dd/mm/yyyy

Nuôi tôm trong rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Trước thực trạng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, trong những năm gần đây, nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa thích ứng với hiện tượng xâm nhập mặn trong vùng.

Đơn giản mà hiệu quả

Xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh là một trong những nơi đi đầu trong việc ứng dụng loại hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn. Theo đánh giá, giá tôm khi nuôi theo phương pháp này thường cao hơn khoảng 15% nuôi tôm truyền thống và hầu hết được bao tiêu, xuất khẩu đi châu Âu.

Ông Nguyễn Quốc Anh, ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải là một trong những người mạnh dạn đi đầu khi "dám" nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn. Nói về hiệu quả của mô hình này, ông Quốc Anh cho biết: "Làm mô hình này được cái lợi là, chúng tôi vừa trồng rừng, vừa nuôi tôm, chi phí đầu tư thấp nhưng giá bán tôm vẫn cao hơn tôm ở các đìa khác, rủi ro do thua lỗ hầu như rất thấp".

Theo ông Quốc Anh, khi trồng rừng ngập mặn có thêm nhiều loại con khác phù hợp với điều kiện nước mặn như cua... đến sinh sống tự nhiên, nên khi thu hoạch, người dân cũng có thêm thu nhập, tạo "lợi ích kép" vừa bảo vệ, tránh hủy diệt được môi trường, vừa tạo thêm các đa dạng sinh học.

Nuôi tôm trong rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Rừng ngập mặn ở Trà Vinh.

Gần 20 năm nuôi tôm dưới tán rừng ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải trên diện tích hơn 3ha, trong đó cây rừng chiếm hơn 30% diện tích. Ông Phạm Thái Bình cho biết, sau khi nhận được sự hỗ trợ từ dự án, áp dụng kỹ thuật nuôi mới đã giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh trên tôm nuôi. Bình quân mỗi ha, gia đình ông có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ông Bình chia sẻ kinh nghiệm, nuôi tôm quảng canh dưới tán rừng đảm bảo đạt năng suất cao, là người nuôi cần tuân thủ lịch thời vụ thả giống, chọn con giống chất lượng. "Mỗi năm, gia đình tôi thả giống tôm nuôi 4 đợt, mỗi đợt khoảng 50.000 con giống. Đợt đầu tiên thả giống bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, cứ sau 02 tháng nuôi ông tiếp tục thả giống lần 2, lần 3 và kết thúc thả giống vào tháng 5 âm lịch năm sau. Tôm nuôi theo hình thức quảng canh và thu hoạch bằng cách tỉa thưa chọn tôm đạt kích cỡ loại I để bán được giá cao"- ông Bình cho biết.

Ông Tăng Vũ Phòng - Phó Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh cho hay: "Kết quả ứng dụng mô hình cho thấy, sau khi thu hoạch tôm đạt kích cỡ lớn hơn, trung bình từ 20-30 con/kg, mỗi hộ có 1ha thu 500-600kg là thấp nhất".

Để hỗ trợ những hộ những người dân có ít đất, ít nguồn vốn phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, từ tháng 6/2020, từ nguồn vốn của Dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL" do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh đã chọn 22 hộ ở huyện Duyên Hải để hỗ trợ thực hiện mô hình và trình diễn.

Theo đó, các hộ tham gia được hỗ trợ 50% giống tôm sú, 50% thức ăn viên công nghiệp, 50% bộ dụng cụ đo môi trường nước như: độ pH, độ kiềm, một phần thuốc phòng trị bệnh, quy trình kỹ thuật nuôi… Đồng thời được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học vào quy trình nuôi nên giảm được nhiều chi phí sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, đây là loại hình có tính thích ứng biến đổi khí hậu tốt, được khuyến khích phát triển. Bởi, vừa đảm bảo lợi nhuận cho người dân mà rừng vẫn được bảo vệ và phát triển. Để sản xuất đạt hiệu quả cao nhất, người nuôi cần chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch loại trừ mầm bệnh, thuần về độ mặn của ao nuôi để tránh hao hụt do tôm bị sốc độ mặn.

Trà Vinh hiện có tổng diện tích rừng hơn 9.000ha; trong đó có hơn 4.000ha rừng được người dân tự trồng và bảo vệ để kết hợp nuôi tôm sinh thái (quảng canh). Đây là loại hình sinh kế đem lại hiệu quả bền vững, bảo vệ được môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu đang được các địa phương và người dân vùng ven biển phấn khởi, tích cực nhân rộng để vừa tăng thu nhập, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra gay gắt.

Nuôi tôm trong rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL - Ảnh 2.

Thu hoạch tôm sú được nuôi dưới tán rừng.

Nhân rộng mô hình ở nhiều địa phương khác

Tại Cà Mau, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích 35.000ha rừng ngập mặn, tập trung nhiều ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Phát huy lợi thế sẵn của điều kiện tự nhiên những năm qua người dân vùng nuôi trồng thuỷ sản phía Nam tỉnh Cà Mau phát triển rất mạnh mô hình nuôi tôm dưới tán rừng. Dưới tán rừng đước bà con kết hợp hài hoà giữa trồng rừng với nuôi tôm và cua.

Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau: Dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (MD- ICRSL)" đã triển khai "Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau" (gọi tắt là TDA 8). Người dân nuôi tôm trong môi trường rừng ngập mặn ở Cà Mau đạt hiệu quả rất khả quan.

Qua theo dõi đánh giá, mỗi ha lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/năm tập trung ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi. Qua dự án này cho thấy việc sản xuất của người dân thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng tốt hơn. Người dân sinh sống ở đây có điều kiện phát triển các mô hình sinh kế cuộc sống ổn định hơn.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi tôm - rừng của tỉnh Cà Mau đạt khoảng hơn 80.000 ha. Trong đó, các tổ chức đã chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm - rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…

Phát huy nguồn lực hỗ trợ từ Dự án MD- ICRSL, tỉnh Cà Mau đang tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi tôm - rừng có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, khuyến khích người nuôi áp dụng các quy trình kỹ thuật mới thân thiện môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái đầu tư vốn, kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế để được chứng nhận.

My Hà