Thứ Năm, ngày 16/01/2025 01:51 AM (GMT+7)
Nốt trầm thời trang Việt: Kẻ đóng cửa, người "cắn răng" cầm cự
2023-06-12 11:11:00
Miếng bánh bán lẻ của các cửa hàng thời trang đang bị chia nhỏ bởi sức mua giảm sút và sự cạnh tranh của hình thức kinh doanh online.
Chị Hồ Hiền, chủ thương hiệu thời trang Kkami tại TP.HCM đánh giá, nếu như trước Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm khá ổn định, nhiều gia đình vẫn chịu chi khá đều tay cho việc ăn mặc, thì qua Tết sức mua sụt giảm không phanh. Đặc biệt, từ tháng 3 trở đi, khách hàng giảm khoảng 50% khiến những người kinh doanh mặt hàng thời trang thuê mặt bằng cắn răng gồng chi phí chờ thị trường phục hồi.
Lỗ nặng
Theo các đơn vị kinh doanh, tính tổng chi phí đầu vào, sức mua, chi phí mặt bằng, nhân công, nhiều cửa hàng thời trang đang gánh lỗ nặng, không còn 1 vốn 4 lời như trước. Ngoại trừ một số cửa hàng nhận diện người thuê khó bán hàng được chủ giảm giá, còn phần lớn đều giữ nguyên mức giá cho thuê như năm 2022.
Theo chị Hiền, dù bán hàng chậm nhưng giá mặt bằng phải trả hàng tháng quá cao khiến những người ít vốn không thể cầm cự nổi, phải sang hoặc đóng cửa hàng để chờ thị trường phục hồi.
Đồng thời, các thương hiệu thời trang tự thiết kế phải cắt giảm thợ do hàng ra nhưng bán chậm, không đủ trả lương, nhập nguyên phụ liệu. Kéo theo đó, các chợ cung cấp sỉ vải may mặc, phụ liệu như chợ Tân Bình, Soái Kìm Lâm (quận 5), Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú) khách hàng cũng giảm đáng kể.
“Thị trường mua sắm thời trang nửa năm qua rất trầm lắng, các chủ shop ít vốn chỉ có thể cầm cự thêm vài tháng do không thể gánh nỗi chi phí thuê mặt bằng” - chị Hiền chia sẻ.
Ông Trần Quang Trường Thanh, Giám đốc điều hành thương hiệu thời trang Couple TX, thừa nhận quý I/2023, doanh thu đơn vị này còn ghi nhận mức tăng trưởng 10%, nhưng sang quý II thị trường chững lại. Sức mua sụt giảm khiến cho kết quả doanh thu tới thời điểm hiện tại không bằng so với năm trước.
Tính chung năm tháng đầu năm Couple TX chỉ tăng trưởng nhẹ và thấp hơn mục tiêu đề ra.
"Với tình hình thị trường hiện tại, chúng tôi đang phải điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn, tối ưu hiệu quả sử dụng ngân sách, tập trung vào sản phẩm cốt lõi, chăm sóc khách hàng thân thiết, đầu tư phát triển mạnh hơn kênh thương mại điện tử (TMĐT) và Ommi Channel (bán hàng đa kênh)”, ông Thanh nói.
Bão hòa hay khủng hoảng tạm thời?
Qua quan sát thị trường, Thạc sĩ Ngô Thành Huấn, Chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng hiện tại Việt nam vẫn được giới kinh doanh thời trang đánh giá là “thị trường thơm khi sở hữu tỉ lệ dân số vàng”.
Dẫu vậy, ngành kinh doanh này đang gặp khó do ảnh hưởng chung từ thị trường.
Đầu tiên vẫn đến từ việc người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu. Tiếp đến, bán lẻ thời trang Việt vẫn chưa có sự đột phát, cung ứng ra các sản phẩm chưa phù hợp với nhu cầu thị trường như về tư duy thiết kế riêng, thiếu sự linh hoạt trong chính sách chăm sóc khách hàng, không gian mua sắm, sự uy tín, không coi trọng hoạt động đào tạo cũng như tính cộng đồng - môi trường…
Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến cho bán lẻ thời trang Việt chưa có sức hút so với các thương hiệu quốc tế, ngay cả phân khúc tầm trung như Uniqlo, Zara, H&M… Thậm chí Uniqlo - một hãng thời trang Nhật Bản, còn liên tục mở rộng cửa hàng trên khắp cả nước.
