hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp chắc chắn sẽ tìm được đầu ra, và người nông dân cũng không phải lệ thuộc vào thương lái khi đã có người mua ổn định với giá tốt hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh: "Để phát triển ngành hàng lúa gạo lâu dài, thời gian tới, chúng ta cần xây dựng liên kết giữa nông dân trồng lúa với doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã, như vậy mới có thể chia sẻ được lợi ích và rủi ro. Nếu không xây dựng được vùng nguyên liệu thì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ chịu nhiều rủi ro, đồng thời dễ nảy sinh việc tranh mua, tranh bán, gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp. Người trồng lúa sẽ chịu nhiều rủi ro, khó bảo đảm hiệu quả kinh tế khi đầu ra bấp bênh. Việc liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu chính là lợi thế của doanh nghiệp khi vừa chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ thị trường xuất khẩu lại có lợi thế khi đàm phán, ký kết hợp đồng".

Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam trên thị trường thế giới là 618USD/tấn, gạo 25% tấm là 598USD/tấn, gạo Thái Lan 5% tấm là 625USD/tấn, gạo 25% tấm là 570USD/tấn, gạo Pakistan 5% tấm là 533USD/tấn, gạo 25% tấm là 498USD/tấn. (Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam)

Theo QĐND

NGUYỄN KIỂM

Tags: