dd/mm/yyyy

Nuôi gà theo kiểu này mà người dân "quê hương vải thiều" thu cả nghìn tỷ đồng/năm

Nghề chăn nuôi gà thả vườn đồi ở các địa phương ở Bắc Giang ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất chăn nuôi, cho giá trị khoảng trên 1.900 tỷ đồng/năm, chiếm trên 20% cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Qua đó góp phần tích cực trong việc ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Nuôi gà theo kiểu này mà người dân "quê hương vải thiều" thu cả nghìn tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT thăm mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học ở huyện Tân Yên (Bắc Giang).

Không để tái phát dịch cúm gia cầm

Là tỉnh nằm trong top 10 tỉnh, thành có đàn vật nuôi lớn nhất nước, Bắc Giang có các đối tượng vật nuôi khá phong phú, đa dạng. Trong đó, ước tính cả năm 2020, đàn gia cầm của tỉnh này đạt 18,4 triệu con, sản phẩm thịt gia cầm hơi xuất chuồng khoảng trên 52.000 tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 226,2 triệu quả. 

Lĩnh vực chăn nuôi của Bắc Giang đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng chăn nuôi tập trung quy mô lớn và giảm dần các hộ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Hiện trên địa bàn tỉnh có 695 trang trại chăn nuôi theo Thông tư 27/2014/TT BNNPTNT(trong đó có 349 trang trại gia cầm).

Chia sẻ tại báo cáo ở diễn đàn chăn nuôi "Sản xuất giống và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm" tổ chức ở Vĩnh Phúc ngày 18/11, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm khuyến nông Bắc Giang cho hay: Tổng đàn gia cầm của tỉnh Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng nhanh: năm 2015 là 16.835 nghìn con, đến năm 2019 tăng lên 18.229 nghìn con, giai đoạn 2015-2019 đạt tốc độ tăng bình quân 4,52%. 

Năm 2019 Bắc Giang có 15.649 nghìn con gà, chiếm 88,1% tổng đàn gia cầm, giống gà chủ yếu đang sử dụng là mía lai, ri lai và gà lai chọi, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 50.513 tấn. Trong đó thịt gà 43.104 tấn chiếm 85,3%; đàn thủy cầm 2.113 nghìn con, chiếm 11,9% tổng đàn gia cầm, sản lượng thịt 7.409 tấn, chiếm 14,7% sản lượng thịt gia cầm; trứng gia cầm các loại 222,059 triệu quả.

Về con giống, ông Thành khẳng định, đàn gà của Bắc Giang khá phong phú về chủng loại giống, ngoài các giống địa phương, giống lai nuôi tại địa phương, nhân dân trong tỉnh đã nhập nhiều loại giống như: Lương Phượng, ISA, CP … 

Cơ cấu đàn gà của Bắc Giang hiện nay với giống gà chủ yếu vẫn là các giống lai như mía lai, ri lai, chọi lai, lai Đông Tảo, lai Hồ, ….chiếm trên 90% tổng đàn. Năm 2015 trên địa bàn tỉnh có 14.642 nghìn con, năm 2019 có 15.649 nghìn con, tăng 1,07%. 

Ông Thành cho biết thêm, việc chăn nuôi thả vườn, thả đồi của bà con ở các vùng ở Bắc Giang đang  tận dụng thức ăn có sẵn tại gia đình kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp. Hiện, nghề chăn nuôi gà ở các địa phương trong tỉnh đang chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển chăn nuôi trang trại sản xuất hàng hoá. Trong đó, 100% người chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng trên địa bàn theo hình thức gia công cho các công ty như JAFA, CP, DABACO.

Hiện, các trang trại chăn nuôi gà tại các địa phương của Bắc Giang đã và đang áp dụng biện pháp chăn nuôi  an toàn sinh học, theo hướng VietGAHP đang chuyển dịch tích cực theo quy mô trang trại sản xuất hàng hóa. Thống kê trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 gia trại nuôi từ 500 con trở lên và trên 300 trang trại có quy mô từ 2.000 con trở lên. Nhiều hộ chăn nuôi gà thả vườn có quy mô 2.000-6.000 con/lứa. Quy mô chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại chiếm trên 20% tổng đàn gia cầm của tỉnh.

Riêng về công tác phòng chống dịch bệnh, ông Thành chia sẻ, trong chăn nuôi gia cầm áp dụng biện pháp an toàn sinh học, quy trình theo hướng VietGAHP và thực hiện công tác thú y có vai trò quan trọng. Đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin được thực hiện tốt 02 đợt tiêm phòng hàng năm vào giai đoạn chuyển mùa (tháng 3 - 4 và tháng 9 -10) kết hợp tiêm bổ sung thường xuyên theo lứa đảm bảo gia cầm được tiêm phòng đầy đủ. 

Ngoài ra các trang trại còn thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ, kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ tập trung. Do thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống, nên dịch cúm gia cầm cũng như các dịch bệnh khác đã được phát hiện kịp thời, khoanh vùng khống chế tiêu diệt từ cơ sở, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. "Nhờ thế mà từ năm 2015, đến nay Bắc Giang không để tái phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn, góp phần đảm bảo cho chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững", ông Thành nói.

Nuôi gà theo kiểu này mà người dân "quê hương vải thiều" thu cả nghìn tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Nghề chăn nuôi gà thả vườn đồi đang mang lại thu nhập cao cho người dân các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Bắc GIang. Ảnh: Ngọc Hân

Thu gần 2.000 tỷ đồng/năm

Cũng theo ông Thành, hàng năm, người nuôi gia cầm ở Bắc Giang bán khoảng trên 60% sản lượng chăn nuôi cho các tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… 

Bên cạnh việc duy trì phát huy thương hiệu gà đồi Yên Thế, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gà giống Hiệp Hoà, gà đồi Lục Ngạn. Chăn nuôi gà thả vườn đồi ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất chăn nuôi, cho giá trị khoảng trên 1.900 tỷ đồng/năm, chiếm trên 20% cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh, góp phần tích cực trong việc ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để nâng cao giá trị gia tăng, giữ vững thương hiệu gà đồi Yên Thế, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thành lập các HTX, tổ hợp tác liên kết phát triển chăn nuôi theo chuỗi kép kín với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ sản phẩm. 

Tại huyện Yên Thế có 03 chuỗi hoạt động khá ổn định từ năm 2015 đến nay đó là: Chuỗi liên kết giữa 80 hộ nuôi gà VietGAHP tại xã Đồng Tâm với Công ty CP Giang Sơn; Chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ thông qua Hội sản xuất, tiêu thụ gà đồi Yên Thế và chuỗi sản xuất, tiêu thụ tại HTX Nông nghiệp xanh, chuỗi này hoạt động từ năm 2017. 

Các chuỗi hoạt động hiệu quả là động lực giúp thay đổi nhận thức, hành động của người chăn nuôi trên địa bàn thích  ứng với cơ chế thị trường - nuôi và cung cấp sản phẩm theo yêu cầu thị trường.

Theo ông  Hứa Việt Đoàn, cán bộ phòng nông nghiệp huyện Yên Thế, hiện toàn huyện Yên Thế vẫn duy trì được tổng đàn ổn định quy mô khoảng 4 triệu con. Cơ cấu giống theo hướng đa dạng sản phẩm, điều chỉnh tổng đàn từng thời điểm. Hàng năm, các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện cung cấp ra thị trường từ 12-14 triệu con gà với giá trị sản xuất khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 60% giá trị ngành chăn nuôi của địa phương.

Nói về mục tiêu phát triển ngành gia cầm trong thời gian sắp tới của tỉnh mình, ông Thành cho hay: Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống, vật tư đầu vào cho sản xuất, đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP cho nông dân, tăng cường, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hỗ trợ chăn nuôi theo chuỗi khép kín...

"Mục tiêu đến năm 2025 tổng đàn gà khoảng 17 triệu con, tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Thế, Tân Yên, Lục Nam, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Lạng Giang; sản lượng thịt hơi đạt 44,5 nghìn tấn, 600 triệu quả trứng. 

Trong đó, chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm khoảng 75% tổng đàn. Mục tiêu đến năm 2030 tổng đàn gà đạt khoảng 18 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt trên 46,3 nghìn tấn, 700 triệu quả trứng", ông Thành nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, theo ông Thành sắp tới Bắc Giang cũng tập trung vào chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm khoảng 80% tổng đàn. Sản phẩm thịt gà, chế biến đủ tiêu chuẩn (qua giết mổ có kiểm tra VSATTP) phục vụ cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Trong thời gian tới, Bắc Giang cũng sẽ tập trung chuyển đổi mạnh phương thức chăn nuôi theo hướng giảm chăn nuôi nông hộ, tăng chăn nuôi tập trung quy mô trang trại đảm bảo các tiêu chí an toàn với các loại dịch bệnh nguy hiểm, an toàn sinh học. Ở các khu vực nội thành, nội thị nghiêm cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 650 trang trại nuôi gia cầm, chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ trọng 30 – 35%. Đến năm 2030 có 1400 - 1500 trang trại nuôi gia cầm, chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ trọng nhỏ, dưới 10%.

Đặc biệt, Bắc Giang cũng sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn theo chuỗi khép kín. 

Đồng thời tỉnh cũng sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phảm chăn nuôi, tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Đông ...

Hải Đăng