Thêm vào đó, ngành bán lẻ thời trang hiện nay phần đa là bán hàng đơn lẻ mang tính bộc phát nhiều. Ví dụ, có nguồn tiền dư dả người ta thường nghĩ tới việc kinh doanh quần áo và cà phê. Chính vì thế, họ thường thiếu hoặc chưa biết kiểm soát tài chính, quản trị dòng tiền đúng cách.
Ông Trường Thanh đánh giá thị trường thời trang Việt vẫn chưa bước vào giai đoạn bão hòa, ngược lại đang trong giai đoạn phát triển cùng theo xu thế hiện đại hóa của đất nước.
“Việc thị trường trầm lắng hiện tại chỉ như một nốt trầm ngắn hạn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế. Cùng với đó, ngành thời trang đang có sự phân hóa giữa các mô hình bán lẻ thời trang truyền thống và thế hệ kinh doanh thời trang mới, sự sàng lọc tự nhiên đang diễn ra trên thị trường. Cơ hội vẫn sẽ rộng mở cho những ai thích ứng được với bối cảnh này ở giai đoạn hậu suy thoái”, ông Thanh nói.
Tìm cách thoát hiểm cho bán lẻ thời trang
Để vượt qua giai đoạn trầm lắng, theo Thạc sĩ Ngô Thành Huấn, các nhà bán lẻ cần có sự linh hoạt trong phương thức kinh doanh như bán hàng đa kênh, tận dụng hình thức livestream trên các nền tảng bán hàng đang gây sốt, tăng kênh chăm sóc khách hàng, tiếp thị sản phẩm…
Ngoài ra, các cá nhân lẫn doanh nghiệp cần tinh gọn quy mô khi cần thiết, như giảm diện tích thuê mặt bằng đối với cơ sở không đem lại nguồn thu lớn, cân nhắc hoặc giảm các khoản vay để gồng gánh kinh doanh khi không cần thiết.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó tổng thư ký Hiệp Hội TMĐT Việt Nam, cũng cho rằng với sự phát triển của kinh doanh online, các đơn vị kinh doanh cần phải thay đổi hoặc học cách bán hàng online không chỉ trên sàn TMĐT mà còn ở mạng xã hội, website…
Sau dịch Covid-19, người tiêu dùng quen với việc mua hàng online. Họ cũng nhận ra thị trường đang có nhiều ưu điểm như dễ lựa chọn shop bán rẻ, đa dạng mẫu mã, chi phí giao hàng được trợ giá…
Thực tế, số liệu từ nền tảng TMĐT Metric.vn thống kê, trong quý I/2023, thời trang và làm đẹp là hai ngành hàng được mua sắm nhiều nhất trên 5 nền tảng TMĐT phổ biến hiện nay.
Ước tính doanh thu từ thời trang nam, nữ, trẻ em, chưa kể sản phẩm giày, dép, túi xách đã lên tới hơn 7 ngàn tỉ đồng. Chính vì thế, doanh nghiệp cần thích ứng thay đổi để linh hoạt với nhu cầu thị trường.
Cần chú trọng thời trang xanh
"Thời trang bền vững đã, đang và sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ là chuẩn mực của ngành công nghiệp thời trang. Chính vì thế doanh nghiệp trong lĩnh vực cần chú trọng xu thế này để có con đường đi bền vững với ngành.
Từ 2018, chúng tôi ra mắt các sản phẩm từ polyester tái chế, sợi tre, tiếp sau đó là sản phẩm từ bã cafe, sợi chuối, sợi bắp... Các sản phẩm này đang được khách hàng đón nhận tích cực bởi chúng mang lại cảm giác thoải mái, thoát mát, nhanh khô, chống tia UV lại thân thiện với môi trường.
Hiện tại dòng thời trang bền vững Green EX chiếm 20% tỉ trọng sản phẩm của Couple TX và sẽ tiếp tục tăng đến 50% trong thời gian tới.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng một sản phẩm được xem là thời trang bền vững đích thực khi có nguồn nguyên liệu được cung cấp từ các nhà cung cấp uy tín, có chứng nhận nguồn gốc thành phần rõ ràng và có thể kiểm chứng từ đơn vị giám định chuyên ngành", ông Trần Quang Trường Thanh, Giám đốc điều hành Couple TX.
Theo PLO
Tags:
Xếp hạng 10 thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới: Bất ngờ không có Hermès, Burberry, Fendi
Louis Vuitton đứng đầu danh sách thương hiệu xa xỉ nổi tiếng nhất thế giới. Xếp sau lần lượt là Dior, Gucci, Chanel. Và điều bất ngờ nhất là những cái tên gắn với sự đắt đỏ Hermès, Burberry, Fendi không hề có trong danh sách này.