dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Làm giàu từ quýt bản địa

Giống quýt bản địa ở xã Chiềng Cọ đang được người tiêu dùng ngày một ưa chuộng hơn bởi hương vị đặc trưng so với những loại quýt khác...

Quýt bản địa mang lại thu nhập cao

So với các năm trước, năng suất, chất lượng sản phẩm quýt của xã Chiềng Cọ (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) hơn hẳn, không chỉ bởi mẫu mã quả đẹp mà còn bởi vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng khác hẳn với các loại quýt trồng ở nơi khác đã giúp người nông dân có nguồn thu nhập cao.

Dẫn chúng tôi đến thăm vườn quýt ở bản Ngoại (xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La) vào những ngày thu hoạch đầu năm mới nhâm dần 2022, ông Cà Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La cho biết: Trước đây, quýt Chiềng Cọ có vị ngon ngọt, mọng nước và mùi thơm mát. Tuy nhiên sau này, do giống bị thoái hóa, bà con chưa biết cách cải tạo để quýt phát triển tự nhiên nên ít trái, quả chua và khô nên không được thương lái và người tiêu dùng đón nhận. Vì vậy là 1 bài toán khó đối với người trồng quýt, để tháo gỡ những khó khăn và tìm hướng đi mới giúp bà con, xã đã tập trung cải tạo vườn quýt, bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt, sản phẩm quýt năm nay tại xã Chiềng Cọ được đánh giá là cao hơn với những năm trước. Đạt được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của xã tập trung tuyên truyền bà con trồng quýt học tập theo các vườn cây có múi ở dưới xuôi, như: Hưng Yên, Thái Nguyên..., từ đó người dân đã nhân rộng những mô hình theo hướng hữu cơ, nói không với chất bảo quản thực vật và hóa học. Nhờ vậy, sản phẩm quýt có chất lượng tốt được khách hàng đón nhận, thu nhập của bà con cũng vì thế được tăng lên rõ rệt.

Sơn La: Nông dân phất lên như diều gặp gió từ quả "có múi mini" - Ảnh 1.

Quýt Chiềng Cọ quả to, ngọt, mọng, ít hạt, có mùi thơm đặc trưng. Ảnh: Văn Ngọc

Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây quýt mang lại thu nhập ổn định, cho lãi cao hơn trồng cây ngô, sắn nên gia đình chị Tòng Thị Thoa, ở bản Ngoại (xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đã quyết định gắn bó lâu dài với cây trồng này. Hiện nay, gia đình chị Thoa có gần 1 ha quýt, vào năm 2016 sau khi được cán bộ Hội Nông dân thành phố Sơn La tập huấn kỹ thuật tỉa cành, bón phân, nhờ thế mà năng suất cây ăn quả tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây. Trên thị trường hiện nay, quýt được các tiểu thương mua với giá từ 15.000 – 30.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ quýt, sau khi trừ hết chi phí chăm sóc gia đình chị Thoa đút túi khoảng 100 triệu đồng.

Chị Thoa kể: "Tôi thấy trồng quýt so với các loại cây trồng khác thì không tốn nhiều công sức và kinh phí chăm sóc, hiệu quả kinh tế từ quýt mang lại cao hơn. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ nhân rộng thêm diện tích trồng quýt để tăng thu nhập cho gia đình. Ý định của tôi là sẽ phát triển vườn quýt theo hướng du lịch trải nghiệm, để thu hút khách thập phương và những người ưa trải nghiệm nông nghiệp đến khám phá vào ngày cuối tuần". 

Sơn La: Nông dân phất lên như diều gặp gió từ quả "có múi mini" - Ảnh 2.

Chị Tòng Thị Thoa, ở bản Ngoại (xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La) đang thu hái những quả quýt chín mọng của gia đinh. Ảnh: Văn Ngọc.

Tập trung nâng cao chất lượng quýt bản địa

Bản Ngoại là một trong những bản có số diện tích trồng quýt bản địa lớn nhất xã Chiềng Cọ, với gần 10 ha và 39 hộ trồng quýt. Vì vậy những năm gần đây, cấp ủy, UBND xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống quýt bản địa này, từ đó tạo điều kiện cho người dân làm giàu chính đáng, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Chia sẻ với PV, ông Tòng Văn Thành, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Ngoại (xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La) cho hay. "Chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu quýt giống bản địa này, nên đã thành lập 1 HTX để phát triển cây quýt. Tuy nhiên, do mới thành lập nên HTX chưa liên kết được với doanh nghiệp nào, chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo của tỉnh, thành phố quan tâm, bao tiêu sản phẩm quýt để bà con yên tâm sản xuất".

Sơn La: Nông dân phất lên như diều gặp gió từ quả "có múi mini" - Ảnh 3.

Nông dân bản Ngoại xã Chiềng Co, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chăm sóc vườn quýt của gia đình: Ảnh: Văn Ngọc

Để nâng cao năng suất, chất lượng giống quýt bản địa, xã Chiềng Cọ đã vận động bà con, đẩy mạnh thâm canh và phát triển vùng sản xuất quýt có chất lượng cao. Đến nay, trên địa bàn xã có 14,55 ha trồng quýt, sản lượng ước đạt từ 15 – 20 tấn/ha, với giá bán dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ha, người dân đã thu được hàng trăm triệu đồng.

Sơn La: Nông dân phất lên như diều gặp gió từ quả "có múi mini" - Ảnh 4.

Cây quýt được trồng và chăm sóc hiệu quả đang mở ra hướng làm kinh tế mới ở Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn ngọc.

Trong thời gian tới, xã Chiềng Cọ sẽ tiếp tục tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm quýt bản địa, xây dựng phát triển thành sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm, thu hút doanh nghiệp và thương lái đến đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện cho người nông dân học tập kinh nghiệm và có kỹ thuật chăm sóc hiệu quả hơn trong sản xuất. Hiện nay, sản phẩm quýt đã được xã Chiềng Cọ lựa chọn xây dựng, phát triển thương hiệu, chất lượng tham gia chương trình sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La, giúp người nông dân có cơ hội làm giàu chính đáng từ sản phẩm đặc trưng của địa phương.


Văn Ngọc