Nông dân xã này ở Bạc Liêu háo hức ra đồng xem máy bay không người lái lượn sạ lúa trên ruộng nuôi tôm

Tùng Lâm (Hội ND tỉnh Bạc Liêu) Thứ hai, ngày 14/11/2022 16:34 PM (GMT+7)
Hợp tác xã Quyết Thắngl, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) vừa tổ chức buổi trình diễn ứng dụng máy bay không người lái sạ lúa PG100 vào sản xuất ở vụ lúa Mùa trên đất nuôi tôm năm 2022 - 2023
Bình luận 0

Diện tích trình diễn sạ lúa bằng máy bay không người lái PG100 của Hợp tác xã Quyết Thắng, xã Lộc Ninh là 3ha. Đây là diện tích bước đầu được thực hiện thử nghiệm sạ giống của Ban giám đốc Hợp tác xã. 

Nông dân xã này ở Bạc Liêu háo hức ra đồng xem máy bay không người lái lượn sạ lúa trên ruộng nuôi tôm - Ảnh 1.

Đưa máy bay không người lái PG100 ra sạ lúa trên cánh đồng của HTX Quyết Thắng, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Máy bay không người lái sạ lúa PG100 với hệ thống điều khiển từ xa, người vận hành máy bay chỉ cần đứng tại một địa hình là có thể chủ động thực hiện các thao tác vận hành thiết bị. 

Khi cất cánh, máy bay không người lái nông nghiệp PG100 có thể chở hạt lúa giống hay phân bón lên đến 40 kg; hoặc dung dịch thuốc đến 40 lít. 

Thời gian để máy bay không người lái hoàn thành sạ lúa diện tích  1 ha chỉ 120 -  180 phút. So với gieo sạ truyền thống, ứng dụng máy bay không người lái vừa giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 10 - 15 kg lúa giống/1.000 m2. 

Qua thực tế cho thấy, máy bay không người lái loại thiết bị thông minh, ứng dụng hoàn toàn công nghệ cao; nhằm tạo điều kiện thuận tiện để dễ dàng chăm sóc, bảo vệ cây trồng, góp phần nâng cao năng suất, tăng chất lượng và tiết kiệm chi phí trong sản xuất. 

 Đồng thời, việc bón phân, gieo sạ lúa bằng phương pháp truyền thống dễ bị tác động của môi trường khí hậu, thời tiết nên khó đảm bảo độ đồng đều về mật độ gieo sạ.  Ngược lại, máy bay không người lái sạ lúa PG100 có phương pháp gieo thẳng đứng, có tốc độ xả nhanh hơn và có khả năng chống gió mạnh hơn.

Ứng dụng máy bay không người lái vào sạ lúa PG100 vào sản xuất còn giúp tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí, sức lao động, tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sinh thái. 

Ngoài ra, khi sạ bằng máy bay không người lái này, độ bao phủ đều hơn, mật độ nảy mầm lên cũng sẽ hiệu quả hơn so với sạ tay. 

 Sau thời gian 1 tuần thử nghiệm, sẽ đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn bộ diện tích sản xuất lúa 300ha của hơn 100 hộ nông dân liên kết sản xuất giống lúa ST 24 và ST 25 và có hợp đồng bao tiêu sau thu hoạch với Hợp tác xã Quyết Thắng (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem